Những ngày thứ Năm là những ngày dài…

(Ngày Nay) - Tự bao giờ, cứ thứ Năm hàng tuần, chị Thúy lại dựng chiếc xe máy đời cũ ở vỉa hè khu vực Cầu Giấy, đứng lì một chỗ bán dứa. Ông Dũng “xe lăn” quê Thanh Hóa chỉ loanh quanh phố cà phê Triệu Việt Vương (Hà Nội) bán đôi ba cái lót giày, bật lửa… Thứ Năm bao giờ cũng là ngày dài, họ vừa muốn bán nhiều hàng, vừa muốn nấn ná bên quán cà phê xin tạp chí miễn phí mang tên “Ngày Nay”.
Những ngày thứ Năm là những ngày dài…

Ngượng khi cầm báo

Bất chợt bị khách “bắt quả tang” đang chăm chú đọc báo, chị Thúy lóng ngóng nhét vội tờ tạp chí vào cái túi treo trước xe, ngồi thụp xuống dọn mấy vụn vỏ dứa rơi vãi ra đường. Chị che cái nón nghiêng hẳn sang một bên, vờ như không để ý. Rồi khi khách không đoái hoài đến chuyện một người mẹ nông dân nghèo chăm chú đọc báo, chị mới bẽn lẽn đứng lên, đon đả mời tôi mua dứa.

Trong lúc gọt dứa, chị luôn miệng nói chuyện. Lúc thì chuyện người thành phố đi làm phải đúng giờ, tắc đường khủng khiếp. Lúc lại người nhà quê mất ruộng, bỏ quê đi phu hồ, bán rong hết cả. Lúc xởi lởi, chị nói chuyện giáo dục vĩ mô, chuyện trường học Việt Nam còn khó khăn ra sao, trường học Harvard ở Mỹ hiện đại cỡ nào…

Đang đà nói chuyện, bị hỏi tên, chị ngượng, nói mỗi Thúy. Hỏi địa chỉ, chị lấp lửng: Tân Lập, Đan Phượng. Hỏi đến tờ báo, chị mới rôm rả nói nhiều: “Mỗi ngày thức dậy chỉ biết đi làm kiếm tiền, nào tôi có biết đến tin tức, báo chí. Tình cờ một lần, đi qua quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Huyên, người ta cho tờ báo đọc tạm khi trời mưa, tôi thích lắm. Hóa ra “mặt mũi” một tờ báo nó là như thế” – chị kể. Thoáng ngượng ngùng, chị bảo, chị hay đọc báo qua những mảnh giấy gói xôi bị cắt nham nhở, câu được câu mất. Không có tờ báo miễn phí, chị chẳng bao giờ nghĩ sẽ mua một tờ báo “lành lặn”.

“Một tờ báo những 4.000-5.000 đồng, bằng cả mớ rau đấy cô…”. Thế nên, cứ thứ Năm hàng tuần, chị lân la gần quán cà phê đường Nguyễn Văn Huyên. Chị lấy tạp chí Ngày Nay để đọc khi rảnh, rồi mang về cho hai đứa con.

Còn với ông Dũng, cuộc đời gắn chặt với chiếc xe lăn. Ông không ngại xưng tên khi được hỏi, không ngại cầm báo đọc giữa “thanh thiên bạch nhật”, nhưng ông ngượng khi thật thà nói: “Tôi ít chữ”. Hàng chục năm qua chẳng sờ đến sách báo mấy, ông bảo: “Trẻ em ở quê dù có được đi học thì cũng chỉ có duy nhất một loại sách để đọc, ấy là sách giáo khoa. Người lớn dù muốn đọc cũng khó vì đa phần sách, báo bán ở thành phố”. Có tờ báo miễn phí, ông mang về xóm trọ nằm khuất trong một ngõ nhỏ đường Mễ Trì để chia sẻ thông tin. Ở đó, người cao tuổi quan tâm đến mảng thông tin chính trị và y tế, sức khỏe. Còn thanh niên thường quan tâm đến tin văn hóa - thể thao - giải trí. Hôm nào có báo là hôm đó xóm trọ rôm rả.

