Để đối phó với đàn chuột đang cắn phá nhà kho, ông Col Tink sử dụng một cây chổi lớn để quét những con vật này vào một cái bẫy công nghiệp tạm bợ - về cơ bản là một bồn nước lớn.
Nhưng những nỗ lực của ông Tink chỉ như "muối bỏ bể", bởi đàn chuột lên đến hàng triệu con đang hoành hành khắp các trang trại miền Đông Australia. Nhiều người đã phải rùng mình khi xem các đoạn video chuột chạy lúc nhúc trong các nhà kho, trên đường phố hoặc thậm chí là tấn công các bệnh nhân trong bệnh viện.
Chuột chỉ là một trong số hàng loạt các thảm họa ập đến với nông dân ở Australia. Một đợt hạn hán kéo dài nhiều năm đã gây ra các đợt cháy rừng tàn khốc vào cuối năm 2019, trước khi những trận mưa lớn gây ra các đợt lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng.
"Cha tôi, người đã 93 tuổi, nói rằng ba năm vừa qua là những năm thiên tai tồi tệ nhất mà ông ấy từng chứng kiến, đặc biệt là nạn dịch chuột", ông Tink nói.
Theo chuyên gia Steve Henry, người đã nghiên cứu về các động vật gây hại ở Australia trong gần ba thập kỷ qua, cho biết nạn chuột xuất hiện như những cơn lũ quét, thoắt đến và thoắt đi.
"Thế nhưng tôi không chắc năm nay khi nào chúng mới biến mất", ông Henry cho biết.
Chuột luôn là cơn đau đầu đối với nông dân Australia. |
Chuột là một loài gây hại hoang dã ở Australia, xuất hiện cùng với những người thực dân Anh đầu tiên đặt chân đến tiểu lục địa này. Chúng ngay lập tức thích nghi với khí hậu nơi đây và tận dụng hoạt động sản xuất nông nghiệp để bành trướng số lượng.
Số lượng lớn chuột đã được báo cáo kể từ đầu tháng 10 năm ngoái sau một vụ mùa bội thu của người nông dân Australia. Theo ông Terry Fishpool, 74 tuổi, một nhà sản xuất ngũ cốc tại thị trấn Tottenham (bang New South Wales), số lượng chuột năm nay "thực sự là khổng lồ".
Phó giáo sư Bill Bateman từ Curtin cho biết nạn dịch chuột thường xảy ra mỗi thập kỷ một lần, nhưng biến đổi khí hậu có thể khiến chúng xuất hiện thường xuyên hơn.
“Nếu chúng ta không còn có những mùa đông lạnh giá như trước, tức là chúng ta sẽ cung cấp tài nguyên cho chuột quanh năm, nạn chuột sẽ trở thành một căn bệnh mãn tính hơn là một căn bệnh cấp tính", phó giáo sư Bateman nói.
Trước tình cảnh này, chính phủ Australia đã tuyên bố hỗ trợ tài chính cho người nông dân cũng như đặt hàng sản xuất các loại thuốc diệt chuột hàng loạt.
Tuy nhiên, nhiều nhà bảo vệ môi trường cho rằng những loại thuốc độc có khả năng giết chết cả các loài động vật hoang dã bản địa nếu ăn phải chúng hoặc ăn chuột đã dính độc.
Ông Bateman cho biết việc sử dụng chất độc kéo dài có thể tạo ra "một ngân hàng chất độc này" trong môi trường, giết chết những loài thú săn mồi và thậm chí có nguy cơ gây ngộ độc cho con người thông qua chuỗi thức ăn.
"Chúng ta thực sự sẽ tự gây ra rắc rối cho chính mình trong tương lai, không chỉ về việc phá hủy đa dạng sinh học mà còn phá hủy tuyến phòng thủ của chúng ta chống lại bất kỳ bệnh dịch chuột nào trong tương lai", ông Bateman cảnh báo.
Chuyên gia Steve Henry cho biết việc sử dụng đúng cách thuốc độc, cùng với đặt bẫy và loại bỏ các nguồn thức ăn thay thế có thể giúp hạn chế số lượng chuột sau mùa đông.
Tuy nhiên, sự tập trung vào "các giải pháp khắc phục nhanh chóng" cũng cần phải chuyển sang các giải pháp dài hạn bao gồm nghiên cứu nhiều hơn về những gì gây ra "bệnh dịch hoành tráng", ông nói.
Thế nhưng những nông dân như ông Fishpool cho biết họ có rất ít lựa chọn trong thời gian này ngoài việc trồng trọt và hy vọng thiệt hại do chuột gây ra không quá nghiêm trọng.