Những hạt thóc của Tuấn 'Gà'

Những hạt thóc của Tuấn 'Gà'

Tôi viết về những điều tôi được biết trực tiếp từ anh, coi như thay anh bổ khuyết với những người ở lại vài câu…

_________________

Tôi kết giao với nhạc sĩ Nguyễn Tuấn mới được vài năm, lại là khoảng thời gian mà anh gần như đã bước ra khỏi ánh hào quang danh vọng. Trước đó, các ca khúc của Nguyễn Tuấn từng xuất hiện trong danh sách của chương trình Bài hát Việt (VTV), được những ca sĩ hàng đầu mua bản quyền, biểu diễn trên các sân khấu lớn, đưa vào album.

Bản thân Nguyễn Tuấn từng là thành viên nhóm M6 - nhóm gồm những cái tên “quái chiêu” hàng đầu của các nhạc sĩ Hà Nội thế hệ 7X - từng xách guitar vào Nam ra Bắc quần nát hàng trăm phòng trà, quán bar...

Nhưng cái năm ấy chúng tôi gặp nhau, là khi Tuấn đã bắt đầu mệt mỏi rồi, khi mà những hạt thóc anh gieo mầm mãi không đem lại vụ mùa bội thu như mong đợi.

Những hạt thóc của Tuấn 'Gà' ảnh 1

Thời gian Nguyễn Tuấn dần suy kiệt cả về thể xác và tinh thần tính bằng năm. Ngày 23/2, hàng chục tờ báo đưa tin anh mất, bạn bè văn nghệ sĩ và người hâm mộ cũng xôn xao bày tỏ tiếc thương Tuấn trên mạng xã hội. Thôi thì sự nghiệp gian nan của nhạc sĩ Nguyễn Tuấn - Tuấn "Gà" - nói vậy cũng chưa chắc nhiều người quan tâm. Nếu quan tâm, tra Google ra nhiều bài báo cũng đầy đủ cả. Tôi viết về những điều tôi được biết trực tiếp từ anh, coi như thay anh bổ khuyết với những người ở lại vài câu…

Những hạt thóc của Tuấn 'Gà' ảnh 2

Nguyễn Tuấn sinh năm 1977, gốc Hải Phòng. Chất giọng Hải Phòng nồng nàn đặc trưng với âm “e” cuối và biến hết chữ “n” thành “l”. Đi diễn nhiều, anh có sửa, nhưng những lúc ca hát hào hứng với bạn bè thì không. Những lúc ấy, Tuấn gào thét, huýt sáo, tay quạt điên cuồng trên cây guitar, hiển lộ một con gà tinh ngạo nghễ mê cuồng.

Những hạt thóc của Tuấn 'Gà' ảnh 3

Mọi người thích bài “Tiếng gáy thời gian” (tạo nên ngoại hiệu Tuấn ''Gà'' của anh), nhưng tôi thì thích nhất bài “Gái bán than” (hay Cái tổ tò vò). “Tò vò trọ ở nhà ta/ Quạnh nhà tha thẩn mà lo, mà lo…/ Mà đâm lo.../ Cái Tổ Tò Vò!!! Một phận gái ngày vòng vo.../ Cái tổ tò vò!!! Một phận gái ngày vòng vo/ Cái tổ tò vò!!! Một phận gái ngày vòng vo.../ Cái tổ tò vò!!!...

Thì Tuấn sẽ hát thành “Tòa vòa trọa ở nhà ta…/ Một phận gái ngày vòng voa…/ Cái tổ tòa vòa!”. Đặc sệt chất Phòng, đặc sệt chất Tuấn Gà, không lẫn vào đâu được.

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn cùng thể hiện ca khúc “Gái bán than” trong đêm nhạc “Rời tổ” năm 2015.

Tuấn tự học nhạc ở trại tị nạn Hongkong. 7 lần vượt biên, cuối cùng đổi lấy 4 năm ngồi trại. Ở đấy, chất Hải Phòng khiến Tuấn nhanh chóng trở nên một thiếu niên lì lợm nổi tiếng. Anh kể, chỉ vì một lần ăn trộm cam, anh bị tay trưởng khu (trại chứa tới 3.000 người, chia làm nhiều khu) bắt ăn cam trước mặt hắn đến khi nôn ói ra mà vẫn bị nhét vào miệng. Từ đó, cứ rình thấy tay trưởng khu đi vào nơi khuất là nhảy ra đập lén rồi bỏ chạy. Hắn cũng tìm Tuấn, bắt được là dùng dùi cui đánh không nương tay. Hai bên cứ giằng co như thế suốt nửa năm trời, mà cuối cùng tay trưởng khu phải xin chuyển vì không thi gan nổi với thằng nhóc còm nhom.