Những ngày thứ Năm là những ngày dài… ảnh 1Ông Dũng bầu bạn với tạp chí "Ngày Nay" khắp các nẻo đường Hà Nội

Nhờ có những tạp chí miễn phí, biết bao người lao động nghèo đã được đọc báo. Người quê nghèo đi chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện Việt Đức, bệnh viện K… nằm vắt vẻo trên ghế đá vườn hoa ngã tư Hai Bà Trưng – Quán Sứ đọc báo. Bác xe ôm đọc báo xong úp kín mặt, tranh thủ một giấc ngủ trưa vội… Trên nhiều con phố Hà Nội, chẳng khó bắt gặp hình ảnh tờ báo “Ngày Nay” nằm gọn trên tay những người lao động, tỏa về những xóm trọ vừa nghèo vật chất, vừa nghèo tinh thần.

Những chị Thúy, ông Dũng và nhiều người lao động khác, chẳng ai biết tờ báo Ngày Nay ấy đã được tròn một năm phát hành miễn phí. Họ chỉ biết, cứ thứ Năm hàng tuần, đến đó, ngồi ngóng đợi, thế là có báo!

“Không đọc báo không phải vì không thích”

Trong một lần uống trà đá ngoài cổng bệnh viện Việt Đức, tôi tình cờ thấy ông hàng nước lần giở từng tờ báo trên tay người bán báo dạo. Ông rất muốn mua báo đọc nhân lúc rảnh rỗi, nhưng “gia tài” mà người bán báo dạo có trên tay chỉ mấy tờ báo pháp luật, đành thôi.

Không lâu sau, vì ông bác nằm viện lâu ngày, tôi lại uống trà đá. Tôi thấy ông hàng nước trầm ngâm bên tờ Ngày Nay. Thấy tôi ngó tờ báo, ông bảo: “Người ta cứ ra rả nói đọc sách, đọc báo là sở thích, người không thích sách báo thì không thể tạo ra sở thích được. Sai, sai lắm… Nếu không được khuyến khích, không có cơ hội tiếp cận sách báo miễn phí hay thế này thì dân nghèo chúng tôi, chẳng ai biết được sở thích của mình là… đọc báo”. Từ ngày có báo miễn phí, khi tóc đã bạc gần hết, ông mới biết, hóa ra ông thích… đọc báo. Trừ thứ Năm được phát báo miễn phí, những ngày còn lại, thỉnh thoảng ông vẫn mua báo để nuông chiều sở thích cá nhân.

Rất nhiều người lao động, nông dân ra thành phố, giống như ông hàng nước cổng viện, khi được phát tờ áo miễn phí đã hồi hộp lật giở từng trang báo để theo dõi xem tình hình thời sự thế nào… Đơn giản, họ chỉ muốn biết con em học sinh quê mình đang phải thi cử mệt mỏi ra sao, người dân miền Trung đang chịu cảnh lũ lụt cực khổ thế nào…

Người lao động nông thôn ngày nay đã có nhiều biến chuyển, thay đổi về nhận thức, trình độ. Họ không đọc, không tiếp nhận thông tin một cách thụ động như trước nữa mà đã có có nhu cầu lựa chọn thông tin hay, hữu ích để tiếp nhận. Họ đọc cái họ cần, họ tìm đến tờ báo mà họ thấy hay và hứng thú.

Điểm sáng giữa “ma trận” thông tin

Cách đây không lâu, báo cáo của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) từng chỉ ra rằng, tỷ lệ người Việt Nam đọc sách thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới. Tỷ lệ người Việt Nam hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26% dân số.

Theo ông Nguyễn Quang Thạch - người 20 năm nghiên cứu và thực hiện chương trình “Sách hóa nông thôn” thì, tỷ lệ người Việt Nam hoàn toàn không đọc sách có thể nhiều hơn 26%. Những người hoàn toàn không đọc sách ở đây không phải là mù chữ mà là thói quen không đọc sách, nhất là không có sách, báo để đọc.

