Những mảnh sành sứ dệt nên tấm 'áo choàng' cung điện rực rỡ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Du khách khi vào tham quan khu vực Tử Cấm Thành Huế đều ngỡ ngàng với vẻ đẹp bên ngoài nổi bật, lộng lẫy, nguy nga của điện Kiến Trung đang được bàn tay tài hoa của những người thợ khảm sành sứ giỏi nhất đất Cố đô phục dựng. Nghệ thuật trang trí sành sứ được xem như chiếc “áo choàng” rực rỡ, thổi hồn vào ngôi điện mang phong cách kiến trúc Đông Dương độc đáo này, tạo điểm nhấn giữa một không gian cổ kính trầm mặc của những công trình kiến trúc truyền thống Cung đình Huế.
Những mảnh sành sứ dệt nên tấm 'áo choàng' cung điện rực rỡ

Tạo nên nghệ thuật tạo từ những mảnh vụn

Dưới những tia nắng xen qua những tấm bạt che ngoài trời, hàng chục người thợ đang cần mẫn, tỉ mỉ cắt, gọt, tỉa những mảnh sành sứ, thủy tinh nhiều màu sắc để trang trí cho những bức phù điêu ở tiền sảnh của ngôi điện Kiến Trung.

Anh Đinh Hùng, một trong hai thợ cả phụ trách tại đây đang chăm chút từng đường nét cho việc đắp cốt xi măng, tạo hình rồng thời vua Khải Định với dáng vẻ thanh thoát, nằm phía trên sảnh của cung điện. Công việc đắp cốt, làm bố cục cho các đề tài trang trí là bước đầu tiên, rất quan trọng, sau đó người thợ mới cắt tỉa, lựa chọn những mảnh gốm gắn vào để phối màu, thổi hồn cho tác phẩm.

Với hơn 30 năm kinh nghiệm gắn bó với nghề, anh Hùng đã tham gia vào nhiều dự án trùng tu các lăng tẩm, cung điện ở xứ Huế. Khi nhận lời tham gia thi công phục dựng lại điện Kiến Trung, anh rất tự hào và mong muốn dồn hết tâm huyết cho công trình quan trọng bậc nhất thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Để thi công trang trí mặt ngoài của điện Kiến Trung, Phân viện Khoa học Công nghệ xây dựng miền Trung - đơn vị thi công đã đặt mua nhiều tấn sành sứ là những chiếc bát, đĩa, bình hoa, ấm chén, cùng một số loại thủy tinh với nhiều màu sắc từ những làng nghề truyền thống phía Bắc, tạo nguồn màu sắc phong phú cho người thợ lựa chọn.

Anh Đặng Phước Nhân, một người thợ chia sẻ, nghề này đòi hỏi sự kiên nhẫn, chỉnh chu, không thể làm nhanh, làm gấp được, nếu nóng vội sẽ dẫn đến hỏng việc, ảnh hưởng đến chất lượng của tác phẩm. So với những tác phẩm khảm sành sứ ngày xưa, hiện nay, người thợ có nhiều sự lựa chọn về màu sắc để phô diễn. Tuy nhiên do màu men hơi bóng nên đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm trong việc xử lý phối màu để hài hòa với không gian, ánh sáng.

Chỉ với hai dụng cụ đơn giản là chiếc kìm bấm và chiếc bay nhỏ, bàn tay cắt tỉa tài hoa của người thợ đã biến những mảnh sành sứ thô cứng trở nên mềm mại, được ghép tài tình thành hàng ngàn hình ảnh với nhiều chủ đề trang trí khác nhau như long, lân, quy, phượng; các loại cây tùng, cúc, trúc mai; hoa dây, các loài thú như voi, hươu, chim… Có những chi tiết như cánh chim được cắt tỉa tỉ mỉ chỉ vài cm, tạo sự sinh động, chi tiết khiến người xem không khỏi trầm trồ, thán phục.