Những hạt thóc của Tuấn 'Gà' ảnh 4

Nhưng cũng ở trong trại tị nạn, Tuấn học được đàn guitar. Mà học lóm. Cậu bạn cùng phòng bị mù, nhờ Tuấn dẫn sang thày dạy guitar ở khu bên cạnh để học. Tuấn không có tiền đóng học phí, cũng chẳng có đàn, nhưng đứng đấy học lóm nhạc lý, ngón đàn rồi nhớ vào óc. Về phòng, Tuấn cứ thò cổ xem bạn tập, mà như chính mình tập.

Thế mà vài tháng sau được cầm đến cây đàn, Tuấn đàn được luôn. Rồi thì cùng mấy thanh niên khác lập ra ban nhạc Cánh Gà (tên là thế, vì ban đầu nhóm chơi lót cho các ca sĩ chuyên nghiệp đến biểu diễn từ thiện tại trại tị nạn). "Anh từng biểu diễn cùng Thiên vương Hong Kong, rồi sao Âu Mỹ các kiểu đấy" – Tuấn "Gà" nháy mắt, cái nháy mắt ranh mãnh của người Hải Phòng.

Lại nói những ngày tháng cắp guitar Nam tiến. Theo nghĩa đen, nghĩa là ngoài cây guitar thì Nguyễn Tuấn chẳng có xu dính túi. Anh đi đệm đàn, đi hát, sáng tác và bán ca khúc, có lúc làm cả nghề thợ xăm. Đất Sài Gòn hoa lệ, bạn bè như nước áo quần như nêm, nhưng chàng nhạc sĩ nghèo thì bước ra khỏi ánh đèn vẫn hoàn tay trắng.

Tuấn ít nhắc tới thời gian du hí phương Nam, dù nói tới hầu hết giới hoạt động âm nhạc nhẹ thời đó ở Sài Gòn, anh đều quen biết. Một ca khúc từng thành hit, được nhiều ca sĩ thể hiện, là món quà đậm chất nhạc nhẹ Làn Sóng Xanh mà Nguyễn Tuấn sáng tác cho sân khấu TP Hồ Chí Minh là “Phượng mơ”.

- Ồ hóa ra bài đó do anh sáng tác à? – Tôi ngạc nhiên khi lần đầu được biết.

- Ừ - Tuấn "Gà" nháy mắt, cái nháy mắt kiêu ngạo của người Hải Phòng.

Những hạt thóc của Tuấn 'Gà' ảnh 5

Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh từng nói: “Cây guitar của Tuấn kiêm nhiệm cả một ban nhạc”. Rất nhiều người say mê ngồi hát với Tuấn "Gà" để được anh đệm guitar. Cảm âm của Tuấn cực tốt, những ngón tay nhảy múa trên dây đàn, thi thoảng gõ vào thùng đàn như trống, rồi huýt sáo, hát bè, đệm từ bolero sang tân nhạc, Tây Tàu đủ cả.

Những hạt thóc của Tuấn 'Gà' ảnh 6

Đệm nhạc người khác thì hay, nhưng người khác hát ca khúc do Tuấn "Gà" sáng tác thì không thể bằng anh. Nhiều người thích nhạc Tuấn, nhưng ít người đủ hiểu để hát được. Trong đêm nhạc “Rời Tổ” tại Trung tâm văn hóa Pháp (2015), nhiều ca sĩ trẻ đã thể hiện các ca khúc của Nguyễn Tuấn. Nhưng khi chính anh hát, thì sự hào hứng của khán giả luôn cao hơn hẳn. Đó là bởi vì Tuấn "Gà" sợ sự giống người khác.

Anh ám ảnh rằng mình sẽ bị giống Phú Quang, giống Ngô Thụy Miên hay Trịnh Công Sơn. Càng sợ bị giống người khác, Nguyễn Tuấn càng phá cách trong sáng tác. Những tác phẩm nổi tiếng nhất với công chúng của anh, được cho là mang đậm màu sắc dân gian. Từ “Tiếng gáy thời gian”, tới “Chổi xuân”, “Chiếc xe đòn”, “Gái bán than”, đều rất nhiều chấm phá ngẫu hứng âm hưởng chèo, chầu văn hay thậm chí hát tuồng, ngân nga nảy hạt, hát đối, nói lối.

