Môn thể dục đang ở đâu trong lòng… học sinh?

[Ngày Nay] - Học theo kiểu chiếu lệ, có cũng được mà không có cũng chẳng sao, đó là tâm lý chung của đại đa số học sinh cả nước với môn Giáo dục thể chất hay còn gọi là môn thể dục. Môn học này bị bỏ lơ đồng nghĩa với việc 4 trụ cột thiết yếu cần giáo dục con trẻ là đức, trí, thể, mỹ có nguy cơ bị gãy một chân.
Môn thể dục đang ở đâu trong lòng… học sinh?

Thích thì không được học, được học thì không hấp dẫn

Trống trường giòn giã báo hiệu tiết tập thể dục giữa giờ đã điểm, học sinh uể oải tập trung. Đứa đẩy mông sang bên trái, đứa giơ tay sang phải, động tác nhún chân đưa hai tay sang ngang không ít đứa quên bẵng, đứng lạc lõng nghe tiếng nhạc vẫn gấp gáp trôi đi… Ở một số phòng học, nhiều học sinh xung phong trông lớp để đỡ phải vận động tay chân. Hình ảnh về tiết thể dục thiếu sức sống, thiếu nhiệt tình như thế dễ dàng bắt gặp ở bất cứ đâu, trong bất cứ ngôi trường nào.

Suốt từ cấp tiểu học đến trung học, môn Thể dục luôn là điểm yếu mà Nguyễn Hải Anh – cựu học sinh trường THCS Thanh Xuân, Hà Nội phải… vượt qua thử thách. “Trong khi các bạn cùng nhóm đã chạy hết ba vòng sân nhỏ thì em vẫn chưa chạy hết hai vòng. Về chỗ nghỉ lúc nào em cũng thấy xấu hổ, mệt mỏi và buồn vì mình quá chậm chạp. Tình cảnh chẳng có gì khá hơn với những giờ tập nhảy xa hay nhảy cao. Sau những giờ học thể dục là hai khớp gối và cổ chân em nhức mỏi không thôi, đến nỗi cứ đến thi học kỳ là sợ”. 

Theo Hải Anh, chương trình học văn hóa tương đối nặng, thời gian ăn ngủ còn không đủ, vì thế giờ thể dục thực sự là màn tra tấn học sinh vì nếu chạy chậm là mất điểm học sinh giỏi. “Cả tuần dạy chạy chỉ được học 2 tiết, học sinh không rèn luyện thường xuyên nhưng tới lúc thi chúng em vẫn phải chạy đủ số giờ quy định, nhiều bạn sức yếu cố chạy lấy điểm, mặt mày xanh lét như lá chuối... Còn 3 năm học THPT nữa, không biết môn thể dục sẽ học như nào” – Hải Anh tặc lưỡi. Những điều kinh hoàng khi học môn thể dục đã khiến nhiều học sinh như Hải Anh ác cảm với cả giáo viên bộ môn, những môn bắt buộc như nhảy xa, nhảy cao, chạy... thì không mấy học sinh mặn mà. Nhiều em thích bóng đá, bóng rổ...thì không có nội dung trong chương trình phổ thông.

Môn thể dục đang ở đâu trong lòng… học sinh? ảnh 1

So với các trường công, chương trình giáo dục thể chất ở những trường ngoài công lập có phần “dễ thở” hơn. Minh Hoàng, một học sinh lớp 12 trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội hào hứng: “So với cấp tiểu học và trung học, ở trường Phan Huy Chú, học sinh được lựa chọn những môn thể dục yêu thích, phù hợp với sở thích cá nhân. Khi bắt đầu bước chân vào trường, chỉ có môn bơi là môn bắt buộc tất cả học sinh trong trường phải có chứng chỉ. Còn lại, các bộ môn thể dục nhà trường cho học sinh đăng kí theo nhu cầu, từ bóng rổ, taekwondo, bóng đá, cầu lông, bóng bàn, võ Vovinam đến nhảy hiện đại, nhảy erobic… Các tiết học thể dục không xen kẽ các môn học văn hóa mà xếp riêng biệt sang buổi chiều để học sinh chủ động tham gia”. Năm đầu tiên, Hoàng hào hứng đăng kí học võ, năm lớp 11, cậu chuyển sang học cầu lông, lớp 12 bóng bàn. Mỗi giờ học thể dục không còn là nỗi ám ảnh với học sinh vì luyện tập quá sức hay vì áp lực điểm số, mà Hoàng có cảm giác thoải mái và hứng thú như một buổi sinh hoạt câu lạc bộ.

Sách giáo khoa có “cứu” được chương trình?

Thừa nhận thực tế, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng, bộ môn Thể dục trong nhà trường hiện nay vẫn chưa được chú trọng. Vì thế, cần phải có sách giáo khoa bộ môn Giáo dục thể chất, nó không chỉ dừng lại ở tập các động tác thể dục mà còn dạy học sinh cách chăm sóc sức khoẻ, nề nếp sinh hoạt, dinh dưỡng...

