1. Các ca F0 tự cách ly và điều trị ở nhà, trong cơn khó khăn về điều kiện săn sóc và hỗ trợ kịp thời của y tế, mọi thứ trở thành ngàn cân treo sợi tóc với bệnh nhân.
Anh/ chị ơi, mẹ em mất kiểm soát, co giật rồi!
Anh/ chị ơi, tới lượt của ba em chưa?
Nhà em 6 người đều dương tính…
…
Mỗi giờ, mỗi phút trôi qua có hàng trăm, ngàn lời kêu cứu đến nhóm điều hành và phân phối ATM Oxy.
Những tiếng kêu yếu ớt từ sáng sớm, đang trưa, xế chiều hay vào giữa đêm khuya chưa bao giờ có dấu hiệu dừng lại. Chúng tôi nhận ca nhưng phải chờ bác sĩ tiên liệu và trả lời.
Có sốt ruột hỏi han, có đợi chờ mất kiên nhẫn…
- Xong chưa, bác sĩ? Tôi hỏi.
- Mình đang khám, không phải 1 mà là 8 ca F0, một ca đã nói mê sảng rồi. Mình đã hướng dẫn dùng thuốc, cho điều oxy qua ngay. – Bác sĩ trả lời.
Bác sĩ Kiệt thở phào nhẹ nhõm, bảo tôi “ca vừa mới xong nặng quá, gọi cấp cứu xin nhập viện không được. Nay đến tay anh em mình may phước thế nào xin cho được nhập viện luôn”. Ca ấy là một bệnh nhân F0, 81 tuổi bị tâm thần.
“Hôm nay anh đã khám, hội chẩn online cho hơn 400 các ca F0 tại nhà rồi em”.
Bá sĩ Vũ trả lời tôi khi tôi gửi một ca đang trở nặng, vừa phút trước thôi SP02 còn trên dưới 80, đến phút sau đo lại đã 55 rồi, may mà kịp thời xin được cho nhập viện.
Cấp cứu thôi em, anh vừa gọi nhờ thêm 4,5 bác sĩ khác tác động để bệnh nhân được đưa vào bệnh viện.
Trong vô số khẩn trương đợi chờ ấy, có người may mắn vượt qua cơn sinh tử, cũng có những người đang thoi thóp chờ oxy vận chuyển đến thì nhận được tin không qua khỏi. Có oxy đến kịp lúc, kịp thời, cũng có giữa dường đi thì quay đầu chuyển hướng vì bệnh nhân không chờ được nữa rồi.
Có oxy đến kịp lúc, kịp thời, cũng có giữa dường đi thì quay đầu chuyển hướng vì bệnh nhân không chờ được nữa rồi... |
2. Tham gia vào đội điều phối oxy, mạng sống bệnh nhân nằm ở trên vai mình, hơi thở cứ ngỡ nhẹ tênh mà bỗng chốc trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Có bác sĩ đêm khuya vừa ru con vừa tranh thủ chẩn trị online, những trao đổi chuyên môn cứu người mà tôi nghĩ dẫu vô thức cũng lẫn vào lời ru con trẻ vào giấc ngủ say, đẫm đầy tình yêu thương con người, dệt ước mơ con trẻ ngày sau.
Có chị Kim Dung (sn 1981), trước là tài xế chạy taxi công nghệ, Dung gói ghém một ba lô áo quần, một người một xe vào kho của đội tá túc làm tình nguyện viên chở bình oxy đi cứu viện. Người phụ nữ nhỏ nhắn này để lại 3 con nhỏ cho chồng săn sóc, tạm thời không gặp mặt gia đình vì lo sợ ngộ nhỡ bản thân không may sẽ thành gánh nặng cho người thân.
Dung không có tiền, không có thu nhập mùa này, cũng như tất cả chúng tôi vậy, ai có gì ăn nấy, Dung khó khăn hơn, đến bữa qua loa trông đến xót xa.
Đêm qua nhắn xin anh Trưởng đại diện toà soạn được mì gói, được sữa, được cà phê. Dặn Dung, trên đường đi nhớ ghé, tôi gửi. Có vẻ như, chị đã đỡ phải lo chuyện đói no rồi.
Đội Oxy đi hết ngày sang đêm, rạng sáng lại gấp gáp lên đường. Anh em chúng tôi thương đội này nhất, họ không có thời gian để mệt, họ không kịp than thở một lời. Hoàn thành nhiệm vụ trở về, họ cười hí hửng giữ hè mà như đang xuân.
3. Anh em đội điều phối đều hiểu một điều sẽ không thể nào hỗ trợ hết, không thể nào giúp hết mọi ca cấp cứu, chỉ là cố gắng đến đâu mừng đến đó. Rồi động viên nhau xem ai mát tay hơn, ai phước phần hơn ai.
Trời khuya tháng Tám nóng chảy mồ hôi nhưng có lẽ không nóng bằng lòng người trong đêm mong cầu hơi thở. Nhà báo Tiến Đạt bảo tôi ngủ giữ sức và cũng để các bác sĩ nghỉ ngơi, mỗi ngày mới là bao nhiêu việc dập dồn mới.
Bắt buộc phải như vậy, nhưng trong màn đêm, chúng tôi ai cũng hiểu còn có những bệnh nhân, những thân nhân thấp thỏm đợi chờ…