Ca sĩ Thái Thùy Linh thể hiện ca khúc “Chiếc xe đòn” trong đêm nhạc “Tiếng gáy thời gian” của nhạc sĩ Nguyễn Tuấn.

Phổ nhạc, cũng lại là một Nguyễn Tuấn không lẫn vào đâu, ngay cả khi đó là một nguyên tác thơ nổi tiếng. Cùng năm 1997, khi Phú Quang phổ nhạc bài thơ “Chia” của Nguyễn Trọng Tạo, thì Tuấn "Gà" cũng tình cờ phổ đúng bài đó. Chỉ hiềm sự nổi tiếng của cả anh lẫn bản phổ của anh khiến Tuấn "Gà" không công bố trước công chúng.

"Ông Tạo quý tôi lắm, có lần ngồi nghe nhạc tôi ông ấy khen. Hôm rồi ông ấy mất, định đến viếng, nhưng rồi lại thôi. Mình lôm côm, sợ người ta nghĩ đến đấy cho oai." - hát được nửa bài “Chia”, Tuấn "Gà" buông mấy câu tưng tửng.

Chỉ còn cỏ mọc bên trời/ Một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm...”. Cái câu hay nhất của bài thơ “Chia”, ở bản "Một dại khờ một tôi" Phú Quang cắt mất. Bản của Tuấn "Gà" lại là điểm lặng hay nhất.

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn thể hiện bài "Chia" anh phổ thơ Nguyễn Trọng Tạo

Nghe nhạc của Tuấn "Gà" qua đoạn hiểu, thì đến đoạn cảm được. Như là cảm được con chữ của Trần Dần trong giai đoạn ông bạo liệt tìm lối thể nghiệm mới với ngôn từ.

Công viên chiều sạch thạch ngày… thơm giày mây mài – lai bùn- chun quần – thăn mần – gương trần – mâm đùi – mưa chùi – mui nhài – co cài – xoong nồi – vai mùi – dui kèo – kheo đồng hồ – thơ cờ – lơ rèm – tim phèn bùn sen… men đèn (“Sạch” – Trần Dần)

Một cô nàng theo bò ra phố. Hai mắt trố giữa chợ người lố nhố. Ngồi xe thùng thúng xẻng cô vỗ. Ba cái vỗ rất hờ vào nhấp nhô. Nhấp nhô cái đuôi bò... (“Gái bán than” – Nguyễn Tuấn)

Bởi giữ sự ám ảnh không pha loãng ấy, đến mức cực đoan, nên có lẽ những ca khúc của Nguyễn Tuấn có chất riêng cực kỳ mạnh mẽ. Anh mò mẫm tìm tòi, mỗi thể loại một chút. Người viết không có trình độ âm nhạc để phân tích sao hơn về phong cách của Nguyễn Tuấn, nhưng với rất nhiều phiên bản được thể hiện ở đủ các dòng nhạc khác nhau, từ pop, jazz, đến rock, rap… cho thấy đó là một nhạc sĩ nhiều khát khao khám phá, và đã có những thành công. Chuyện đó, mong rằng rồi đây công chúng sẽ còn thẩm định qua việc hát và nghe những ca khúc của Tuấn "Gà" chăng? Được vậy thì thỏa nguyện cho tâm hồn yêu nhạc đến cuồng si ấy biết mấy.

Những hạt thóc của Tuấn 'Gà' ảnh 7

Lỡ một nhịp nào đó để đạt tới đỉnh thành công, sự thành công của Nguyễn Tuấn luôn lưng chừng. Không thể nói Tuấn không có danh tiếng, bạn bè trong giới hầu hết đều biết anh, giới sáng tác đánh giá cao tác phẩm của anh, nhắc tới Tuấn "Gà" đều à lên rồi gật gù tán thưởng: “Tay đó rất lạ”.

Không thể nói Tuấn không chinh phục được khán giả, dù bình dân hay khó tính, hãy nghe anh biểu diễn ở Đại hội viết văn trẻ 2016, những tràng pháo tay rộ lên không ngớt. Nguyễn Tuấn từng sáng tác một chương nhạc kịch trong vở nhạc kịch lớn về nữ tướng Lê Chân do UBND TP Hải Phòng đầu tư công diễn. So với những nhạc sĩ theo đuổi phong cách dân gian đương đại cùng thời như Lê Minh Sơn, Giáng Son hay Nguyễn Vĩnh Tiến, thì Nguyễn Tuấn không hề kém cạnh, rất riêng và rất hay.

