Những băn khoăn đằng sau cổ tích

(Ngày Nay) - Sau những khoản quyên góp từ thiện lớn - những con số  thể hiện tấm lòng xã hội - lại là những mối lo: Khung pháp lý cho hoạt động từ thiện ở nước ta vẫn chưa khuyến khích phong trào do các cá nhân khởi xướng, cho dù chúng có hiệu quả đến mức nào.
Những băn khoăn đằng sau cổ tích

Những con số cổ tích

Tối 22/10, một cuộc bán đấu giá các tác phẩm nghệ thuật diễn ra tại TP.HCM. Ở đó, một bức tranh phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái được bán với giá 102.000 USD. Đó không phải là một mức giá quá đáng kể với một bức “Phố Phái”. Một bức tranh của cố thi sỹ Bùi Giáng được bán với giá 27.000 USD. Mặc dù giá khởi điểm chỉ là 2.500 USD, nhưng với tên tuổi của “nhà thơ điên” huyền thoại Bùi Giáng, thì con số ấy cũng không phải chuyện quá hoang đường.

Những băn khoăn đằng sau cổ tích ảnh 1Nhiều hoạt động đấu giá đã diễn ra trên cả nước để thu lợi nhuận, dành tiền cứu trợ miền Trung

Buổi đấu giá ấy có gì đặc biệt? Toàn bộ số tiền thu được, sau khi trừ đi giá gốc cho chủ tranh, sẽ đưa vào quỹ Thiện Nhân & Những người bạn - một quỹ phẫu thuật chữa trị khiếm khuyết cơ quan sinh dục cho trẻ nhỏ. Sự kiện được tổ chức bởi tổ chức Live to Love Vietnam.

Những nhà tổ chức đã rơi nước mắt khi nói về mục tiêu của chương trình. Quanh phòng tiệc, là những tác phẩm “sang trọng” của nền nghệ thuật Việt Nam, từ Bùi Xuân Phái đến Bùi Giáng, từ Đinh Thị Thắm Poong tới Lê Kinh Tài. Nhưng mục tiêu của việc đấu giá chúng, lại là một nhu cầu giản dị tới mức nhiều người không tưởng tượng rằng chúng có tồn tại: Để những đứa trẻ có thể... đi vệ sinh bình thường.
Đó là những đứa trẻ sinh ra với cơ quan sinh dục biến dạng, không biết là trai hay là gái, không thể đi tiểu tiện bình thường, hay thậm chí là cả đời gắn chặt với chiếc bô. Là những đứa trẻ gặp tai nạn thương tâm, chịu đựng khuyết tật nơi nhạy cảm nhất. Đó không chỉ là một bi kịch về thể xác, mà là cả tinh thần, cho đứa trẻ và những người thân.

Nhiều ý kiến phản đối Luật về Hội
Luật về Hội, một trong những khung pháp lý quan trọng nhất cho các hoạt động tự nguyện của khối dân sự, trong đó có cả các hoạt động từ thiện, cứu trợ, sắp được trình ra Quốc hội trong kỳ họp thứ 2 lần này. Dự thảo Luật về Hội nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là ngay cả Hội Liên hiệp KHKT Việt Nam cũng đề nghị không thông qua. Dự thảo này không thừa nhận các hội “ngoài công lập”, ví dụ như là hội đồng hương hay hội sở thích vẫn đang hoạt động lâu nay. Để dễ hiểu, nếu Hội đồng hương huyện X tỉnh Y đứng ra tổ chức quyên góp cho đồng hương bị lũ lụt, thì sự kiện này chắc chắn là nằm ngoài vòng pháp luật, nếu Luật mới được thông qua.

Tổng cộng, hơn 5 tỷ đồng đã được quyên. Những nhà sưu tập dường như đã hào phóng hơn bởi mục tiêu của chương trình. Một bức tượng Phật Dược Sư được đưa về từ Tây Tạng, với giá khởi điểm 5.000 USD, sau những lần xướng giá liên tiếp, đã kết thúc ở con số... 129.000 USD.

Buổi đấu giá kết thúc với những nụ cười. 5 tỷ đồng, tương đương với hơn 150 đứa trẻ sẽ có cuộc sống bình thường.

5 tỷ bây giờ không còn là con số lớn với một chương trình tình nguyện tự phát của các cá nhân, tổ chức “ngoài công lập”. Dư luận vẫn đang chưa thôi xúc động với việc MC Phan Anh một mình đứng ra quyên góp được hơn 20 tỷ đồng cho đồng bào miền Trung sau cơn lũ vừa qua. Cho đến thời điểm này, MC Đại Nghĩa cũng đã quyên góp được hơn 800 triệu đồng cho cùng mục đích. Còn chương trình “Thiện Nhân & Những người bạn”, mỗi năm cũng quyên góp trên dưới 3 tỷ đồng để thực hiện các ca phẫu thuật cho trẻ nhỏ, được khởi xướng bởi nỗ lực cá nhân của nhà báo Trần Mai Anh.