Tôi tin rằng, tạp chí miễn phí “Ngày Nay” đang hàng tuần trao tận tay người lao động, người dân nghèo chính là đang góp sức nâng cao dân trí, nhân rộng thói quen đọc sách báo trong dân cư. Mong muốn xa xỉ hơn là góp sức đưa tỷ lệ 26% dân số nhích lên một con số mới, khả quan hơn.

Những ngày thứ Năm là những ngày dài… ảnh 2Nhà văn Nguyễn Trương Quý - một độc giả yêu mến tạp chí "Ngày Nay"

Một lần tình cờ, gặp nhà văn Nguyễn Trương Quý – tác giả của rất nhiều cuốn tản văn về Hà Nội, một người yêu Hà Nội mãnh liệt và hay đứng ở nhiều góc độ để quan sát Hà Nội chăm chú đọc “Ngày Nay”, tôi hỏi anh cảm nghĩ. Với anh, tờ “Ngày Nay” không còn xa lạ gì với các phố cà phê ở Hà Nội. Anh bảo: Điều tôi thích nhất là không chỉ lượng thông tin dồi dào mà còn quan tâm đến thân phận, cày sâu vào căn nguyên vấn đề. Nội dung các bài báo chứa thông tin chi tiết, đưa nhiều tiếng nói của nhân vật đời thường, giản dị và bình dân. Tờ báo đã cố gắng đưa đến cho mọi người những thông điệp tích cực, đó là “điểm sáng” trong tình cảnh nhiều báo còn sa đà vào thông tin giật gân… để lôi kéo độc giả như hiện nay. Một điểm sáng nữa là tờ báo mang dáng dấp rất hiện đại với cách thiết kế, trình bày các trang báo thoáng, nổi bật được chủ đề chính”.

Anh kì vọng bước sang năm thứ hai, tờ báo sẽ “nhận diện” rõ hơn độc giả chính của tờ báo. Người lao động, dân ngoại thành nông thôn với trải nghiệm và khả năng phân tích chưa cao cần nhiều hơn những bài báo giản dị, ngắn gọn, cách diễn đạt mạch lạc, không nên quá văn chương, nhiều chữ. Có thể bớt chữ thêm ảnh, hình thị hóa, đồ họa, biểu đồ, bảng biểu…

Tất nhiên, không thể thiếu những bài báo phân tích sâu sắc hàng ngàn chữ, nhưng bên cạnh đó, cần có những bài ngắn, nội dung thiết thực, hợp với năng lực đọc phổ thông của người lao động. Đôi khi chỉ cần một sơ đồ, mũi tên chỉ dẫn… cũng đủ để độc giả của tờ báo hiểu được nội dung mà người ta muốn hướng đến, họ tiếp nhận thông tin nhanh hơn sau những tất bật, bộn bề của cuộc mưu sinh.

Cận cảnh chao đèn họa tiết hoa mẫu đơn cánh kép.
Họa tiết hoa mẫu đơn: Ngoại lệ của Louis Comfort Tiffany
(Ngày Nay) - Những chùm hoa mẫu đơn lớn nhiều màu sắc với hương thơm ngào ngạt luôn chiếm vị trí đắc địa trong khu vườn. Dù là hoa cánh đơn hay cánh kép, Louis Comfort Tiffany cũng không thể cưỡng lại vẻ đẹp kiều diễm ấy.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC.,. : CNN.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine
(Ngày Nay) - Với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel và một số nước khác.
Viết về một định kiến
Viết về một định kiến
(Ngày Nay) -  Việc đặt “viên mãn” và hôn nhân tan vỡ thành một cặp phạm trù đối lập là một thói quen phổ biến trong giao tiếp của Việt Nam. Chính tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, và cũng thấy cái nhị nguyên đó là bình thường. Cho đến một ngày, một đồng nghiệp của tôi tâm sự nhỏ nhẹ, làm thế nào để nhắc mọi người đừng giật tít thế nữa nhỉ. “Dàn sao phim X sau 20 năm: Người viên mãn, người ly hôn”. Ly hôn đối lập với viên mãn. Mọi người nói, và thẳm sâu nghĩ thế.