Nguyễn Tuấn mang "Tiếng gáy thời gian" đến Dạ hội Thơ "Bản hòa âm tháng Chín", Đại hội Viết văn trẻ toàn quốc năm 2016.

Nhưng tất cả cứ mãi lưng chừng. Sau những lần vét cạn tiền cho những đêm nhạc của riêng mình, Nguyễn Tuấn cạn luôn cả cảm hứng sáng tác. Anh lang bạt và thả trôi đời mình. Hai đời vợ, hai người phụ nữ hương sắc đảm đang, hai cô con gái xinh xắn tình cảm vô cùng yêu bố, nhưng Tuấn "Gà" nhận rằng anh chỉ thích hợp với sự cô độc.

Sống cô độc thì kiếm ăn cũng dễ hơn. Có lúc anh làm chân chạy đưa giấy tờ cho một ngân hàng. Có lúc mở tiệm bán nhạc cụ, bán cà phê. Một nhạc sĩ có tài, mà nguồn thu nhập lớn nhất đến từ việc đi đệm hát cho các buổi tiệc tư nhân.

Tuấn "Gà" hồn nhiên lắm, có hôm đọc báo xong thở dài: “Ông này đi tù mất rồi, lần nào ngồi hát ông ấy cũng dúi vào túi tôi mấy triệu”.

Những hạt thóc của Tuấn 'Gà' ảnh 8

Đã có lúc Tuấn bỏ vào Tây Nguyên, chui vào một bản làng xa lắc nào đó mà ngồi ngắm mây. Có lúc đói quá mà hết tiền, anh đào củ sắn lên ăn sống. Có lúc chạy xe không mũ bảo hiểm bị CSGT giữ lại, anh bảo “Tôi là nhạc sĩ nghèo”, thế là họ lại cho qua.

Tuấn quay về Hà Nội khi bệnh tiểu đường đã trở nên rất nặng. Lang thang vất vả, thiếu thuốc men, ăn uống được chăng hay chớ, anh bắt đầu rơi vào tình trạng suy kiệt mà ngay lúc ấy cả anh lẫn người thân đều không biết rằng, sẽ không bao giờ còn có thể phục hồi. Đó cũng là lúc dịch COVID-19 đến. Quán trà mang tên “Hà Nội cúc vàng” (cũng là tên một ca khúc của Nguyễn Tuấn) phải đóng cửa, chẳng thể dọn đi đâu mà tiền nhà thì tới hai chục triệu mỗi tháng. Gánh nặng mưu sinh, lại thành gánh nợ.

Chúng tôi ngồi bên nhau uống trà, hát nghêu ngao trong gió hồ Tây lồng lộng.

- Không biết ngày nào là ngày vui nhất đâu anh – Tôi cười.

- Ừ, cũng như không biết đâu là ngày buồn nhất – Tuấn "Gà" cũng cười.

Những hạt thóc của Tuấn 'Gà' ảnh 9

Người phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời nhạc sĩ Nguyễn Tuấn, chắc chắn là mẹ của anh - có thể nói là một mỹ nhân đất Cảng. Bà mạnh mẽ và quyết liệt, dạy con trai biết yêu thương nhưng cũng để lại sự phân vân về phụ nữ trong suốt đường đời. Suốt cuộc đời, con trai cả của bà tìm kiếm, yêu thương, và chạy trốn những người phụ nữ.

Vợ đầu của Nguyễn Tuấn ở Hải Phòng, đã lập gia đình. Con gái của họ học cực giỏi, hiện là sinh viên năm nhất ở Hà Nội. Vợ sau của anh, một ca sĩ tài sắc, giờ chuyển sang viết báo chuyên mảng văn hóa văn nghệ, cũng sinh cho Tuấn "Gà" một cô con gái xinh xắn và lanh lợi.

Anh luôn nhận mình có lỗi trong những cuộc đổ vỡ, anh nói thật tội nghiệp cho những người phụ nữ va phải mình. Là người từng yêu Tuấn, thậm chí có lẽ vẫn yêu Tuấn "Gà" cho đến tận lúc này, những người phụ nữ ấy đã hiểu và độ lượng với gã lãng tử ấy từ lâu.

