Trên sân thượng của công ty vệ sĩ Trung Châu ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, đầy hoa hướng dương đang nở rộ và một cái bánh lốp nặng 300 kg. Hoa để trang trí, còn lốp để tập luyện, theo SCMP.
Đối với những người mới được tuyển dụng vào lò đào tạo vệ sĩ này, huấn luyện thể lực cường độ cao với lốp xe, hay tập võ cận chiến, phi dao hoặc bắn súng, là các nội dung luyện tập trong ngày.
11 năm qua, công ty an ninh tư nhân Trung Châu đã cung cấp vệ sĩ cho hàng nghìn khách hàng, bao gồm các doanh nhân hàng đầu Trung Quốc. Người được chiêu mộ thường là cựu quân nhân hoặc sinh viên tốt nghiệp trường thể thao. Họ phải huấn luyện ít nhất ba tháng tại đây trước khi đủ tiêu chuẩn làm việc.
Một trong những huấn luyện viên nòng cốt của công ty là Wang Yuhao, lính giải ngũ từng có 12 năm trong quân đội và đã tham gia bảo vệ cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Wang vào công ty năm 2011, nay đã gần 40 tuổi, vừa làm vệ sĩ cho các doanh nhân vừa tham gia huấn luyện. Ông có biệt danh là "Ngài Kính râm", bởi hiếm khi bỏ kính ra "ngay cả khi đang tắm". Wang sử dụng thành thạo mọi kỹ năng, từ sử dụng các loại súng, thuốc nổ cho tới trinh sát thực địa.
"Suốt thời quân ngũ, có lẽ thời gian tôi cầm súng nhiều hơn cả cầm đũa", Wang nói.
Ông tự nhận là người say nghề, lúc nào cũng nghĩ về các biện pháp an ninh. Ví dụ, mỗi khi nhìn thấy nhân viên bảo vệ chuyển tiền từ ngân hàng lên xe, ông luôn nhìn thấy có điểm sai sót.
Nếu muốn, Wang cho rằng có thể dễ dàng cướp được số tiền đó. Ông biết cách tránh camera an ninh, biết dùng chất nổ thổi tung cửa xe bọc thép. May mắn là Wang không chọn nghề khác mà chỉ thích truyền dạy kiến thức.
Một ngày luyện tập của họ bắt đầu bằng chạy bộ 16 km, sau đó lên lớp học ba tiếng về các lý thuyết an ninh. Buổi chiều, họ tiếp tục luyện thể lực với các bài tập gym và cận chiến. Theo Wang, thành thục mọi kỹ năng vô cùng cần thiết để khách hàng hiểu được công ty luôn ưu tiên họ lên đầu.
Nhu cầu tăng cao
Nhu cầu dịch vụ an ninh chất lượng cao đang tăng ở Trung Quốc, chủ yếu trong lĩnh vực bảo vệ doanh nhân. Khi các công ty mở rộng hoạt động ở nước ngoài, chủ yếu tại những khu vực "có nguy cơ cao" như Trung Đông hay châu Phi, họ phải đảm bảo an toàn cho nhân viên.
Đa số việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài của Trung Quốc được thúc đẩy nhờ sáng kiến Vành đai, Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình. Sáng kiến này thông qua đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ để kết nối thương mại giữa châu Á, Trung Đông và châu Phi.
Việc các doanh nhân Trung Quốc thuê vệ sĩ không mới. Hàng thế kỷ trước, những thương nhân đi qua Con đường tơ lụa cũng đã thuê tiêu đội bảo vệ. Ngày nay, khi việc kinh doanh phức tạp hơn, việc bảo vệ cũng khó khăn hơn.
Trong một cuộc họp cấp cao gần đây, Chủ tịch Tập đã kêu gọi kiến tạo "một hệ thống an ninh hiệu quả cao" hợp tác với các tổ chức quốc tế để bảo vệ doanh nghiệp Trung Quốc và những dự án đầu tư của họ ở nước ngoài. Ông nhấn mạnh đây là vấn đề an ninh quốc gia.
Tương tự, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết cơ quan lãnh sự và sứ quán khắp thế giới ngập trong các yêu cầu hỗ trợ an ninh từ công dân và doanh nghiệp Trung Quốc. Trong đó, 20% các vụ liên quan tới công dân bị cướp, bị tấn công và thậm chí bắt cóc.
Trong nước đã dấy lên vài cuộc tranh luận khi nào thì quân đội đủ khả năng bảo vệ công dân ở nước ngoài. Tuy nhiên, theo giáo sư Wu Xinbo, Viện Quan hệ Quốc tế, đại học Phục Đán, Thượng Hải, ý tưởng này phi thực tế.
"Việc đưa quân đội ra nước ngoài đi ngược lại chính sách ngoại giao của Trung Quốc, đồng thời muốn tạo ra ngoại lệ cũng rất khó", ông nhận định. "Bắc Kinh lo ngại việc này sẽ bị phản đối và tạo ra xung đột.".
Một nhân viên trong cơ sở đào tạo của DeWe ở ngoại ô Bắc Kinh. Ảnh: Reuters. |
Công ty tư nhân nổi lên
Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu do Mỹ khởi xướng năm 2011 mở ra cánh cửa mới cho các công ty an ninh tư nhân. Theo báo cáo năm 2016 của tổ chức từ thiện War On Want có trụ sở tại London, kể từ năm 2011, các doanh nghiệp, chủ yếu là Mỹ và Anh, đã chi hàng tỷ USD tiền an ninh để bảo vệ các công ty đa quốc gia hoạt động trong khu vực chiến tranh và những khu vực giàu tài nguyên nhưng nghèo đói ở châu Phi như Angola hay Nigeria.
Ở Trung Quốc, các công ty tư nhân bắt đầu được phép cung cấp dịch vụ vệ sĩ ra nước ngoài từ năm 2010. Trước đó, thị trường này do nhà nước kiểm soát. Cùng năm, Bắc Kinh ra quy định mọi doanh nghiệp Trung Quốc phải có chính sách đảm bảo an ninh thỏa đáng trước khi đầu tư ra nước ngoài.
Ngay lập tức, năm 2011, một nhóm cựu nhân viên của Bộ Công an đã cùng nhau thành lập công ty vệ sĩ DeWe có trụ sở tại Bắc Kinh.
Đây là một quyết định thông minh. 6 năm qua, số lượng công ty đã tăng từ 60 lên 40.000, trong đó 75% đang làm việc tại nước ngoài, theo Hao Gang, tổng giám đốc DeWe.
"Thử thách lớn nhất với chúng tôi là tuyển dụng đủ nhân tài", Hao nói. "Kể từ năm 2011, chúng tôi đã đào tạo 500 người nhưng tới nay vẫn không đủ nhu cầu".
Khách hàng của công ty đa phần là doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc, đòi hỏi nhân viên phải "toàn diện". Không chỉ sức khỏe tốt, họ còn phải thành thạo tiếng Anh, hiểu biết về thực địa.
Khoảng 50% nhân viên công ty là bộ đội giải ngũ hoặc cảnh sát vũ trang đã bỏ nghề, phần còn lại là sinh viên tốt nghiệp các trường cảnh sát và quân sự.
Tiền lương trung bình tháng của một nhân viên an ninh DeWe là 2.200 USD, bao gồm lương cơ bản và trợ cấp ở nước ngoài, ông Hao cho biết.
Với những vị trí tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tiền thưởng sẽ lớn hơn. Những người có thu nhập cao nhất lên tới 4.400 USD một tháng, thấp hơn một chút so với đồng nghiệp nước ngoài.
Ngoài khó khăn trong tuyển dụng và đào tạo nhân viên, các công ty an ninh Trung Quốc còn gặp thách thức trong việc thiếu kinh nghiệm quốc tế.
Rủi ro và thách thức
Dự án bảo vệ ở nước ngoài đem lại lợi nhuận cao, nhưng rủi ro cũng rất lớn, đó là kinh nghiệm của Wang Yuhao, vệ sĩ kiêm huấn luyện viên của công ty vệ sĩ Trung Châu, Thâm Quyến, khi làm việc tại Nam Phi ba năm trước.
Tháng 7/2014, Wang được thuê làm người đánh giá rủi ro để bảo vệ một nhóm kỹ sư thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Trung Quốc (CASC). Họ được thuê để xây dựng một căn cứ cách Cape Town khoảng 320 km về phía bắc.
Trước khi lên đường, CASC đã dành hơn ba tháng huấn luyện nhóm an ninh trong mọi lĩnh vực, từ giám sát an ninh cho tới xử lý chất nổ. Công việc của Wang là tuần tra hàng ngày, đánh giá rủi ro và giám sát một lực lượng vũ trang địa phương bảo vệ căn cứ.
