Tổng sản phẩm quốc nội trong quý II năm nay của Trung Quốc đã tăng 0,8% so với quý trước, theo dữ liệu được công bố hôm thứ Hai. Sự sụt giảm so với mức tăng trưởng 2,2% của quý I cho thấy sự phục hồi chậm chạp kể từ khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở lại từ tháng 1.
Thị trường bất động sản là vật cản lớn nhất đối với đà tăng trưởng. Doanh số bán nhà mới từ tháng 1 đến tháng 6 giảm 2,8%, trong khi lượng nhà "tồn kho" tăng 18% vào cuối tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư vào các dự án xây mới đã tiếp tục giảm do nhu cầu nhà ở gần như cạn kiệt.
Bất động sản và các ngành liên quan ước tính tạo ra khoảng 30% GDP của Trung Quốc. Doanh số bán nhà kém đang làm giảm các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, cũng như các mặt hàng nội thất và gia dụng.
Nhu cầu yếu gây khó khăn cho nền kinh tế Trung Quốc bắt nguồn từ sự bất ổn kinh tế sâu sắc. Tại khu vực tư nhân, nơi sử dụng khoảng 4/5 lao động Trung Quốc, 28,1% công ty thua lỗ vào cuối tháng 5, đây là tỷ lệ cao nhất trong dữ liệu so sánh từ năm 2001.
Với lợi nhuận chậm phục hồi, các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đã cắt giảm đầu tư tài sản cố định, điều này đang ảnh hưởng đến thị trường việc làm và thu nhập hộ gia đình. Theo nền tảng tuyển dụng Zhaopin, tiền lương hàng tháng được quảng cáo bởi các công ty trong danh sách việc làm bắt đầu giảm trong quý trước, khoảng 0,7% trong năm nay.
Tình trạng cắt giảm lương đã lan rộng trong lĩnh vực tài chính trong bối cảnh nỗ lực chống tham nhũng dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Các ngành công nghệ và bất động sản đang chịu sự giám sát gắt gao từ chính phủ, với việc tái cơ cấu ảnh hưởng đến thu nhập của họ.
Viện nghiên cứu NLI của Nhật Bản nhận định: “Sự không chắc chắn về mặt chính sách vẫn chưa được làm sáng tỏ, điều này tiếp tục khiến các công ty tư nhân cảm thấy khó chịu”.
Tình trạng này đã gây thiệt hại cho những người lao động trẻ nói riêng, với tỷ lệ thất nghiệp ở những người từ 16 đến 24 tuổi đạt mức kỷ lục 21,3% trong tháng 6.
Sự bi quan về thị trường việc làm đã thúc đẩy các hộ gia đình ưu tiên tiết kiệm hơn chi tiêu. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã tiến hành khảo sát và cho biết 60% số người được hỏi ủng hộ việc gửi tiết kiệm.
Mức tiêu dùng của các hộ gia đình trong nửa tháng 1 đến tháng 6 dao động quanh mức 60% thu nhập khả dụng kể từ khi xảy ra đại dịch, giảm so với mức 65% trước COVID-19, cho thấy sự chuyển hướng sang tiết kiệm nhiều hơn.
Chính phủ đang xem xét làm thế nào để khởi động nền kinh tế. Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một tổ chức tư vấn trực thuộc nhà nước, đã khuyến nghị mở rộng thâm hụt tài khóa trong năm nay thêm ít nhất 1,3 nghìn tỷ nhân dân tệ (181 tỷ USD), chi tiêu nhiều hơn cho các biện pháp như phiếu tiêu dùng cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình.
Khó khăn của thị trường bất động sản là một vấn đề đặc biệt cấp bách.
"Cung và cầu trên thị trường bất động sản đã thay đổi sâu sắc", Zou Lan, người đứng đầu bộ phận chính sách tiền tệ của PBOC, thừa nhận trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu tuần trước.
Ông Zou chỉ ra rằng các biện pháp được chính phủ áp dụng trước đây để hạn chế tình trạng "bong bóng bất động sản", chẳng hạn như hạn chế mua bán, có thể được nới lỏng.
Dư luận Trung quốc và các nhà đầu tư quốc tế đang chờ đợi cuộc họp dự kiến của Bộ Chính trị vào cuối tháng này, có thể đưa ra các biện pháp kích thích nền kinh tế.