Người ta chưa quên Nguyễn Quang Thạch – người kiên trì với mục tiêu “sách hóa nông thôn Việt Nam” và vừa nhận giải thưởng của UNESCO năm nay. Con số mà anh đã huy động được trong suốt những năm vừa qua đã lên đến 30 tỷ đồng, với 10.000 tủ sách được xây dựng ở các làng quê.

Nữ ca sỹ Thái Thùy Linh, người có hai chương trình tình nguyện quen thuộc là “Mặc Ấm” và “Mang âm nhạc đến bệnh viện” cũng đã huy động được không dưới 3 tỷ đồng qua các lần kêu gọi của mình.
Cũng trong mùa lũ này ở miền Trung, người ta nhắc đến chương trình “Nhà chống lũ” - một chương trình xây dựng những căn nhà phao có thể nổi trong nước lũ để đảm bảo tài sản và tính mạng cho người dân.

Có thể thấy rõ ràng là khi đời sống vật chất đi lên thì nhu cầu sẻ chia cũng nhiều hơn, và những con số “hàng tỷ đồng” thể hiện các khía cạnh ấy. Đó có thể xem là một tín hiệu mừng khi nhiều người trong xã hội muốn quan tâm đến người khác và có điều kiện để làm việc đó.

Những băn khoăn đằng sau cổ tích ảnh 2Khi đời sống vật chất đi lên thì nhu cầu sẻ chia cũng nhiều hơn...

Nhưng đằng sau những nụ cười thiện nguyện, lại là những nỗi lo. Buổi tối hôm ấy, sau buổi đấu giá thu về 150 ca phẫu thuật, những nhà tổ chức ngồi lại với nhau, và một trong những câu chuyện nhắc tới, là... pháp nhân. Phong trào tình nguyện và từ thiện lên cao, cũng đồng nghĩa với một khoảng trống luật pháp lộ ra: Luật pháp hiện tại không khuyến khích các cá nhân tự gây quỹ từ thiện.

Chương trình “Thiện Nhân & Những người bạn” - vốn do cá nhân chị Mai Anh và một vài người bạn cùng khởi xướng - nay “gửi pháp nhân” ở Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIPF). Một chương trình phẫu thuật cơ quan sinh dục với một quỹ chuyên về mũ bảo hiểm cho trẻ nhỏ vốn chẳng có mấy liên quan. Nhưng đó là một biện pháp đảm bảo tính pháp lý cho hoạt động của họ. Và cái “pháp nhân” ấy là một điều vô cùng xa xỉ với những chương trình từ thiện tự phát.

Ví dụ, Nhà chống lũ không có pháp nhân. Phan Anh tất nhiên chỉ là một cá nhân không có cái gọi là “chức năng nhận tiền quyên góp”. MC Đại Nghĩa tất nhiên cũng không. Và bây giờ, sau những tấm lòng, những số tiền quý giá đổ về tài khoản, là lúc họ bắt đầu phải lo lắng về tính hợp pháp cũng như là hợp tình.

Những hoài nghi đáng sợ

Vài ngày sau khi MC Phan Anh thực hiện chiến dịch quyên góp gây chấn động của mình, trên mạng bắt đầu xuất hiện những ý kiến “pháp lý” về việc người đàn ông điển trai này có thể đã... vi phạm pháp luật khi làm từ thiện.

Cụ thể, những quan điểm này trích ra Nghị định 64/2008/NĐ-CP “về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”.

Những băn khoăn đằng sau cổ tích ảnh 3MC Phan Anh đã thực hiện chiến dịch quyên góp gây chấn động trên mạng nhưng sau đó bị "dính"  nhiều tranh cãi về luật

Nghị định này hoàn toàn không ủng hộ việc các cá nhân đứng ra điều phối một chương trình cứu trợ, ngay từ khâu... kêu gọi. Với tư cách cá nhân, theo nghị định 64, Phan Anh không được phép kêu gọi. Đến khâu tiếp nhận, phân phối tiền và hàng cứu trợ, anh cũng không được phép nốt. Anh buộc phải phối hợp với chính quyền địa phương chứ không được tự làm. Việc sử dụng tài khoản cá nhân, cho dù rất minh bạch, cũng là sai nguyên tắc... Nếu anh không đăng ký tài khoản tiếp nhận cứu trợ tại kho bạc nhà nước, thì số tiền chảy vào tài khoản của anh được coi là thu nhập bất thường và phải nộp thuế.
Nếu chiếu theo những khung pháp lý hiện tại về việc quyên góp từ thiện, thì chắc chắn là có rất nhiều người, rất nhiều nhóm tại nước ta hiện nay đang vi phạm pháp luật. Trước những hoài nghi đó, rất nhiều người yêu quý Phan Anh cũng như là ủng hộ các phong trào tình nguyện tự phát đã phản ứng quyết liệt.

