Rồi anh còn hỏi các phóng viên liệu có cách nào cho số điện thoại này... lên báo luôn được không!
Phóng viên nào cũng ngần ngại bảo: “Ðể em về hỏi sếp nha, nhưng mà anh không sợ bị gọi điện làm phiền khi đang ngủ à? Vợ anh không cằn nhằn sao?”. Chí Trung cười xòa: “Cả Hà Nội biết số điện thoại của tôi từ lâu rồi, gọi tâm sự suốt. Bà Huyền đòi bẻ sim ném điện thoại vào bể cá hoài ấy chứ!”.
“Tôi không tin anh Trung mấy đâu!”
Yêu nhau từ năm 18 tuổi khi cùng là lứa diễn viên đầu tiên của Nhà hát Tuổi Trẻ, bị thủ trưởng kiểm điểm lên xuống vì tội “yêu sớm”, “kéo lê” nhau qua tám năm mới được gia đình cho cưới, sống với nhau ngót 30 năm và có hai mặt con, nhưng NSƯT Ngọc Huyền - vợ NSƯT Chí Trung - vẫn khẳng định mình không tin chồng!
Chuyện tình yêu của Chí Trung và Ngọc Huyền được coi là hiếm có trong làng văn nghệ Việt. |
Ngoài đời trông chị rất trẻ so với độ tuổi trung niên. Vóc dáng nhanh nhẹn, nụ cười tươi tắn và kiểu nói chuyện gần gũi là cách mà chị để lại ấn tượng với người khác. Riêng đối với chồng Chí Trung thì chị lại có một “chính sách đối nội” không thay đổi trong suốt gần 30 năm qua: không tin, không tra hỏi, không ghen tuông (có ghen cũng không nói ra vì sợ... quê).
Sở dĩ chị không tin chồng mấy vì chị cho rằng tính chồng mình thuộc dạng... lẳng lơ (nguyên văn từ chị dùng), ngày xưa yêu chị lên bờ xuống ruộng là thế mà nghe mọi người mách lại là cũng sẵn sàng bẹo má cô này cô kia, nên tốt nhất là không nên biết nhiều để... sống cho thanh thản. Nhưng có lẽ vì nhờ sự “lẳng lơ”, hoạt ngôn, sôi nổi này mà Chí Trung lại thành công, trở thành một trong những nghệ sĩ hài nổi tiếng cả nước, đồng thời là một trong số ít nhà quản lý sân khấu tài năng và hiệu quả bậc nhất của miền Bắc.
Ngọc Huyền bảo hồi đó mê Chí Trung vì vẻ đẹp trai và mái tóc mềm như Tây, cưới Chí Trung để... sinh con đẹp. Nên chị không hề bận tâm đến chuyện từ tiểu thư con nhà giàu bỗng trở thành vợ trai nghèo, dọn về ở chung với mẹ chồng trên căn gác xép, phải gom tiền chợ hằng ngày và tài sản chung duy nhất của hai vợ chồng là một cassette mua bằng tiền mừng cưới. Vậy nên Chí Trung đã có một thời gian dài tối làm ông này ông nọ trên sân khấu nhưng sáng ra lại hành nghề... buôn săm lốp. Ngọc Huyền cũng vừa làm diễn viên vừa lao vào buôn bán kiếm tiền, từ việc mở hiệu ảnh cưới đến buôn quần áo em bé. Nên giờ Chí Trung đã có thể tự hào: “Tớ giàu nhất trong những người nghèo!”.
Chí Trung không bao giờ ngồi yên. Ðó là điều mọi người nhớ về anh ở cương vị trưởng đoàn kịch II và nay là phó giám đốc phụ trách cả bốn đoàn của Nhà hát Tuổi Trẻ. Nếu Chí Trung không ở nhà hát dựng vở, tập kịch thì cũng đang bận đi “giao du” với các doanh nghiệp để xin tài trợ biểu diễn cho đoàn diễn. Nếu Chí Trung không đang chạy show diễn hài, quay tiểu phẩm, đóng phim thì cũng đang bận đi chào mời bán vé cho các đơn vị, công ty có nhu cầu xem kịch. Hoặc nếu giờ giải lao giữa các cảnh diễn mà không thấy Chí Trung đâu thì chắc chắn anh đang lăng xăng chỗ hậu đài để cầm micrô đọc thông báo lịch diễn tiếp theo với giọng điệu của một... MC đám cưới. Vậy nên anh em nghệ sĩ trong đoàn kịch của anh lúc nào cũng có việc để làm, nhà hát của anh luôn đỏ đèn kể cả trong những năm đìu hiu nhất của sân khấu miền Bắc.
Khi Chí Trung làm kịch “tử tế”
Những ngày tháng 9 năm 2013 cả Hà Nội như phát sốt trong những đêm kịch Lưu Quang Vũ nhân kỷ niệm 25 năm ngày mất của nhà thơ, nhà biên kịch tài hoa này. Khán giả được sống lại trong cái cảm giác xem kịch mà như xem đời, từng phút giây của vở diễn cứ như từng thời khắc của lịch sử với những được, mất, buồn, vui. Chí Trung cũng “run rẩy” góp phần vào dòng chảy hoài niệm một thời bằng vở kịch Mùa hạ cuối cùng, một kịch bản mà theo anh là vẫn còn nguyên tính thời sự.