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục Việt Nam có sách giáo khoa môn thể dục, vốn là môn học chú trọng vào vận động, chạy nhảy, di chuyển... chứ không cần phải tham khảo lý thuyết.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục Việt Nam có sách giáo khoa môn thể dục, vốn là môn học chú trọng vào vận động, chạy nhảy, di chuyển... chứ không cần phải tham khảo lý thuyết. Sự thay đổi này ngay lập tức gây nên những tranh cãi trái chiều, dù sách thể dục đã có ở Nhật và nhiều quốc gia khác. Nhưng nhiều người đặt câu hỏi, với sự ra đời của sách Giáo dục thể chất, môn thể dục có đổi sắc, lấy lòng được học sinh hay không?

Huấn luyện viên Đoàn Văn Tùng, một giáo viên chuyên dạy thể dục thể thao và bơi lội ở Hà Nội (tốt nghiệp khoa Giáo dục Thể chất, Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, mục đích lớn nhất của môn thể dục trong nhà trường là giảm stress và giúp học sinh thư giãn sau các giờ học căng thẳng. Hiện nay, một số trường bắt kịp xu hướng hiện đại là cho học sinh chọn các môn thể dục hiện đại như nhảy erobic, bóng rổ, bóng đá, bơi lội,… trong khi các trường công vẫn duy trì các môn truyền thống như chạy, nhảy xa, nhảy cao... Với phần lớn học sinh, thể dục vẫn đang là môn phụ, vì học sinh không thích, nhiều nội dung không phù hợp với thể trạng của học sinh khiến một số sợ hãi, cứ nghĩ đến môn học là sợ.

Môn thể dục đang ở đâu trong lòng… học sinh? ảnh 2
Thể dục thể thao phải phù hợp với thể trạng của từng đứa trẻ, không thể bắt tất cả phải đạt thành tích như nhau, hoàn thành bài học như nhau.HLV Đoàn Văn Tùng

Theo thầy Tùng, “thể dục thể thao phải phù hợp với thể trạng của từng đứa trẻ, không thể bắt tất cả phải đạt thành tích như nhau, hoàn thành bài học như nhau. Điều đó là không thể. Cho học sinh quyền lựa chọn bộ môn học theo sở thích và thể trạng là một trong những bí quyết để học sinh đỡ sợ môn thể dục”.

Dù có xuất bản thêm sách giáo khoa môn Giáo dục thể chất thì vẫn khó có thể kéo lại sự thiện cảm của học sinh dành cho môn học này. “Học Thể dục thì việc thực hành, di chuyển, vận động là chính, không thực sự cần thiết bắt học sinh vác thêm một quyển sách Thể dục khiến cặp sách thêm nặng. Khi giảng giải và hướng dẫn học sinh các nội dung môn Thể dục, giáo viên chúng tôi thường giải thích và truyền tải đến học sinh tất cả những gì cần phải tiếp thu về nội dung đó, vừa giảng giải vừa làm mẫu luôn, điều đó giúp học sinh tiếp thu nhanh hơn là học qua sách” – HLV Tùng nói thêm. Muốn học sinh yêu môn Thể dục, phải thay đổi nội dung đã cũ và cách học, cách dạy còn nhiều bất cập như hiện nay.

Cũng theo thầy Tùng, thể dục thể thao gắn bó mật thiết với quá trình phát triển thể chất của học sinh, cần phải được nhìn nhận là môn chính chứ không phải môn phụ. Giáo dục thể chất là bộ môn chuyên biệt dạy học vận động và phát triển có chủ đích các tố chất vận động của học sinh, nếu tham gia tập luyện ở mức phổ thông phù hợp với thể lực, thể trạng của mỗi học sinh thì thế hệ trẻ hoàn toàn có thể nâng cao sức khoẻ. Thể dục cũng duy trì sự vừa vặn của cơ thể và sức khỏe nói chung, các bài tập thể dục đều đặn và thường xuyên nâng cao sức miễn dịch cơ thể và giúp các em ngăn ngừa các bệnh hiện đại như bệnh tim, hệ tuần hoàn, tiểu đường típ hai và béo phì.

Cân bằng cả trí lực và thể lực

Trong một buổi họp Quốc hội năm 2018, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình dự án Luật giáo dục (sửa đổi), đại biểu Lâm Đình Thắng (TP HCM) cho rằng phải đặt mục tiêu xuyên suốt cho giáo dục nước ta là giáo dục khai phóng - phải đặt mục tiêu phát huy năng lực tố chất từng học sinh, chứ không phải đào tạo theo kiểu chạy theo thành tích như lâu nay khiến học sinh “khổ quá”. Một trong những yêu cầu của rất nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra là giáo dục phải phát huy được cả trí lực và thể lực, không quá áp đặt thành tích, tạo môi trường phát triển toàn diện cho học sinh.

