Eleanore Fernandez mất chức trợ lý giám đốc khi Covid-19 bùng phát hồi tháng 3, mọi thứ càng tồi tệ hơn từ đó.
Chồng cô, một nhạc sĩ chuyên nghiệp, cũng bị thất nghiệp. Còn cô chỉ vài tuần nữa là sẽ mất trợ cấp thất nghiệp của chính phủ Mỹ, khoản tiền đã giúp gia đình cô vượt qua vài tháng khó khăn.
"Tôi chưa bao giờ ở trong tình cảnh như thế này", Fernandez nói, lưu ý mình đang "tiêu lẹm vào tiền tiết kiệm".
"Tôi sẽ sớm hết sạch tiền nếu tình hình cứ thế này", cô nói.
Một cửa hàng đóng cửa, treo biển cho thuê lại ở Mỹ. Ảnh: AFP |
Covid-19 đã khiến nền kinh tế Mỹ mất đi hơn 20 triệu việc làm và dù một số người đã được thuê lại, dữ liệu cho thấy những người thất nghiệp vẫn sẽ không có việc làm trong thời gian dài hơn khi dịch đang bùng phát lại khắp đất nước.
Với khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung được quốc hội thông qua dự kiến sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay, các nhà kinh tế cảnh báo bộ mặt lao động Mỹ đang đối mặt với thiệt hại lâu dài trước thềm nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden vào tháng 1 tới.
"Chúng tôi rất lo ngại thiệt hại lâu dài đối với năng lực sản xuất của nền kinh tế", chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell tháng trước bày tỏ. "Người lao động không có việc làm trong thời gian dài có thể mất đi những mối quan hệ với thị trường lao động và mất kỹ năng".
Dữ liệu của Bộ Lao động tháng 10 cho thấy gần 3,6 triệu người Mỹ đã thất nghiệp trong ít nhất 6 tháng. Con số này tương đương với khoảng một phần ba tổng số người thất nghiệp và là dấu hiệu cho thấy một tỷ lệ đáng kể những người bị mất việc làm trong những tuần đầu tiên đại dịch bùng phát vào tháng 3 và 4, đã không thể tìm được việc làm.
Con số này cao hơn 1,2 triệu so với tháng 9, trở thành "mức tăng hàng tháng cao nhất trong lịch sử", theo nhận định của Michele Evermore, nhà phân tích chính sách cấp cao của Dự án Luật Việc làm Quốc gia.
Fernandez đã dành nhiều tháng để nộp đơn xin việc nhưng vô ích. Cô không biết điều gì sẽ xảy ra với mình khi khoản trợ cấp thất nghiệp sẽ hết hạn vào 26/12.
"Tôi sẽ nhận bất kỳ công việc gì như giao hàng tạp hóa hay đại loại thế", cô nói.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan này chính xác là những gì giám đốc ngân hàng trung ương cảnh báo, cũng như theo đánh giá của các nhà phân tích rằng thiệt hại của đại dịch sẽ kéo dài ngay cả khi Covid-19 đã được kiểm soát.
"Khi người ta mất đi gắn kết với lực lượng lao động, đặc biệt khi họ không còn bảo hiểm thất nghiệp, họ sẽ ngừng tìm việc làm, bắt đầu tìm kiếm thứ khác, đó là chuyển sang nền kinh tế phi chính thức", Evermore nói.
Chính phủ dự kiến công bố báo cáo việc làm tháng 11 vào 4/12 và Evermore dự đoán, với nền kinh tế còn lâu mới khôi phục hoàn toàn, hàng ngũ những người thất nghiệp dài hạn sẽ còn dài thêm.
Trước khủng hoảng, Mỹ đã ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất lịch sử là 3,5% nhưng đa số các nhà kinh tế học tin rằng để quay trở lại mốc này, Mỹ sẽ mất nhiều năm nữa.
Đại dịch có thể thay đổi thị trường lao động theo những cách lâu dài khác, khi ngày càng nhiều việc làm chuyển khỏi ngành dịch vụ sang công nghệ, đòi hỏi đào tạo lại tốn kém hơn và tốn thời gian hơn để chuẩn bị cho những người lao động thất nghiệp sẵn sàng cho cơ hội mới.
Trong bối cảnh xu hướng kinh tế này, nỗi đau không giống nhau. Cộng đồng người Mỹ gốc Phi, những người có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong tất cả các nhóm chủng tộc, mắc phải cái mà Evermor gọi là "hội chứng sa thải đầu tiên và thuê mướn cuối cùng", bởi họ có triển vọng việc làm yếu nhất và có xu hướng bị sa thải trước những nhóm khác.
Một số cộng đồng không thể hồi phục hoàn toàn sau nỗi đau kéo dài của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2010, và đại dịch sẽ gây thêm nhiều thiệt hại khi lan rộng nhiều mặt của nền kinh tế hơn.
"Không chỉ cá nhân những người thất nghiệp bị tổn thương, mà còn toàn bộ cộng đồng của họ, bởi họ không có tiền để chi tiêu ở các cửa hàng địa phương", cô nói.
Nadra Enzi, người thất nghiệp từ tháng 4, chứng kiến điều này xảy ra tại nơi anh sống ở New Orleans, đặc biệt là với những người Mỹ gốc Phi như anh.
"Tự tử nhiều hơn. Bạo lực gia đình nhiều hơn. Nhiều người tìm đến tư vấn sức khỏe tâm thần hơn" là cách Enzi mô tả những tháng ảm đạm vì đại dịch.
Anh tin rằng phân biệt chủng tộc là nguyên nhân khiến mình mất đi việc làm bảo vệ, cũng như không thể tìm được việc mới.
"Đại dịch cũng được sử dụng để phân biệt chủng tộc", Enzi nói. "Đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới về quyền công dân".