1. Sự phát triển của thai nhi
Tuần thứ 5
Ở thời điểm này, các bộ phận ở đầu bé bắt đầu hình thành. Đầu bé to với những đốm sẫm ở mắt và lỗ mũi. Lõm nhỏ hai bên đầu chính là chỗ tai bé hình thành. Tay chân của bé giờ chỉ nhỏ nhỏ như những chồi non đang nhú lên.
Nhịp tim của bé khoảng từ 100 đến 160 lần/phút, nhanh gần gấp đôi nhịp tim của người trưởng thành. Và máu cũng bắt đầu lưu thông khắp cơ thể bé. Những chồi mô hình thành nên phổi và ruột bé bắt đầu phát triển. Một số phần còn lại của não bộ, tuyến yên, cơ bắp và xương cũng đang dần hình thành. Bé lúc này chỉ có kích thước như một hạt đậu nhỏ.
Tuần thứ 6
Vào tuần này, bàn tay và bàn chân của bé sẽ hình thành từ cánh tay và chân của bé, trông giống những mái chèo nhỏ xíu. Thực ra, lúc này bé vẫn chỉ là phôi thai và phần nối dài của xương cụt chỉ như một cái đuôi nhỏ.
Cái đuôi này sẽ nhỏ dần và biến mất sau vài tuần. Đây là phần duy nhất nhỏ lại. Ở tuần này, kích thước của bé đã lớn tuần trước và dài khoảng 1 cm, giống với kích thước của một trái nho.
Tuần thứ 7
Đây là lúc ngón tay và ngón chân của bé hình thành từ lớp màng bao bàn tay và bàn chân của bé. Mí mắt của bé cũng dần hình thành. Những ống thở xuất hiện kéo từ cổ họng tới phổi và chiếc đuôi nhỏ nhỏ cũng dần biến mất. Hệ thần kinh sơ khai cũng đang được hình thành với các tế bào thần kinh kết nối với nhau.
Các cơ quan sinh dục của bé lúc này chưa hình thành nên chưa thể biết bé là trai hay gái. Kích thước của bé cũng lớn hơn và dù bạn chưa cảm nhận được rõ rệt nhưng bé đang thay đổi từng ngày và lớn dần trong bụng bạn đấy.
Tuần thứ 8
Thiên thần của gia đình bạn đã có kích thước khoảng 2,5 cm. Hình hài của bé đã rõ hơn, các chi đã đầy đủ nhưng phải vài tháng tới mới hoàn thiện. Tim của bé đã phân chia thành 4 ngăn và hình thành van tim. Phần đuôi của phôi thai biến mất hoàn toàn. Đồng thời, các cơ quan nội tạng, thần kinh và cơ bắp cũng được định hình.
Cơ quan sinh dục của bé cũng bắt đầu hình thành nhưng chưa thể xác định được giới tính trong vài tuần nữa. Mắt của bé đã lộ rõ hơn nhưng phải tới tuần thứ 27 mắt bé mới mở. Mũi, miệng, tai cũng xuất hiện rõ hơn. Ở tuần này, nhau thai đã sẵn sàng cho việc sản sinh ra các loại hormone. Bé sẽ tăng cần nhanh hơn từ tuần này đấy.
2. Chế độ dinh dưỡng và tập luyện mẹ bầu cần chú ý
Mang thai tháng thứ 2 sẽ khiến mẹ bầu có cảm giác khó chịu và mệt mỏi do ốm nghén. Nhiều mẹ bầu nghén tới mức không thể ăn uống gì và nôn mửa. Do đó, cân nặng của mẹ bầu có thể sẽ giảm sút nhiều. Ốm nghén trong quá trình mang thai là điều không thể tránh khỏi, một số người có thể nghén tới tận tháng thứ 9. Bạn hãy chia ra làm nhiều bữa ăn nhỏ. Bạn cũng có thể ăn một số loại thực phẩm giúp giảm nghén như lá tía tô, củ cải, vỏ quýt, bí đao…
Bạn nên đi bộ để giải tỏa những mệt mỏi trong thời kỳ này. Tốt nhất là chia sẻ với bác sỹ và nhận được lời khuyên về chế độ tập luyện phù hợp cho sức khỏe của bạn và thai nhi.
3. Một số lưu ý quan trọng
Đây là thời điểm bạn phải bổ sung các vitamin cho cơ thể để em bé có thể phát triển tốt. Bên cạnh uống các loại thuốc bổ vitamin thì bạn nên ăn các loại hoa quả, salad, rau củ trong các bữa ăn để tránh cảm giác ngán. Điều này vừa giúp bạn đầy đủ các dưỡng chất cần thiết vừa giúp bạn ngon miệng.
Bạn cũng cần thường xuyên đi dạo và luôn để tâm trạng thoải mái. Mỗi ngày bạn nên đi bộ khoảng 15-20 phút, sẽ giúp bạn đỡ mệt mỏi và có lợi cho việc sinh nở sau này đấy.
Lương Ánh (T/h)
>>> Xem thêm
Những điều chị em cần chú ý khi mới mang thai