Môn thể dục đang ở đâu trong lòng… học sinh? ảnh 3

Thế nhưng, chỉ nhìn riêng vào môn Thể dục cũng đủ thấy, cách dạy và học hiện nay còn nhiều bất cập, nội dung học bắt học sinh rập khuôn máy móc, không dạy trẻ có thái độ quan tâm đúng mức đến sức khỏe bản thân. Nhiều học sinh lười vận động, ngại di chuyển, chỉ làm bạn với ti vi, điện thoại và máy tính. Thống kê cho thấy, người VN lại chưa đảm bảo thời gian rèn luyện thể lực theo khuyến cáo (của Tổ chức Y tế thế giới là mỗi người nên tập 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày/tuần, người ta gọi đây là nguyên lý 3-5-7). Có tới trên 1/3 người Việt Nam chưa đảm bảo thời gian vận động theo khuyến cáo này. Trong 10 năm được thống kê, số người bị đái tháo đường ở VN tăng 211%, người tăng huyết áp/tổng số được khảo sát mới nhất cũng lên tới trên 40% người trưởng thành, trong khi trước đó 10 năm là trên 25%. Tỉ lệ béo phì, thừa cân, mắc bệnh rối loạn chuyển hóa... liên quan đến lối sống và chế độ ăn gia tăng chóng mặt.

Đầu năm nay, Bộ GD&ĐT đã phát động 100% học sinh, sinh viên tập thể dục buổi sáng và giữa giờ nhằm tăng cường hoạt động thể chất trong nhà trường. Theo đó, Bộ yêu cầu các nhà trường có các hình thức khuyến khích học sinh tham gia học bơi, các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ nhằm rèn thể lực, tăng chiều cao, rèn tinh thần đồng đội. Chủ động phối hợp với các trung tâm văn hóa, thể thao tại địa phương để đa dạng hóa cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động giáo dục thể chất, nâng cao sức khỏe cho học sinh, sinh viên. Các trường phải đổi mới nội dung, phương pháp dạy môn giáo dục thể chất và các hoạt động thể thao theo hướng thực hành, tạo điều kiện để học sinh được tự chọn môn thể thao yêu thích. Các trường sư phạm, cơ sở đào tạo giáo viên thể dục, thể thao cũng phải đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo theo hướng thiết thực, trang bị kỹ năng, phát triển phẩm chất cho người học, người dạy...

Bộ GD&ĐT cũng xúc tiến việc thành lập viện nghiên cứu về giáo dục thể chất và thể thao trường học nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển thể thao trong trường học. Nhiều người kỳ vọng, thái độ với thể dục thể thao của học sinh sẽ được cải thiện, sức vóc của thanh niên Việt Nam cũng được thay đổi trong tương lai không xa. 

Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Ngày 24/4, tại Diễn đàn thường niên về Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI): Cuộc cách mạng tương lai, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII).
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
Các nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu đã giúp cứu được 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua. Đáng chú ý, phần lớn những người được hưởng lợi là trẻ sơ sinh. Đây là kết quả mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 24/4, phản ánh hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu trong nhiều thập niên qua.
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho biết việc kéo dài lễ hội Songkran trong vòng 3 tuần đã giúp tạo ra khoản doanh thu lên tới 140 tỷ baht (3,7 tỷ USD) cho ngành du lịch nước này, thu hút 1,9 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm trong thời gian diễn ra lễ hội.
Hang Táu (Mộc Châu) đem đến hình ảnh một ngôi làng nguyên thủy.
Công nhận Mộc Châu là Khu du lịch quốc gia
(Ngày Nay) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã ký Quyết định số 1077/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu. Ảnh: UNESCO/S. Ussavasodhi
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu
(Ngày Nay) - Thành phố Bangkok, Thái Lan đã chính thức gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu (GNLC) của UNESCO vào đầu năm 2024, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực biến Thủ đô của Thái Lan thành trung tâm giáo dục hàng đầu khu vực và thế giới.
Cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh có những thay đổi xã hội sâu sắc. Ảnh: Shutterstock
Ứng phó với những thách thức toàn cầu thông qua sáng kiến hợp tác
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh những thay đổi xã hội sâu sắc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hội thảo “Định hình Chương trình Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn ở châu Á” sẽ tập trung vào việc xác định các ưu tiên nghiên cứu và các sáng kiến hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực.
Sự kiện "Phổ cập Giáo dục Truyền thông và Thông tin tại Ecuador" đã diễn ra tại thủ đô Quito (Ecuador). Ảnh: UNESCO
Ecuador đẩy mạnh giáo dục truyền thông và thông tin
(Ngày Nay) - Sự kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của “Phổ cập giáo dục truyền thông và thông tin tại Ecuador” (MIL) trong việc phát triển công dân kỹ thuật số có trách nhiệm, loại bỏ thứ ngôn từ thù hận và thông tin sai lệch.