Thường được gọi là sếu Thái Lan, loài chim này gần như tuyệt chủng trong khoảng 50 năm trước. Chúng được phát hiện lần cuối trong tự nhiên vào năm 1968, trước khi chính phủ Thái Lan, Sở thú Nakhon Ratchasima và Liên Hợp Quốc chung tay bảo tồn.
Một chương trình nhân giống, sử dụng nguồn sếu từ Campuchia đã bắt đầu vào năm 1989. Lần sinh nở đầu tiên của các cá thể sếu đầu đỏ tại Thái Lan được ghi nhận vào năm 2011.
Sếu đầu đỏ được phân loại là loài "dễ bị tổn thương", với ước tính khoảng 15.000 cá thể còn sinh sống trong tự nhiên. Phân loài sếu bản địa tại Thái lan được cho là đã biến mất khỏi vùng đất ngập nước hoang dã của nước này.
Nhưng kể từ năm 2011, hơn 150 con sếu được nuôi nhốt, với chiều cao 1,8m và nặng gần 7 kg, đã được thả về tự nhiên tại tỉnh Buriram, từng là nơi sinh sống lâu năm của loài chim này.
Những con sếu được vận chuyển trong những chiếc hộp lớn từ Trung tâm bảo tồn sếu đầu đỏ - nơi chúng được nhân giống, đến hồ Huai Chorakhe Mak.
Đàn sếu mới nhất gồm 13 con đã được trả tự do vào dịp Giáng sinh năm nay trước sự chứng kiến của người dân Thái Lan. Ảnh: AFP |
Ông Tanat Uttaraviset - nhà nghiên cứu thuộc vườn thú Nakhon Ratchasima, cho biết: “Trước khi chúng trưởng thành, chúng tôi luôn phải mặc một bộ đồ che kín cơ thể và đeo một mô hình đầu chim trên tay để dạy những con non mọi thứ, từ cách cho chúng ăn cho đến làm quen với thiên nhiên".
Kết quả của quá trình nuôi dưỡng cẩn thận này là khoảng 60 đến 70% số sếu sống sót trong tự nhiên, ông Tanat cho biết.
Cùng với việc nuôi và thả sếu, một phần quan trọng của chương trình là giáo dục cộng đồng về nỗ lực bảo tồn các loài động vật hoang dã.
Hồ Huai Chorakhe Mak được chọn là nơi thả sếu một phần nhờ vào sự phát triển tự nhiên của cây dẻ nước, vốn là nguồn thức ăn quan trọng của sếu trong mùa khô.
Ông Thanachon Kensing - Giám đốc vườn thú Nakhon Ratchasima, cho biết môi trường sống của loài sếu đầu đỏ vẫn bị đe dọa bởi “sự xâm lấn rộng rãi của hoạt động nông nghiệp”.
Vườn thú đã thành lập một trung tâm học tập, hướng dẫn khách du lịch và người dân địa phương về cách chăm sóc môi trường tốt để loài sếu có thể cùng chung sống.
“Việc thay đổi thái độ của dân làng rất khó", ông Thanachon thừa nhận. “Nhưng nếu chúng tôi có thể thuyết phục họ, thì dự án này sẽ thành công".