Crưm sáp nhập Nga sau 60 năm
Về chính biến ở Ukraine, sự kiện đáng chú ý nhất trong năm 2014 chính là việc Nga sáp nhập Crưm về Liên bang sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật hoàn tất thủ tục sáp nhập ngày 21/3.
Cũng trong ngày 21/3, Thượng viện Nga đã thông qua hiệp ước sáp nhập Crưm vào Liên bang Nga, hoàn tất việc phê chuẩn hiệp ước đã được Tổng thống Vladimir Putin ký ngày 18/3.
Trước đó, ngày 19/3, Trước 120.000 người ở Quảng trường Đỏ, Tổng thống Nga Putin nói Crưm đã trở lại là 'cảng quê nhà' sau một hành trình dài và khó khăn.
Bán đảo Crưm với đa số người dân tộc Nga đã ký hiệp ước thống nhất với Matxcơva sau cuộc trưng cầu dân ý, trong đó 96.7% cử tri ủng hộ trở thành một phần của nước Nga sau 60 năm thuộc về Ukraine.
Các binh sĩ Ukraine bên trong doanh trại ở Crưm. |
Tổng thống Putin nói: "Sau một hành trình khó khăn, lâu dài và mệt mỏi, Sevastopol và Crưm đã trở về với Nga, cảng của Nga, bờ biển của Nga và cửa ngõ của Nga".
Ông cảm ơn người dân Crưm đã 'thể hiện rõ là một phần của Nga'. Tổng thống Putin kết thúc bài phát biểu trên Quảng trường Đỏ bằng câu hô "Vinh quang cho nước Nga".
Ukraine có Tổng thống mới
Tháng 5/2014, Ukraine có một cuộc bầu cử rộng rãi để tìm ra người lãnh đạo mới sau khi cựu Tổng thống Yanukovych đã bỏ chạy khỏi đất nước và nhiều tháng vị trí này được giao cho quyền Tổng thống Turchynov.
Ngày 26/5, ứng cử viên Petro Poroshenko tuyên bố đắc cử Tổng thống Ukraine sau khi kết quả thăm dò ngoài phòng bỏ phiếu cho thấy ông giành đa số tuyệt đối.
Theo kết quả thăm dò sau bầu cử, tỷ phú Poroshenko, 48 tuổi, đã giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử tổng thống Ukraine với tỉ lệ ủng hộ 55,9% từ các cử tri.
Trước đó, Truyền thông Ukraine nói cựu vô địch quyền Anh hạng nặng 'Tiến sĩ búa thép' Vitali Klitschko đắc cử Thị trưởng Kiev.
Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ông Klitschko sau khi tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào cùng ngày, ông Poroshenko nói: "Tôi có thể tự tin nói rằng theo thông tin của chúng tôi, ông Vitali Klitschko sẽ trở thành thị trưởng mới của Kiev. Tôi xin chúc mừng ông".
Tân Tổng thống Ukraine - Poroshenko |
Trước khi lên nhậm chức Tổng thống, tỷ phú chocolate này đã lớn tiếng tuyên bố về tương lai không phụ thuộc Nga của Ukraine. “Ukraine có tất cả khả năng để sản xuất khí cho riêng mình, bao gồm cả khí đá phiến sét”, ông Poroshenko nói trong một cuộc họp với cư dân thị trấn Berezhany, khu vực Ternopol hôm 27/4.
“Tôi tin rằng năm 2015 có thể là năm cuối cùng chúng ta phải mua khí đốt từ Nga”, ông nói thêm.
Ngày 8/3, chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đột nhiên biến mất trên màn hình radar của các lực lượng mặt đất. Ngay sau khi sự cố xảy ra, một lực lượng tìm kiếm quy mô đã được thành lập để truy tìm tung tích chiếc máy bay.
Với sự có mặt của các tàu, máy bay của 9 quốc gia, một khu vực rộng lớn ở phía Nam Biển Đông đã được quần nát nhưng vẫn không thấy tăm hơi nào của chiếc máy bay và những hành khách xấu số.
Đến ngày 14/3, nỗ lực tìm kiếm được mở rộng và tiến về phía Tây bán đảo Malaysia tại Ấn Độ Dương. Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ USS Kidd đến khu vực Tây Bắc eo biển Malacca hỗ trợ công tác tìm kiếm.