Tuy nhiên, sau 6 tuần làm việc, nhóm bảo vệ người Nam Phi đã thông đồng với các nhóm vũ trang khác trong khu vực tổ chức đột kích, buộc nhân viên CASC phải di tản.
Theo Wang, hành vi của công nhân Trung Quốc khiến người dân địa phương thất vọng và quyết định nổi loạn.
"Công nhân Trung Quốc mặc quần áo sạch sẽ hơn, được tắm nước sạch, ăn uống đầy đủ, hút thuốc lá đắt tiền", Wang nói. "Trong khi đó, công nhân địa phương chỉ được một thanh sôcôla sản xuất tại Trung Quốc".
Tập đoàn Điện tử Hàng không Trung Quốc (CATE), đơn vị chủ quản của công trình trên, không trả lời yêu cầu phỏng vấn của SCMP về bình luận của Wang.
Thiếu hiểu biết về chính trị địa phương, thiếu nhạy cảm, các công ty Trung Quốc buộc phải tìm kiếm đối tác ngoại quốc khi thực hiện các dự án đầu tư ở nước ngoài.
Một trong số đó là công ty tư vấn Control Risks (CR) có trụ sở tại Anh, đã làm việc với các doanh nghiệp Trung Quốc trước năm 2013.
Michael Humphreys, giám đốc điều hành CR, cho biết trong những ngày đầu, phần lớn công ty hợp tác với các doanh nghiệp khai thác dầu mỏ và khí đốt nhưng những năm gần đầy, nhu cầu từ các công ty xây dựng và tài chính tăng lên. Họ muốn tìm hiểu rõ an ninh địa phương trước khi tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước ngoài.
"Doanh nghiệp Trung Quốc nhận thức được họ là những mục tiêu lớn tại các nước mà Trung Quốc đầu tư vào trong sáng kiến Vành Đai, Con Đường", Humphreys nhận xét.
"Nhận thức đó do các phương tiện truyền thông đem lại, như bi kịch về hai công dân Trung Quốc bị sát hại ở Pakistan, hay nhiều vụ khác trong những năm qua".
Theo ông, doanh nghiệp Trung Quốc thường có nhận thức sai rằng mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp của Bắc Kinh với nước sở tại sẽ đảm bảo an toàn cho người lao động của họ tại địa phương.
"Trong nhiều vụ, các công ty thường đánh giá thấp những rủi ro thực mà họ phải đối mặt", Humphreys nhận định. "Họ chỉ nhìn vào số tiền chi ra cho vệ sĩ và hy vọng sẽ gặp may. Họ nghĩ rằng 'tại sao chúng ta phải tốn tiền khi mà chính phủ nước sở tại hoan nghênh dự án của chúng ta?'"
Thực tế là, các công ty sẽ bị cuốn vào tình hình chính trị phức tạp ở địa phương, nơi các thị trưởng và thủ lĩnh bộ lạc mới là người quyết định về dự án của họ.
"Thực thi dự án lớn ở nước ngoài không hề dễ dàng", Humphreys cảnh báo. "Nó đòi hỏi khảo sát kỹ lưỡng, tìm ra điểm cân bằng và có lợi cho đôi bên. Mà rất khó để tìm ra điểm này".
Một công ty đánh giá rủi ro khác của Anh cũng đang hợp tác với Trung Quốc là Công ty An ninh Hàng hải và Đào tạo (MAST). Phillip Cable, giám đốc MAST cho biết trong 4 năm qua, nhu cầu của các doanh nghiệp Trung Quốc tăng lên do kinh tế trong nước tăng trưởng chậm buộc họ phải tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nước ngoài.
Một trong số nhiều khách hàng của công ty là một doanh nghiệp vận tải biển Trung Quốc.
"Trước tình hình số vụ tấn công trên Ấn Độ Dương gia tăng, các công ty Trung Quốc đang tăng cường công tác an ninh", Cable nói.
Đa số nhân viên MAST cung cấp cho khách hàng đều là cựu binh sĩ Anh, thành thục kỹ năng cận chiến và sử dụng các loại vũ khí. Do vấn đề hậu cần, tới nay công ty vẫn chưa tuyển dụng được bất kỳ nhân viên Trung Quốc nào, mặc dù đã cố gắng. Thu nhập của nhân viên MAST khoảng 1.300 USD một tuần.
