Các nhà nghiên cứu tại Đại học California San Diego và công ty vật liệu Algenesis (Mỹ) cho biết họ đã tìm ra cách chế tạo nhựa bằng polyurethane (PU), một loại polyme “gốc sinh học” làm từ tảo biển có thể phân hủy trong môi trường tự nhiên, khác với các loại polyme thông thường làm từ dầu mỏ.
Câu hỏi được đặt ra là liệu vật liệu làm từ tảo này có phân hủy thành các hạt vi nhựa - những mảnh nhựa cực nhỏ có kích thước dưới 1 micromet (1/70 sợi tóc người) hay không.
Giáo sư Skip Pomeroy tại Khoa Hóa học và Hóa sinh thuộc Đại học California San Diego cho biết các nhà nghiên cứu đang chứng minh chất liệu mới không tạo ra vi nhựa theo thời gian mà thực sự bị phân hủy bởi các vi khuẩn trong môi trường.
Nhà nghiên cứu Michael Burkart chia sẻ rằng nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một chủng vi khuẩn trong phân trộn có thể sống hoàn toàn nhờ nhựa PU. Điều này đồng nghĩa với việc những vật liệu nhựa họ đang tạo ra “có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn”.
Ông Burkart cho biết các sinh vật phân hủy nhựa sinh học xác định vật liệu này tương tự như lá hoặc gỗ mà giới nghiên cứu tìm thấy trong phân trộn thông thường. Theo nghiên cứu, quá trình từ sản xuất nhựa bằng vật liệu gốc sinh học cho đến phân hủy đều có thể tái tạo 100%.
Nghiên cứu cho thấy các polyme gốc thực vật có thể phân hủy sinh học không tạo ra vi nhựa trong vòng chưa đầy bảy tháng. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp ủ phân hiếu khí để kiểm tra mức độ phân hủy của vật liệu mới. Sau 90 ngày, chỉ có 32% vi nhựa gốc tảo được thu hồi, đồng nghĩa hơn 2/3 đã phân hủy sinh học. Sau 200 ngày, con số này giảm còn 3%, nghĩa là 97% đã biến mất hoàn toàn.
Công bố này tuy vậy vẫn vấp phải sự nghi ngờ từ cộng đồng. “Một số người không tin rằng chúng tôi thực sự đang tạo ra những vật liệu có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn", ông Burkart nói.
Các nhà nghiên cứu cho biết, các hạt vi nhựa có trong các loại polyme gốc dầu phải mất hàng trăm hoặc hàng nghìn năm để phân hủy hoàn toàn.
Ông Burkart khẳng định: “Chúng ta không cần phải sử dụng những vật liệu sẽ tồn tại mãi mãi này, thay vào đó hãy bắt đầu sử dụng những vật liệu bền vững hơn”.
Tuy nhiên, việc sử dụng rộng rãi vật liệu mới này đang gặp phải vấn đề về chi phí. Trong khi dầu mỏ có sẵn để hút từ mặt đất thì việc mở rộng cơ sở hạ tầng cho nuôi trồng tảo để chế tạo polyme tốn nhiều thời gian, tiền bạc và công sức hơn.
Ông Burkart nói thêm rằng quy trình mà các nhà nghiên cứu công bố cũng có thể được áp dụng cho các vật liệu có nguồn gốc thực vật khác. Họ hy vọng quy trình mới này có thể được triển khai rộng rãi trong sản xuất bao bì thực phẩm.