Đừng vội quy chụp
Trong buổi tư vấn của Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2019 vừa diễn ra tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, TS. Nguyễn Thị Kim Phụng bất ngờ nhận được một câu hỏi từ phía học sinh: “Ngành giáo dục ngày càng có nhiều bê bối, liệu rằng ngành giáo dục có tiến triển tốt hơn trong tương lai? Với những sinh viên đam mê ngành sư phạm thì liệu có tin tưởng được đến năm 2020 tỉ lệ sinh viên sư phạm thất nghiệp sẽ giảm?”.
Câu hỏi này không chỉ “gây sốc” cho TS. Phụng mà còn khiến cả khu vực tư vấn xôn xao. Tuy nhiên, trước câu hỏi khá sốc này, vị đại diện cho Bộ GD&ĐT vẫn thẳng thắn trả lời: “Căn cứ vào đâu để em nói ngành giáo dục ngày càng bê bối? Tôi đánh giá học sinh dám nói trực tiếp đến nội dung này thể hiện em quan tâm đến các vấn đề xã hội và thể hiện trách nhiệm công dân của mình. Tuy nhiên, phải khẳng định nhận định ở câu hỏi này xuất phát từ góc độ các em chưa đủ thông tin”.
Theo TS. Phụng, nếu tự đánh giá về thành tích giáo dục trong nước có thể bị cho là chủ quan nhưng nếu dựa trên những đánh giá quốc tế mang tính khách quan thì có thể thấy giáo dục Việt Nam có nhiều thành tích đáng khích lệ.
Cụ thể, trong năm 2018, cùng với Trung Quốc, Việt Nam được đánh giá là một trong hai quốc gia năng động và đổi mới giáo dục hiệu quả nhất châu Á. Ngoài ra, cũng trong năm 2018, Việt Nam đã có 2 đại học lọt vào top 1.000 đại học hàng đầu thế giới, 7 trường đại học lọt top 400 đại học tốt nhất châu Á.
“Như vậy, không thể nói mọi thứ của giáo dục Việt Nam đã hoàn toàn tốt, nhưng cũng không thể nói giáo dục Việt Nam ngày càng bê bối được. Tất cả những lao động hiện nay đều là sản phẩm chủ yếu của nền giáo dục trong nước”, TS. Phụng nhấn mạnh.
Tỉ lệ sinh viên Sư phạm có việc làm sẽ cao hơn
Trước băn khoăn về ý định đăng ký dự tuyển vào ngành sư phạm nhưng lại sợ bị thất nghiệp của nhiều học sinh, TS. Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: Về tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, thống kê 2 năm qua từ các trường đại học cho tỉ lệ dao động khoảng 86-87%, riêng với ngành sư phạm thì tỉ lệ này khoảng 81%.
Dựa theo bản tin thị trường lao động hàng quý của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê thì số lượng người có trình độ đại học thất nghiệp ở khoảng 138.000 đến 230.000. Như vậy, so với hơn 5 triệu lao động trình độ đại học thi tỉ lệ người tốt nghiệp đại học có việc làm dao động trong khoảng 95-97%.
Để hạn chế tối đa tình trạng sinh viên sư phạm thất nghiệp, từ năm 2018, Bộ GD&ĐT đã đề nghị các địa phương thống kê nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương ở từng môn học, từng cấp học làm căn cứ giao chỉ tiêu tuyển sinh. Như vậy, số lượng sinh viên ra trường sẽ sát hơn với thực tế, có nghĩa là tỉ lệ sinh viên sư phạm có việc làm những năm tới sẽ cao hơn mức 81%.
“Chúng tôi mong muốn và sẽ tìm mọi biện pháp để đảm bảo rằng, sinh viên sư phạm ra trường sẽ có việc làm cao hơn tỉ lệ được các trường đang thống kê hiện nay (81%). Đây là những thông tin mà các thí sinh có thể yên tâm”, TS. Phụng khẳng định.
Quản chặt tuyển sinh các ngành Sư phạm
Trước đó, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 02/2019/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh Đại học hệ chính quy; tuyển sinh Cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT ngày 25/1/2017; đã được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 07/2018/TT- BGDĐT ngày 1/3/2018.
Đông đảo thí sinh tham dự Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2019. |
Theo Thông tư, căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ Đại học, Cao đẳng và Trung cấp như sau:
- Nếu trường sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi THPT quốc gia và kết quả học tập THPT, hoặc kết hợp giữa điểm của trường tổ chức sơ tuyển/thi tuyển với điểm thi THPT quốc gia và/hoặc kết quả học tập THPT, thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của điểm thi THPT quốc gia, điểm kết quả học tập THPT phải tương đương với các ngưỡng theo quy định.
Cụ thể, điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng điểm thi THPT quốc gia của trường tối thiểu bằng điểm trung bình cộng theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định.
Điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT trình độ Đại học đối với các ngành đào tạo giáo viên tối thiểu là 8,0 trở lên. Riêng các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thế chất, Huấn luyện thể thao tối thiểu là 6,5 trở lên. Các ngành Giáo dục Thể chất và Huấn luyện thể thao, điểm trung bình cộng xét tuyển kết quả học tập THPT đối với các đối tượng là vận động viên cấp I, kiện tướng, vận động viên đã từng đạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải trẻ quốc gia và quốc tế hoặc giải vô địch quốc gia, quốc tế, tối thiểu là 5,0 trở lên.
Điểm trung bình cộng xét tuvển sử dụng kết quả học tập THPT trình độ Cao đẳng, Trung cấp các ngành đào tạo giáo viên tối thiếu là 6,5 trở lên. Riêng các ngành Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất, Huấn luyện thể thao, Sư phạm Thể dục thể thao tối thiểu là 5,0 trở lên.
- Nếu phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên thì:
Đối với trình độ Đại học xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Riêng các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất, Huấn luyện thể thao xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại từ khá trở lên; ngành Giáo dục Thể chất và Huấn luyện thể thao xét tuyển các đối tượng là vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đã từng đạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải trẻ quốc gia và quốc tế hoặc giải vô địch quốc gia và quốc tế có học lực lớp 12 xếp loại từ trung bình trở lên.
Đối với trình độ trình độ Cao đẳng, Trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Riêng các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất và Huấn luyện thể thao, Sư phạm Thể dục thể thao xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại từ trung bình trở lên.