Chí Trung không chỉ là một diễn viên nổi tiếng ở vai hài mà còn là người thành công với những vai nghiêm túc, chính luận. |
Từng tham gia diễn xuất trong bản dựng xuất sắc năm 1980 của NSND Phạm Thị Thành nên điều làm Chí Trung sướng như tiên là sau khi xem xong bản dựng của mình, NSND Phạm Thị Thành bảo: “Mày làm hay hơn cô!”. Và điều bất ngờ hơn là Chí Trung được trao giải Đạo diễn xuất sắc trong liên hoan này. Hôm đó anh không đến nhận giải vì bận và cũng vì không nghĩ mình sẽ có giải. Ðồng nghiệp trong nghề cũng vốn quen nhìn Chí Trung như một danh hài tếu táo, nên cũng bất ngờ và bảo: “Ối trời, Chí Trung làm kịch tử tế mà xem cũng được nhỉ!”. Chí Trung thì thẳng thắn cho rằng mình làm chính kịch hay hài kịch cũng là để phục vụ khán giả, chứ không chỉ dành riêng cho ban giám khảo hay bạn nghề, cũng không phải làm kịch để... cho oai và cho vui! Trong khi đó, vợ anh lại nghĩ: “Anh Trung không đi nhận giải, tính cách cũng hơi khác người ra phết, chắc nhiều người cho là chảnh lắm đây!”.
Quả thật, trong mắt nhiều người, Chí Trung hay bị xem là người thực dụng, làm nghệ thuật nhưng phải hái ra tiền. Trong mắt báo chí, Chí Trung là một nghệ sĩ khôn ngoan có khả năng dẫn dắt truyền thông. Còn trong mắt vợ, Chí Trung đơn giản là một ông chồng thông minh và hơi khác người. Riêng Chí Trung thì nói thẳng: “Tôi là người đắm chìm trong sân khấu, nhưng sân khấu đó phải có lợi nhuận. Tôi tin rằng việc xây dựng giấc mơ sân khấu bằng tiền tốt hơn bằng mồm”.
Trở lại Sài Gòn lưu diễn sau tám năm trời và làm sao để trụ lại trong vòng một tháng, Chí Trung bảo cứ giống như “vợ chồng lâu ngày mới gặp, lòng đầy nghi ngại!”. Từ sáng đến tối anh cứ ôm điện thoại chờ người ta gọi điện đặt vé, rồi lại vội vã đi lo “dụ” các công ty, doanh nghiệp mua vé tập thể cho nhân viên đi xem. Có lẽ nhờ vậy nên phần lớn các suất diễn ở Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh đều đã kín chỗ. Chí Trung tự tin vì lần này mình mang kịch Lưu Quang Vũ vào và chắc chắn vẫn có rất nhiều lớp khán giả vốn chìm sâu trong lòng thành phố sẽ ra khỏi nhà để đi xem một vở kịch tử tế. Hoặc cũng có thể họ tò mò đến xem Chí Trung “lần này làm được gì”, rồi cũng sẽ có dạng khán giả được tặng vé thì đi cho đỡ phí!
Chí Trung thực tế đến mức tỉnh bơ trước mọi chuyện, bởi với anh điều quan trọng không phải là chuyện người khác nhìn nhận mình thế nào, mà quan trọng là mình, gia đình mình và nhà hát mình đang tồn tại.
Chí Trung rất thích làm thơ con cóc để đưa lên Facebook. Thơ của anh nhiều khi trúc trắc ngược ngạo nhưng vẫn đủ sự tếu táo đáng yêu. Bài thơ về chuyến lưu diễn Sài Gòn (từ ngày 16 đến 19/12/2014) như sau:
Chạy long sòng sọc suốt hôm nay/ Bù lại vé bán, khách đủ đầy/ Sài Gòn đã nắng, càng thêm nóng/ Kịch Lưu Quang Vũ, đượm men say!/ Hàng hiếm của showbiz Việt
Chí Trung - Ngọc Huyền được xem là hình mẫu gia đình hạnh phúc hiếm có của showbiz Việt. Chí Trung khoái chí bảo: “Ðến bây giờ vẫn chưa bỏ nhau là quá giỏi!”. Ngọc Huyền thì tỉ tê: “Chúng tôi cũng cãi nhau suốt, hồi xưa mỗi lần như thế vì sợ mẹ chồng buồn nên cả hai kéo ra đường... cãi. Ðến khi xong xuôi thì mỗi người lấy một cây tăm ngậm vào mồm về nhà bảo với mẹ là... mới đi ăn hàng! Nhưng vượt lên trên tất cả thì vẫn là một tình yêu đằm thắm đi qua những thử thách của năm tháng”.
Ngọc Huyền cũng tự nhận Chí Trung béo lên là do lỗi của mình, vì chị thích nấu nướng nên bữa ăn nào cũng làm thịnh soạn như đãi tiệc, Chí Trung ăn mãi rồi béo lên lúc nào không hay, đến khi nhận ra thì đã quá muộn, thấy cũng tội mà thôi cũng kệ!
Xem thêm:
NSƯT Chí Trung: Vợ chồng là “bạn đời” đúng nghĩa, khác chăng là được quyền ngủ cùng nhau
Tùng Dương: Tôi đã giật mình vì ca từ rất phản cảm của Sơn Tùng trong bài hát
Đức Phúc: “Cô Mỹ Tâm từng phải hủy bay và nhiều lần quên ăn cơm
NSND Trần Hiếu kể về người vợ kém 20 tuổi của mình
Theo Zing.vn