Tại Hội nghị, ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận nêu rõ, giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh thực hiện 11 chính sách hỗ trợ công khai cho các chủ thể kinh tế từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, điển hình như: Chính sách hỗ trợ hoạt động khuyến nông; hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; hỗ trợ phát triển sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu; hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ phát triển hợp tác xã; chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...
Qua hai năm thực hiện, chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả, tạo động lực giúp các chủ thể kinh tế có thêm điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước làm thay đổi nhận thức người dân trong đầu tư sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay như: Mô hình tưới nước tiết kiệm; mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng; mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị…
Tuy nhiên, theo các chủ thể kinh tế, mặc dù chính sách hỗ trợ đã tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn nhưng việc hỗ trợ vốn từ chính sách chưa tương xứng, mức hỗ trợ thấp so với nhu cầu cần đầu tư của doanh nghiệp, hợp tác xã. Việc hỗ trợ đầu tư chưa thỏa đáng, chậm phân bổ, khó tiếp cận và còn gặp nhiều vướng mắc về cơ chế…, các chủ thể còn gặp khó khăn nếu muốn đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Anh, nông dân ở thôn Suối Đá, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc bày tỏ, Ninh Thuận là địa phương luôn chịu tác động của biến đổi khí hậu. Do vậy, để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía. Cụ thể,nông dân phải được hỗ trợ vốn, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, giống sản xuất phù hợp, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, đặc biệt hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến thị trường để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo sức cạnh tranh cao.
Ông Nguyễn Thanh Xuân, ngư dân ở xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam cho rằng, qua hơn 10 năm triển khai chính sách về hỗ trợ nhiên liệu cho ngư dân vươn khơi bám biển, đến nay, việc hỗ trợ vẫn theo mức cũ, trong khi giá nhiên liệu ngày càng tăng cao, ngư dân gặp khó khăn.
Theo Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phước Đại (xã Phước Đại, huyện Bác Ái) Nguyễn Thanh Hòa, hiện nay, đa số các hợp tác xã loay hoay với nguồn vốn đầu tư, vốn vay khó tiếp cận từ các ngân hàng. Để tháo gỡ vấn đề này, UBND tỉnh cần thay vào đó bằng nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, vốn xóa đói giảm nghèo phân bổ cho các hợp tác xã trực tiếp triển khai đầu tư sản xuất. Như vậy các hợp tác xã sẽ có điều kiện hơn đầu tư phát triển.
Giải trình về nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi, ông Hồ Chu Vân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận cho rằng, việc cho vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn do còn vướng một số quy định, cơ chế. Một số dự án đầu tư cần xác minh rõ tính khả thi, vốn đối ứng, tài sản thế chấp… Tuy nhiên, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị các ngân hàng thương mại tạo điều kiện để chủ thể được tiếp cận vay theo nhu cầu, đúng quy định, tùy theo dự án để cho vay tín chấp.
Tại Hội nghị, ông Phạm Văn Hậu, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận ghi nhận và đánh giá cao kiến nghị xác đáng của cử tri; đồng thời cho rằng, thời gian qua, việc truyền thông chính sách của tỉnh để kết nối đến cử tri chưa phát huy hiệu quả, còn bất cập. Cơ chế phối hợp giữa các đơn vị để triển khai chính sách chưa phù hợp; việc kiểm tra, kiểm soát giá vật tư nhiên liệu và hàng giả, sản phẩm kém chất lượng chưa được chặt chẽ; phát triển công nghiệp chế biến sâu, bảo quản sản phẩm chưa được chú trọng. Công tác dự báo, dự đoán, liên kết thị trường chưa mạnh mẽ trong bối cảnh chuyển đổi số. Việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi từ các ngân hàng cho doanh nghiệp, người dân còn bất cập.
Tháo gỡ khó khăn cho các chủ thể kinh tế trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu đề nghị, UBND tỉnh tiếp thu đầy đủ kiến nghị và sớm chỉ đạo sở, ngành tiếp tục rà soát toàn diện nhóm vấn đề tập trung tháo gỡ một cách đồng bộ, hỗ trợ hiệu quả cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn để phát huy hiệu quả, nâng cao giá trị sản xuất, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới./.