Nhưng rõ ràng là cũng không thể phủ nhận được rằng với việc luật pháp chỉ khuyến khích các “cơ quan đoàn thể” chính thống tiếp nhận cứu trợ, không có các nguyên tắc cho cá nhân, thì rõ ràng là sẽ có mâu thuẫn phát sinh.

Trên mạng, đang ồn ào việc một cá nhân nghi ngờ MC Đại Nghĩa không minh bạch với số tiền quyên góp. Bởi theo nghệ sỹ này, thì anh nhận tiền quyên góp đến... 9 chương trình trong một tài khoản (cá nhân) và mọi thứ không thể tách bạch. Mặc dù rất nhiều người vẫn ủng hộ Đại Nghĩa và ca ngợi tấm lòng của anh, nhưng cũng không thể xóa đi được những hoài nghi.

Bản thân hai chữ “tự phát” có hai mặt: Nó có hàm ý tự nhiên và có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu, giống như những phong trào từ thiện tự phát hiện nay, đồng nghĩa với sức mạnh của quần chúng được phát huy. Nhưng nó đồng thời cũng mang hàm ý của sự thiếu tính tổ chức chuyên nghiệp. Điều này có thể đáng quý, nhưng cũng có thể mang lại sự phiền toái cho chính những người tốt.

Thậm chí ngay cả những người vốn đã được xã hội thừa nhận, được vinh danh bởi các tổ chức chính trị, như là nhà báo Trần Mai Anh (quỹ Thiện Nhân & Những người bạn) hay ca sỹ Thái Thùy Linh (Phó Giám đốc Trung tâm Tình nguyện quốc gia), cũng vẫn thường xuyên phải chịu sự hoài nghi về tính minh bạch trong các chương trình của mình.

Sẽ là không công bằng khi đem những người như Phan Anh ra xử lý trước pháp luật. Không thể phủ nhận rằng anh đã làm việc đó bằng tấm lòng tự nguyện. Theo những người đã tiếp xúc với Phan Anh trong hành trình vào với vùng lũ, thì ngay cả một điếu thuốc anh cũng dùng tiền túi chứ không sử dụng tiền quyên góp.
Và khi mà những mâu thuẫn như thế phát sinh, nên chăng cần xem lại các quy chuẩn pháp luật. Đặc biệt là trong bối cảnh Quốc hội đang họp, và Luật về Hội đang được trình ra.

TIN LIÊN QUAN
Khắc họa Hà Nội mộng mơ qua bộ tem bưu chính rực rỡ sắc hoa
Khắc họa Hà Nội mộng mơ qua bộ tem bưu chính rực rỡ sắc hoa
(Ngày Nay) -  Hà Nội có 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông rõ rệt. Cùng với sự thay đổi của thời tiết, mỗi mùa, Hà Nội lại có vẻ đẹp rất riêng khi khoác lên mình chiếc áo mới, được tô điểm bởi sắc màu của một loài hoa chủ đạo. Yêu tha thiết Hà Nội, mê mẩn với những loài hoa, họa sỹ Nguyễn Quang Vinh đã dành nhiều tâm sức để đưa 12 loài hoa đặc trưng cho 12 tháng trong năm vào bộ tem bưu chính “Hà Nội 12 mùa hoa”.
Hồ ấp trứng rùa tại Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh-Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo. Ảnh: Huỳnh Sơn-TTXVN
Côn Đảo vào mùa sinh sản của rùa biển
(Ngày Nay) -  Bình quân mỗi năm gần đây, Vườn Quốc gia Côn Đảo cứu hộ trên 1.500 tổ trứng rùa biển, tiến hành ấp nở nhân tạo và thả trên 150.000 cá thể rùa con về biển.
Ảnh minh họa
Nhiều trẻ nhỏ, người già được “giải cứu” khỏi nắng nóng trên cao tốc Pháp Vân
(Ngày Nay) -  Sáng 28/4, trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện thông tin về một chiếc xe 16 chỗ bị đột ngột hỏng trên cao tốc Pháp Vân (cách Hà Nội khoảng 90 km về phía tỉnh Nghệ An). Chủ Facebook Nghĩa Đào viết: “Nghỉ lễ thuê xe về quê. Số nhọ hỏng xe cách Hà Nội 90km. Cả nhà đứng đường suốt 3 tiếng từ 6h30 đến 9h30. Gọi điện cho công ty thuê xe báo điều xe khác từ Hà Nội lên. Càng chờ càng mất hút...".
Ảnh minh họa
Xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế
(Ngày Nay) -  Ngày 27/4, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 189/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 5/10/2004 về Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Tuyến phố đi bộ Bãi Cháy thu hút đông đảo người dân và du khách trong ngày đầu khai trương. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN
Quảng Ninh đưa thêm một tuyến phố đi bộ vào hoạt động
(Ngày Nay) -  Tối 27/4, tại khu phố cổ công viên Đại Dương, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực Bãi Cháy chính thức được khai trương. Tuyến phố này hoạt động từ 19 giờ đến 24 giờ hàng ngày.