Một công ty khác hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc trong sáng kiến Vành Đai, Con đường là Tập đoàn Dịch vụ Biên giới (FSG) có trụ sở tại Hong Kong. Công ty do Erik Prince, cựu lính thủy Mỹ đứng đầu. Prince từng thành lập Blackwater, công ty an ninh tư nhân từng bị đóng cửa vì nhân viên bảo vệ bắn chết dân thường ở Baghdad năm 2007.
FSG còn thuộc một phần sở hữu của tập đoàn tài chính Trung Quốc CITIC. Từ năm ngoái, FSG đã đầu tư lớn vào các cơ hội từ sáng kiến Vành đai, Con đường, bằng việc thành lập văn phòng tại tỉnh Vân Nam và Tân Cương - khu vực trọng điểm giao thương giữa Trung Quốc với Nam Á và Trung Á; đồng thời hợp tác với Ping An - người khổng lồ trong ngành bảo hiểm Trung Quốc đưa ra các gói sản phẩm bảo hiểm rủi ro.
Cuối tháng 5, FSG tiếp tục mở rộng bằng cách mua lại 25% cổ phần Học viện Quốc phòng An ninh Quốc tế ở ngoại ô Bắc Kinh. Trường này thành lập năm 2011, là cơ sở tư nhân lớn nhất ở Trung Quốc chuyên đào tạo chống bạo động và chống khủng bố.
Tháng trước, trường đã đăng quảng cáo trên trang web, tuyển dụng 50 nhân viên an ninh và quản lý dự án làm việc ở châu Phi, Vân Nam và Tân Cương. Yêu cầu tuyển dụng là ứng viên có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong ngành an ninh hoặc trong các lực lượng thực thi pháp luật. Nếu trúng tuyển, học viên được đào tạo miễn phí 7 tuần tại trường trong nhiều lĩnh vực, từ quản lý rủi ro tới trộm cướp xe.
Vì FSG đang tìm cách khai thác nhu cầu an ninh từ các dự án Vành đai, Con Đường nên Prince bị chỉ trích là đang cố gắng tạo ra một Blackwater Trung Quốc mới có nhân viên được vũ trang. Ông Prince phủ nhận cáo buộc, nói rằng công ty không cung cấp nhân viên vũ trang hay đào tạo sử dụng vũ khí ở Trung Quốc.
Theo DeWe, vấn đề sử dụng vũ khí ở bất kỳ nơi nào trên thế giới đều được coi là chuyện nghiêm trọng. Mọi vũ khí mà người Trung Quốc được phép sử dụng ở nước ngoài đều do chính quyền địa phương cung cấp.
"Nhân viên của chúng tôi không phải là các tay súng, họ chỉ quản lý an ninh, chăm lo tới các vấn đề an ninh thường nhật bên trong cơ sở do Trung Quốc xây dựng", Hao Gang nói.
"Ngoài ra, họ còn phối hợp với cảnh sát địa phương".
Cho dù làm việc đơn độc hay liên doanh, công ty Trung Quốc phải vượt qua nhiều trở ngại để đảm bảo các hợp đồng an ninh ở nước ngoài.
Li Jie, một nhà phân tích quân sự ở Bắc Kinh, cho rằng việc họ là công dân Trung Quốc chính là một trở ngại.
"Nhiều quốc gia yêu cầu người có hộ chiếu Trung Quốc phải đích thân xin visa nhập cảnh, điều này khiến nhà tuyển dụng đau đầu còn khách hàng thì cảm thấy bất tiện", Li Jie nói.
Một vấn đề nữa đối với các công ty an ninh Trung Quốc ở nước ngoài là vấn đề bảo hộ ở địa phương. Ví dụ như tại Pakistan, một trong những nơi có tỷ lệ tấn công khủng bố cao nhất thế giới, chính phủ chỉ cho phép công ty an ninh Trung Quốc hoạt động với điều kiện hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương theo chỉ định của chính quyền.
Thị trường này do quân đội Pakistan nắm giữ. Trong hai năm qua, quân đội Pakistan đã cử 12.000 binh lính cung cấp cho các hợp đồng bảo vệ an ninh trong các dự án Vành đai, Con đường.