Những hạt thóc của Tuấn 'Gà' ảnh 10

Người phụ nữ cuối cùng, xứng đáng có những dòng trân trọng. Chị đã ở bên Nguyễn Tuấn ở giai đoạn cuối đời, giai đoạn mà anh chẳng còn gì ngoài nỗi buồn. Bạn bè, người thân cứ thưa vắng dần, Tuấn "Gà" từ chỗ hờn giận oán trách, bước vào ngưỡng lặng thinh chấp nhận, vùi mình vào lãng quên. Tự mình lãng quên chính mình. Nhưng người phụ nữ ấy thì không quên anh, không rời anh một phút. Cho đến phút cuối cùng, họ vẫn gọi nhau là Bạn. Tuấn Gà nợ người bạn ấy nhiều, đến mức lần này thì anh không bỏ đi nữa.

Hai bài hát cuối cùng Tuấn "Gà", “Dấu bằng” và “Xực tắc” anh sáng tác trong những ngày giãn cách toàn xã hội. Đã lâu lắm rồi mới lại thấy Tuấn hào hứng với cái hay, cái mới của tâm hồn mình. Đã lâu lắm rồi, mới lại thấy Tuấn "Gà" ngồi xuống giữa một nhóm bạn mới quen, hào hứng lên dây đàn guitar mà khoe rằng: “Tôi mới có bài này các ông nghe thử nhé!”.

Thế rồi đúng lúc tưởng như khơi lại niềm ham sống ấy, thì Tuấn ra đi, bởi tiểu đường, thận, dạ dày, phổi… những chứng bệnh bào mòn sức đề kháng của anh trước dịch bệnh tràn tới từ mọi ngóc ngách trong thành phố này.

Ở tuổi 40, tôi bắt đầu quen với việc mỗi năm lại có thêm vài người thân ra đi vĩnh viễn. Tuấn "Gà" và tôi đã nói về cái chết nhiều lần, thản nhiên, tưng tửng. Bởi thế không ngạc nhiên khi hậu sự của anh được tiến hành rất nhanh chỉ trong một ngày, theo di nguyện của Tuấn. Anh muốn được hỏa thiêu, một phần tro cốt mang về nương dưới chân Phật, phần còn lại rắc khắp những nẻo đường, ra sông, ra biển.

Còn lại đây, những hạt thiện mỹ mà Nguyễn Tuấn đã gieo, mong sẽ nảy mầm trong cõi thiện của con người.

Những hạt thóc của Tuấn 'Gà' ảnh 11

(“Bồ câu hạt thóc” – Tuấn "Gà").

Những quan điểm cần “gác qua một bên”
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
(Ngày Nay) - Sinh thời, khi được hỏi về các vấn đề siêu hình thì Thế Tôn im lặng, “gác qua một bên”. Sau khi Thế Tôn nhập diệt, một số người đã đến hỏi Tôn giả A-nan vấn đề này. Hiện nay, các quan điểm này vẫn đang được đặt ra.
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
(Ngày Nay) - Đài truyền hình RÚV của Iceland đưa tin, hiện tượng núi lửa phun trào ở Bán đảo Reykjanes đã buộc người dân sống xung quanh Vũng biển Blue nổi tiếng và thị trấn Grindavik gần đó phải sơ tán khẩn cấp.
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
(Ngày Nay) - Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Media Matters, người dùng TikTok đang có xu hướng kiếm tiền từ các video đưa ra những thông tin vô căn cứ về những “thuyết âm mưu” liên quan đến ngày tận thế của thế giới.
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
(Ngày Nay) - Tối 17/3, tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, UBND quận Lê Chân (thành phố Hải Phòng) khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024.
Hơn 13.000 trẻ em Gaza thiệt mạng do chiến tranh
Hơn 13.000 trẻ em Gaza thiệt mạng do chiến tranh
(Ngày Nay) - Tổ chức UNICEF cho biết hơn 13.000 trẻ em đã thiệt mạng sau khi xung đột nổ ra tại Dải Gaza và cảnh báo vấn nạn suy dinh dưỡng khiến những trẻ còn sống "thậm chí không còn sức để khóc”.
Núi lửa ở Iceland lại "thức giấc"
Núi lửa ở Iceland lại "thức giấc"
(Ngày Nay) - Rạng sáng 17/3 (giờ Việt Nam), một vụ phun trào núi lửa đã xảy ra trên bán đảo Reykjanes ở Tây Nam Iceland. Đây là lần thứ 4 núi lửa "thức giấc" trên bán đảo này kể từ tháng 12 năm ngoái.