Theo anh Đinh Hùng, để sử dụng kìm bấm một cách điêu luyện tạo ra những mảnh sành sắc ngọt, có đường nét làm lên sự uyển chuyển cho từng họa tiết, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm nhiều năm, làm nhiều công trình, không ngừng học hỏi để tự trau dồi, nâng cao tay nghề. Những người thợ ngày xưa đều đạt đến trình độ tay nghề rất cao nên các đường nét trang trí mang dấu ấn phong cách sáng tạo cá nhân, trở thành sự chuẩn mực trong nghề. Những người thợ ngày nay khi phục dựng cũng phải đảm bảo theo những đường nét của người xưa, tiêu biểu là tại các công trình như: lăng vua Khải Định, cửa Chương Đức, cửa Hiển Nhơn…

Dự kiến hoàn thành cuối năm 2023

Những hình ảnh, video tư liệu lịch sử về điện Kiến Trung chủ yếu dừng lại ở bố cục toàn cảnh công trình, ít có ảnh đi vào chi tiết đường nét khảm sành sứ. Do đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và đơn vị thi công phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu, đối sánh các họa tiết, chủ đề trang trí, cách phối màu với những công trình cung điện, lăng tẩm cùng thời để đưa ra bản vẽ chân xác nhất có thể.

Họa sỹ Nguyễn Thái Quang, Phân viện Khoa học Công nghệ xây dựng miền Trung cho biết, đỉnh cao của nghệ thuật khảm sành sứ Cung đình Huế là giai đoạn thời vua Khải Định (1916 - 1925). Màu sắc trang trí khảm sành sứ thời này rất phong phú, hơn hẳn những giai đoạn trước với nét đặc trưng là cách phối màu sặc sỡ nhưng nhìn xa lại tạo ra sự hài hòa. Điều đó đặt ra yêu cầu cao đối với người thợ hiện nay trong quá trình trùng tu di tích.

Điện Kiến Trung vốn là một phế tích, chỉ còn lại nền móng, được nhận biết chủ yếu qua hình ảnh đen trắng. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và đơn vị thi công phải mất 5 năm tiến hành từ đo vẽ nền móng, dựng khung sườn cho công trình đến phối màu bản vẽ trang trí bên ngoài.

Thợ cả Đinh Hùng chia sẻ thêm, điểm nhấn trong nghệ thuật trang trí khảm sành sứ ở điện Kiến Trung chính là các họa tiết ở ba sảnh chính mặt tiền của ngôi điện này. Những hình ảnh tư liệu còn lại vẫn có những “điểm mờ” đòi hỏi người thợ có kinh nghiệm lâu năm phải nghiên cứu những góc độ sáng - tối, tham chiếu với các họa tiết khảm sành sứ ở lăng Khải Định để đưa ra cách phối màu phù hợp. Nhiều chi tiết trang trí, người thợ phải phối hợp với họa sĩ cân đối ở nhiều góc độ trên thực tế, nhất là độ bung của bông hoa, sự uyển chuyển mềm mại của thân cây, sự thanh thoát của các con giống… Để phục dựng điện Kiến Trung hiện nay, những người thợ sử dụng 12 gam màu chủ đạo của sành sứ, thêm 4 màu thủy tinh và một số màu dặm khác.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, khảm sành sứ Huế có từ thế kỷ XVII và đạt đến phát triển đỉnh cao vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX; được xem là một trong những thành tựu nổi bật của mỹ thuật thời Nguyễn.

Điện Kiến Trung được xây dựng năm 1921, hoàn thành năm 1923 với quy mô hai tầng, xây dựng bằng bê tông cốt thép. Đây là công trình tiêu biểu quan trọng, đánh dấu một giai đoạn độc đáo và đặc sắc bổ sung cho kiến trúc truyền thống Cung đình Huế. Điện Kiến Trung là nơi làm việc, sinh hoạt của hai vị vua triều Nguyễn là Khải Định và Bảo Đại. Năm 1947, do ảnh hưởng của chiến tranh, bom đạn, điện Kiến Trung bị phá hủy gần như hoàn toàn, trở thành phế tích, chỉ còn nền móng. Dự án Phục hồi và tôn tạo điện được khởi công vào tháng 2/2019 và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023. Đây là dấu mốc quan trọng trong hành trình 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới.

Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
(Ngày Nay) - Ngày 23/12, tại Nhà văn hóa thị xã Duy Tiên (Hà Nam), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức chương trình Giao lưu giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cấp tiểu học năm học 2024 - 2025.
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.