Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF), có đến 52,7% bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam chết vì căn bệnh này trước năm 60 tuổi. Đây là con số đáng lo ngại trong khi quá nửa bệnh nhân đái tháo đường tại Việt Nam chưa có đầy đủ kiến thức về cách kiểm soát đường huyết cũng như được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Chuyên khoa II- Nguyễn Thị Thục Hiền, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, thực trạng trên do nhiều nguyên nhân, cả từ phía ngành y tế và bệnh nhân.
Thứ nhất, thiết bị y tế chưa được trang bị đầy đủ, điều kiện cơ sở vật chất và thuốc men còn thiếu thốn, đặc biệt là các tuyến dưới như trung tâm y tế, cấp xã huyện. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn của bác sĩ nội tiết chưa đồng đều, dẫn tới việc bệnh nhân không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hầu như bệnh nhân đã mắc bệnh trong thời gian dài, khi đã xảy ra biến chứng mới được chuyển lên các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương. Lúc này, việc điều trị sẽ khó khăn và thường quá muộn.
Nguyên nhân thứ hai là nhận thức và sự thiếu hiểu biết của bệnh nhân về căn bệnh đái tháo đường, không kiểm soát tốt đường huyết. Đây là căn bệnh mãn tính, tiến triển từ từ và không có triệu chứng lâm sàng rõ rệt, khiến người bệnh chủ quan, không thường xuyên kiểm tra, cho đến khi bắt đầu có biến chứng như thấy mờ mắt, tê chân mới đi chữa trị. Khi ấy bệnh đã nặng và việc chữa trị rất tốn kém.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thúy Hằng - Bệnh viện Đa khoa Xanh-pôn nhận định, nguyên nhân khiến số người mắc bệnh đái tháo đường tăng cao và gặp nhiều biến chứng là người Việt Nam ít kiểm tra sức khỏe định kỳ, không kiểm soát tốt đường huyết và ít vận động. Trong khi đó, cơ địa của người châu Á nói riêng và người Việt Nam nói chung có tỷ lệ mỡ tạng cao. Muốn kiểm soát đường huyết cần phối hợp cả ba yếu tố: chế độ ăn uống, tập luyện và sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Theo phác đồ hướng dẫn điều trị đái tháo đường tuýp hai của Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ, Insulin nền được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân khi không thể kiểm soát được đường huyết với thuốc viên. Tuy nhiên, khi áp dụng tại Việt Nam lại gặp khá nhiều rào cản.
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thanh Huyền - Chuyên khoa Nội tiết - đái tháo đường, Phó trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, Insulin, đặc biệt là Insulin nền là phương pháp giúp kiểm soát mức đường huyết lâu dài, được áp dụng tại các nước tiên tiến. Tuy nhiên tại Việt Nam, việc sử dụng Insulin còn nhiều khó khăn. Về phía bác sĩ là do quá tải trong công việc, lo ngại về vấn đề điều chỉnh đường máu, nguy cơ hạ đường huyết. Còn về phía bệnh nhân, do nhiều người hiểu sai về Insulin, cho rằng đây là phương pháp sử dụng khi bệnh rất nặng, không thể chữa trị bằng thuốc viên hoặc ngại tiêm. Để gỡ bỏ rào cản này, các bác sĩ cần tư vấn giúp bệnh nhân hiểu rõ việc sử dụng Insulin nền đúng thời điểm, giúp cải thiện kết quả điều trị, chất lượng sống cho bệnh nhân, giảm thiểu các nguy cơ biến chứng.
Để cải thiện tình hình chẩn đoán bệnh đái tháo đường, nhằm phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời theo từng giai đoạn, Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam (VADE) phối hợp với Hiệp Hội Đái tháo đường Mỹ (ADA), dưới sự tài trợ của công ty Sanofi tổ chức 30 khóa đào tạo "Đào tạo quốc tế chuyên sâu về Đái tháo đường (iSTEP-D)".
Từ năm 2014 đến 2016, chương trình đã có sự tham gia của 1.500 bác sĩ từ 270 bệnh viện cả nước nhằm chuẩn hóa trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường, không chỉ cho bác sĩ chuyên khoa nội tiết, mà cả bác sĩ đa khoa. Từ tháng 7/2017 đến 2018, chương trình iSTEP-D sẽ tiếp tục huấn luyện chuyên sâu thêm 600 bác sĩ, nhằm tiếp tục hỗ trợ các bác sĩ trong việc kiểm soát đường huyết nội viện và ngoại viện. Bốn trung tâm đào tạo hợp tác gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nội tiết Trung Ương, Bệnh viện Chợ Rẫy và Đại Học Y Dược TP HCM.