Bất ngờ thứ nhất là khi nữ phóng viên Ngày Nay đến lầu xanh* của chúng tôi vào một buổi trưa hè, không hẹn trước, tôi chưa biết chị là ai. Chị trao tôi 2 tờ Ngày Nay và nói về tờ tạp chí phát miễn phí dành riêng cho người yếu thế. Chị nói rằng Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng SCDI đang làm việc cùng với những nhóm đối tượng mà Ngày Nay đang hướng tới.
Bất ngờ thứ hai là chị hiểu và biết về tổ chức của chúng tôi cũng như tìm hiểu rất nhiều vấn đề về nhóm người yếu thế, lại đi rất xa để gặp trực tiếp.
Bất ngờ thứ ba là chị gửi bài để tôi đọc lại thật kỹ, chị nói rằng chị cần những ngôn ngữ cẩn trọng nhất đối với những người yếu thế, những người dễ bị tổn thương nhất. Lòng tin của tôi bắt đầu từ đây.
Và rồi những sự thật rất nhân văn đã góp mặt trong tờ Ngày nay với những nhân vật có thực, những tâm sự có thực...
(*Lầu xanh: SCDI có trụ sở là một căn nhà màu xanh)
Nếu là phóng viên bình thường, có một cuộc sống thu nhập ổn định, thật khó để thể liên lạc được những người yếu thế, hoặc nếu liên hệ được thì rất khó để lấy được lòng tin từ những nhân vật đã chịu quá nhiều sóng gió cuộc đời. Họ thường không muốn tiếp xúc với các thế giới khác họ, họ tự kì thị và bị kì thị nhiều.
Khởi đầu công việc của chị Ngọc - PV Ngày Nay với SCDI và cộng đồng yếu thế là việc gặp gỡ chị S - người chưa bao giờ nói về cuộc đời của bản thân. Chị đã gặp một nhân vật khó, người đã trải qua tất cả mọi thứ đau đớn nhất: chưa tốt nghiệp tiểu học, bị bán đi khi 12 tuổi, trở thành nô lệ tình dục trong hệ thống nhà nghỉ của Khánh “trắng”, nhiều năm “tiếp khách” mà không thấy mặt trời, bị ép sử dụng ma túy để phụ thuộc vào đường dây, thoát ra ngoài khi đã là nô lệ của ma túy, bán dâm cho đến lúc lên bàn đẻ để có tiền nuôi thân, và cho đến ngày hôm nay, chị S đã là một người thủ lĩnh nhân hậu, không thù ghét quá khứ, sống bình an, đã và đang giúp đỡ những người khác cải thiện cuộc sống.
Chị S sợ báo chí, trong tâm thức của chị S, báo chí thường nói những điều ghê sợ về những người cùng cảnh ngộ như chị. Chị thiếu lòng tin. Tôi đã lấy danh dự của tổ chức ra để đảm bảo, chị S mới yên tâm để thực hiện một cuộc phỏng vấn.
Chị Ngọc nói với tôi rằng, nếu không có SCDI thì không thể gặp những nhân vật như thế này. Cuộc đời một người lạ không thể kể cho nhau nghe vào lần gặp đầu tiên, lại càng không dễ tin tưởng nhau như thế. Vậy mà chúng tôi đã ngồi lại với nhau, nói chuyện, cởi mở và cười đùa. Chị S còn đồng ý cho chị Ngọc chụp ảnh dáng người mảnh mai với mái tóc dài của chị nữa.
Một thời gian sau, tôi đưa chị Ngọc đi gặp gỡ với những gia đình mà bố mẹ có HIV, những trẻ em đang bị “bỏ lại phía sau” do những hoàn cảnh sống éo le, bố mẹ đi tù hoặc đã bỏ đi, các em sống với người thân và gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống…
Một buổi trưa nắng gắt, dịp cuối tuần chẳng ai muốn ra ngoài làm việc, lại giữa trưa bụng rỗng, chúng tôi cùng nhau đi tới những căn nhà cách xa trung tâm Hà Nội, vùng quê ngoại thành - nơi người dân vẫn quen gọi là “làng”, nơi người dân vẫn chân chất lắm. Những người nhỡ không may rơi vào nhóm yếu thế, mang căn bệnh thế kỉ trong người gặp quá nhiều trở ngại.
Nhân vật nói một câu mà tôi còn nhớ mãi: “Nếu không nhờ những tình nguyện viên của SCDI giúp đỡ thì đến chết cũng không gặp báo chí…”. Thế rồi, bằng sự chân thật, chị rút ruột gan kể lại quãng đời đã trải qua, khóc cười xen lẫn. Bài viết đăng trên Ngày Nay, kể về những thân phận trong “bóng tối” như chị ấy hiếm khi có ảnh thật đi kèm, bài chỉ toàn ảnh minh họa, nhưng những số phận, những tâm sự rất đời đăng trên báo là có thật, sau quá trình tiếp cận khá vất vả.
Đồng hành với phóng viên và tạp chí Ngày Nay, là trải nghiệm mới mẻ, nhưng là cả niềm tin và sự tôn trọng, nên chắc chắn vì một xã hội cùng phát triển nhân văn với những nhóm yếu thế, những câu chuyện về những con người đầy nghị lực sẽ được sẻ chia nhiều hơn.
Đặng Thư – Quản lý Truyền thông
Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI)