Danh sách Hội đồng Giải thưởng VinFuture 2024 gồm 11 thành viên. Đó là, Chủ tịch Hội đồng: Giáo sư Sir Richard Henry Friend (FRS - Đại học Cambridge, Vương Quốc Anh), Giải thưởng Millennium Technology năm 2010; Giáo sư Pascale Cossart (Viện Pasteur Paris, Pháp); Giáo sư Đặng Văn Chí (Viện Nghiên cứu Ung thư Ludwig và Trường Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ); Giáo sư Soumitra Dutta (Đại học Oxford, Vương quốc Anh); Giáo sư Martin Andrew Green (Đại học New South Wales, Australia), Giải thưởng Millennium Technology năm 2022, Giải thưởng Chính VinFuture 2023; Tiến sĩ Xuedong David Huang (Tập đoàn Zoom, Hoa Kỳ); Giáo sư Daniel Merson Kammen (Đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ); Giáo sư Sir Konstantin (Kostya) S. Novoselov (FRS - Đại học Manchester, Vương Quốc Anh và Đại học Quốc gia Singapore, Singapore), Giải thưởng Nobel Vật Lý năm 2010; Giáo sư Pamela Christine Ronald (Đại học California, Davis, Hoa Kỳ), Giải Wolf về Nông nghiệp và Giải Đặc biệt VinFuture 2022; Giáo sư Susan Solomon (Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ), Giải thưởng Môi trường Volvo 2009 và Giải Đặc biệt VinFuture 2023; Giáo sư Leslie Gabriel Valiant (FRS - Đại học Harvard, Hoa Kỳ), Giải thưởng A.M. Turing năm 2010.
Các thành viên của Hội đồng Giải thưởng năm 2024 đều là các nhà khoa học xuất sắc, kỳ cựu, hầu hết đã cùng đồng hành với VinFuture qua nhiều mùa giải ấn tượng.
Năm nay, Hội đồng Giải thưởng chào đón ba thành viên mới vừa gia nhập: Giáo sư Martin Andrew Green (Đại học New South Wales, Australia, Giải thưởng Chính VinFuture 2023); Giáo sư Pamela Christine Ronald (Đại học California, Davis, Hoa Kỳ, Giải Đặc biệt VinFuture 2022 dành cho Nhà khoa học nữ); Giáo sư Susan Solomon (Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ, Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho Nhà khoa học nữ).
Với đột phá trong việc phát minh ra công nghệ Bộ phát Thụ động và Tiếp điểm sau (PERC), nhóm nghiên cứu do Giáo sư Martin Andrew Green hiện là Giáo sư Khoa học và Giám đốc sáng lập Trung tâm Quang điện Tiên tiến tại Đại học New South Wales, Australia dẫn dắt đã giữ kỷ lục về việc cải thiện hiệu quả chuyển đổi năng lượng của pin mặt trời silicon trong ba thập kỷ, được xem là một trong 10 cột mốc quan trọng nhất lịch sử quang điện mặt trời. Năm 2021, pin mặt trời PERC đã chiếm tới 91,2% sản lượng mô-đun năng lượng mặt trời silicon được sản xuất trên toàn thế giới, từ đó trở thành thành phần chính cho quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo toàn cầu.
Giáo sư Martin Andrew Green đã được trao nhiều giải thưởng quốc tế danh giá, bao gồm Giải thưởng Năng lượng Toàn cầu 2018, Giải thưởng Nhật Bản 2021, Giải thưởng Công nghệ Thiên niên kỷ 2022, Giải thưởng Nữ hoàng Elizabeth về Kỹ thuật 2023 và Giải thưởng Chính VinFuture 2023.
Chia sẻ khi nhận lời tham gia Hội đồng Giải thưởng VinFuture, Giáo sư Martin Andrew Green cho biết: “Tôi rất ấn tượng về quá trình VinFuture vươn lên trở thành một trong những giải thưởng hàng đầu thế giới chỉ trong vòng ba năm ngắn ngủi. Bản thân tôi đặc biệt quan tâm đến vai trò của Việt Nam trong nỗ lực đi đầu quá trình chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á thông qua sản xuất và sử dụng pin mặt trời. Do vậy, tôi rất vui mừng khi được tham gia Hội đồng Giải thưởng VinFuture. Tôi cam kết đóng góp tích cực để phát huy thành quả vững chắc mà Hội đồng đã xác lập trong những năm qua, bằng việc lựa chọn và đưa ra quyết định tôn vinh những nhà đổi mới tiên phong xứng đáng nhất”.
Ở lĩnh vực sinh học, Hội đồng Giải thưởng có thêm thành viên là Giáo sư Pamela Christine Ronald, Tiến sĩ Sinh học phân tử và sinh lý học thực vật đồng thời là nhà nghiên cứu chính tại Viện Hệ Gene học Đổi mới tại Đại học California, Berkeley.
Với việc là đồng tác giả sách Tomorrow’s Table: Organic Farming, genetics and the Future of Food (tạm dịch: Bàn ăn tương lai: Nông nghiệp hữu cơ, di truyền và tương lai thực phẩm), Giáo sư Pamela Christine Ronald từng được tạp chí Scientific American bình chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới ở lĩnh vực công nghệ sinh học. Năm 2022, Giáo sư Ronald được trao Giải thưởng Wolf về Nông nghiệp - được coi là “giải Nobel của ngành nông nghiệp” và Giải Đặc biệt VinFuture dành cho Nhà khoa học nữ. Bà đồng thời là thành viên Viện Hàn lâm Khoa học (NAS) và Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ (AAAS).
Từng là người chiến thắng Giải thưởng VinFuture, Giáo sư Susan Solomon hiện là Giáo sư chức danh Lee và Geraldine Martin về Nghiên cứu Môi trường và Chủ nhiệm Chương trình Khí quyển, Đại dương và Khí hậu tại Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ. Bà được công nhận rộng rãi với những đóng góp xuất sắc của mình trong việc làm sáng tỏ cơ chế gây ra “lỗ hổng” tầng ozon ở Nam Cực và nâng cao sự hiểu biết của toàn cầu về các tương tác phức tạp giữa hóa học khí quyển và biến đổi khí hậu. Với sự nghiệp xuất sắc, bà đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm Huân chương Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ 1999, Giải thưởng Môi trường Volvo 2009, Giải thưởng Crafoord của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển 2018, Giải Đặc biệt VinFuture dành cho Nhà khoa học nữ 2023. Năm 2008, bà được tạp chí Time (Hoa Kỳ) bình chọn vào danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới.
Nhận định về vai trò của những thành viên mới, Giáo sư Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, nhận định, ba thành viên mới của Hội đồng Giải thưởng sẽ mang đến những góc nhìn quan trọng cho các lĩnh vực then chốt mà Hội đồng Giải thưởng nhận được rất nhiều đề cử mạnh. Đồng thời, mang đến kinh nghiệm dày dạn và chuyên môn sâu rộng ở những lĩnh vực này.
Giải thưởng VinFuture mùa 4 đang tiếp nhận đề cử từ 14 giờ ngày 9/1/2024 tới 14 giờ ngày 17/4/2024 (theo giờ Việt Nam, GMT+7). Những đề cử nộp sau thời hạn này sẽ được tự động chuyển sang xét duyệt cho mùa giải năm 2025. Sau 3 năm triển khai, Giải thưởng đã thu hút gấp 3 lần số lượng đề cử - từ 599 đề cử ở năm đầu tiên lên đến 1.389 đề cử vào năm 2023./.
Discovering Thai Culture Through Gaming with Sudawan Wangsuphakijkosol – THAI.NEWS – Thailand Breaking News