Còn tại các chợ, trung tâm thương mại, việc đi lại tương đối chậm do người dân đi mua sắm, nhiều bãi giữ xe mọc lên tự phát gây ách tắc cục bộ.
Theo ghi nhận của phóng viên tại một số "điểm nóng" trước đây như đường Quang Trung (quận Gò Vấp), Trường Chinh, Cộng Hòa (quận Tân Bình), đại lộ Mai Chí Thọ (quận 2)..., lượng phương tiện di chuyển dễ dàng, phương tiện lưu thông chủ yếu là xe tải nhỏ chở hàng.
Quanh khu vực Bến xe miền Đông, việc di chuyển diễn ra thuận lợi tuy nhiên vào giờ cao điểm (10-12 giờ trưa) do lượng xe quay đầu vào bến khá đông nên phương tiện tập trung đông trước cổng Đinh Bộ Lĩnh.
Dọc Quốc lộ 13, đoạn ngã tư Bình Phước do hình thành điểm đón khách tự phát nên nhiều xe khách, nhất là chặng bến xe miền Đông về Bình Phước "tranh thủ" tạt đầu đón khách, gây mất trật tự giao thông. Tình cảnh này cũng diễn ra tương tự tại khu vực Ngã tư An Sương, Ngã tư Ga, bến xe Lam Hồng (địa điểm giáp ranh tỉnh Bình Dương và quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh)...
Các tuyến đường ra vào ga Sài Gòn thông thoáng, đường Trường Sơn dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất tập trung phương tiện đông nhưng việc di chuyển khá thuận lợi. Khu vực Bến xe miền Tây không diễn ra ùn ứ do phần lớn người dân đi xe máy về các tỉnh miền Tây ăn Tết.
Tuy nhiên, trong chiều nay, cơn mưa bất thường đổ xuống hơn 30 phút đã khiến phương tiện trên đường Trường Sơn, chiều từ trung tâm thành phố đến sân bay xung đột cục bộ. Chiều từ sân bay về trung tâm, đoạn vòng xoay lăng Cha Cả, các phương tiện dồn ứ, tiềm ẩn nguy cơ ùn ứ. Lực lượng cảnh sát đã kịp thời điều tiết nên tình hình ổn định. Phía trước ga quốc nội, xe ôtô xếp đông sau khi chở hành khách đến sân bay vào giờ cao điểm.
Đây là bức tranh giao thông khác với một vài ngày trước khi mà đường Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh dẫn vào Bến xe miền Đông kẹt cứng, nhiều người dân phải ôm ba lô nhảy qua đường để vào bến xe. Trong khi đó, lượng người trong bến xe chờ đợi đến gần cả nghìn người, đặc biệt các chuyến về miền Trung Tây Nguyên.
Còn tại ga Sài Gòn, đã có một số trường hợp mua phải vé giả không lên được tàu. Lãnh đạo ga khuyến cáo hành khách nên mua vé đúng theo chỉ dẫn của ga để tránh thiệt hại.
Trong khi đó điệp khúc “delay” (chậm giờ) trong ngành hàng không tiếp tục xảy ra. Trong ngày hôm qua (24/1), chuyến bay VJ224 của hãng hàng không Vietjet Air từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Vinh đã phải lùi thời gian bay từ hơn 16 giờ theo thông báo ban đầu lên hơn 18 giờ cùng ngày.
Theo phản ánh của hành khách Võ Thị Mai, chị mua vé chặng Thành phố Hồ Chí Minh-Vinh ngày 24/1 trên chuyến bay có số hiệu VJ220, được thông báo giờ bay là 15 giờ nhưng sau đó hãng Vietjet đã dồn chị sang chuyến VJ224 với giờ bay là 18 giờ 15 phút cùng ngày.
Chị Võ Thị Mai cho biết thêm trên chuyến bay VJ224 có nhiều khách hàng đã mua vé với số hiệu chuyến bay và giờ bay khác nhau nhưng cùng bị dồn chuyến và chậm giờ bay.
Trao đổi với phóng viên, đại diện truyền thông của hãng Vietjet cho biết đây là sự cố nằm ngoài ý muốn do dịp Tết các hãng tăng chuyến, phải chờ giờ bay.
Với hãng Vietjet, tình trạng này xảy ra nhiều lần. Tuy nhiên, khi phóng viên phản ánh việc có nhiều hành khách thông báo họ không nhận được chỉ báo hướng dẫn và giải thích kịp thời của hãng, đại diện Vietjet khẳng định hệ thống loa tại sân bay Tân Sơn Nhất có phát thông báo nhưng có thể hành khách không để ý nên không nghe thấy./.