Ngày 15/3, Thủ tướng Malaysia tuyên bố dừng chiến dịch tìm kiếm trên Biển Đông và cho biết nhiệm vụ của tìm kiếm bước vào giai đoạn mới với vị trí ở hai vành đai Bắc và Nam trên Ấn Độ Dương.
Phi công thuộc lực lượng Không quân New Zealand sử dụng máy bay P-3K2-Orion trong một cuộc tìm kiếm máy bay MH370 mất tích ngoài khơi thành phố Perth. |
Đã hơn 130 ngày kể từ khi chiếc máy bay xấu số biến mất khỏi màn hình radar, đến nay vẫn chưa có thông tin khả quan gì về tung tích của nó cũng như những người có mặt bên trên. Đây rất có thể sẽ trở thành vụ tai nạn bí ẩn nhất của năm 2014.
Ngày 16/4, quan chức cảnh sát biển Hàn Quốc cho biết một chiếc phà lớn chở theo khoảng 450 người bị đắm ở ngoài khơi bờ biển Tây Nam nước này. Đến nay, chỉ 174 người được cứu, gần 300 người khác đã chết và mất tích và mới vớt được khoảng 200 thi thể.
Phần lớn hành khách trên phà là học sinh cấp 2 đang trên đường từ đảo nghỉ mát ở Jeju trở về Incheon. Sau khi nhận được tín hiệu cấp cứu từ chiếc phà, cảnh sát biển và hải quân Hàn Quốc đã huy động tàu thuyền, máy bay tới hiện trường.
Sau đó, các nhà chức trách địa phương ra lệnh bắt giữ thuyền trưởng Lee Joon-seok và một thành viên thủy thủ đoàn khác của phà Sewol vì không hỗ trợ hành khách tại thời điểm xảy ra tai nạn. Thuyền trưởng Lee phải đối mặt với 5 tội danh, trong đó tội nghiêm trọng nhất là lơ đễnh khi làm nhiệm vụ và vi phạm luật hàng hải.
Người thân hành khách trên phà Sewol ngày đêm ngóng chờ tin tức |
Ngày 27/4, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won đã tuyên bố từ chức sau khi chính phủ nước này bị dư luận chỉ trích về cách thức xử lý thảm họa đắm phà Sewol.
Trong thông báo ngắn của mình, Thủ tướng Chung nói: “Tôi đã muốn từ chức sớm hơn, tuy nhiên việc xử lý thảm họa này là ưu tiên hàng đầu, và tôi nghĩ đó là một hành động có trách nhiệm trước khi từ chức.”
Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan vào Biển Đông
Trong thông báo hàng hải ngày 3/5/2014 của Cục Hải sự Trung Quốc nói rằng giàn khoan Hải Dương-981 sẽ khoan và tác nghiệp tại vị trí có tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc -111o12’06” kinh Đông từ ngày 2/5 đến 15/8/2014.
Liên tiếp những ngày sau đó, truyền thông thế giới dồn về điểm nóng trên Biển Đông. Trong lúc đó, liên tục các quan chức quốc tế lên tiếng phản đối, lên án hành động của Trung Quốc.
Ngày 7/5 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki một lần nữa khẳng định việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan vào khu vực tranh chấp trên Biển Đông là hành động khiêu khích và không giúp ích cho việc duy trì hoà bình và ổn định trong khu vực.
Trước đó, Thượng Nghị sỹ Mỹ John McCain cũng ra tuyên bố nêu rõ, việc Trung Quốc quyết định khoan dầu ngoài khơi vùng biển Việt Nam cũng như triển khai hàng chục tàu hải quân để hỗ trợ hành động khiêu khích này là vô cùng đáng quan ngại và chỉ gây gia tăng căng thẳng tại Biển Đông.
Tàu Trung Quốc thường xuyên đâm va tàu Việt Nam tại khu vực hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép - Ảnh: Quang Tùng |
Trong khi đó, ở hiện trường Trung Quốc dùng hàng trăm tàu có vũ trang, tàu cá và cả máy bay, di chuyển nhiều vòng xung quanh giàn khoan Hải Dương 981, ngăn cản tàu chấp pháp Việt Nam làm nhiệm vụ.
Không chỉ cản trở, các tàu Trung Quốc liên tục tìm cách đâm va, hung hăng chủ động va chạm với tàu chấp pháp Việt Nam khiến các phương tiện của ta bị hư hại nghiêm trọng.
Đến nay, bất chấp sự lên án, phản đối gay gắt của cộng đồng thế giới nhưng Trung Quốc vẫn ngang nhiên giữ giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.