Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại các sản phẩm chủ lực theo hướng hàng hóa. Nhờ đó, việc sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn đạt kết quả tốt.
Năm 2021, tổng diện tích gieo trồng cây đạt 212.706 ha; diện tích cây lâu năm (không tính cây sơn tra) đạt 98.927 ha; diện tích cây công nghiệp hàng năm 51.590 ha, Giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp và thủy sản đạt hơn 14.835 tỷ đồng.
Lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, có xu hướng phục hồi. Ngành Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng cải tạo giống và chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở rộng mô hình doanh nghiệp, HTX liên kết với các hộ gia đình, góp phần duy trì và phát triển ổn định đàn vật nuôi, gồm: 123.462 con trâu; 338.260 con bò thịt; 29.150 con bò sữa; 640.896 con lợn; 6.422 con ngựa; 168.675 con dê; 7.301.000 con gia cầm. Diện tích thủy sản ổn định với 2.769 ha nuôi trồng, có 8.830 lồng cá, sản lượng thủy sản năm 2021 đạt 8.550 tấn.
Tại huyện Mộc Châu triển khai nhiều giải pháp trong sản xuất nông nghiệp để thích ứng với tình hình dịch bệnh với việc duy trì, phát triển hàng hóa. Đồng chí Long Trung Tâm, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cho biết: UBND huyện đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn bám sát cơ sở, tăng cường triển khai công tác ứng phó với rét đậm, rét hại và dịch Covid-19; kiểm tra sản xuất, kinh doanh giống cây trồng; quản lý, phòng trừ sâu bệnh trên địa bàn huyện năm 2022. Đến hết tháng 2, các kế hoạch, chỉ tiêu phát triển sản xuất của huyện đều được thực hiện đảm bảo, nổi bật là trồng 300 ha dong riềng; 612ha rau, đậu các loại; 195 ha ngô ủ ướp. Tiếp tục chuyển đổi, trồng mới 47 ha cây ăn quả trên đất dốc, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện lên 9.777 ha.
Thực hiện kế hoạch đảm bảo sản xuất, tiêu thụ nông sản “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng phương án sản xuất, tiêu thụ nông sản theo từng cấp độ dịch. Trong đó, đối với trường hợp thực hiện cấp độ dịch nguy cơ thấp và nguy cơ trung bình thì đẩy mạnh phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực, thế mạnh địa phương theo chuỗi liên kết gắn với thị trường chế biến, tăng tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng.
Với trường hợp thực hiện cấp độ dịch nguy cơ cao và nguy cơ rất cao thì các địa phương cần khoanh vùng sản xuất, có các biện pháp sản xuất an toàn dịch bệnh, như: Sử dụng bảo hộ lao động, phun khử khuẩn cho các phương tiện vận chuyển nông sản. Trong trường hợp có thể duy trì được thì kéo dài thời gian thu hoạch để tiện cho việc bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Ngành phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để người nông dân duy trì sản xuất, gieo trồng đúng khung thời vụ. Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lân cận kịp thời triển khai các biện pháp, kế hoạch để vừa đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong tỉnh; tăng cường kết nối, đa dạng các kênh tiêu thụ ngoài tỉnh không để tắc nghẽn, ùn ứ nông sản. Thiết lập và duy trì các kênh phân phối, giao dịch mua bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử, hỗ trợ các đơn vị vận chuyển, tiêu thụ nông sản...
Căn cứ diễn biến thời tiết, dịch bệnh Covid-19 và điều kiện sản xuất, ngành Nông nghiệp và PTNT cùng các huyện, thành phố chủ động xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, điều chỉnh cơ cấu sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản cho phù hợp với thực tiễn, không để sản xuất bị ảnh hưởng, gián đoạn. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc cây trồng vụ xuân. Thường xuyên cập nhật, theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chống hạn cho lúa trong điều kiện nắng hạn kéo dài; tiếp tục chỉ đạo, giám sát chặt chẽ và tổ chức thực hiện các giải pháp tổng thể trong phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Tăng cường theo dõi, nắm bắt tiến độ, tình hình sản xuất để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các giải pháp khắc phục, thúc đẩy sản xuất đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn.