Nữ tiến sĩ nghiên cứu keo cầm máu đươc UNESCO vinh danh

(Ngày Nay) - Ngày 21/3, tại Thủ đô Paris (Pháp), Tiến sĩ trẻ Nguyễn Thị Hiệp, giảng viên Bộ môn Kỹ thuật Y sinh của Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đã được vinh danh tại Lễ trao giải thưởng Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học của Quỹ L'Oréal và UNESCO. Đây là lần thứ hai Việt Nam được trao giải này.
Đại sứ Trần Thị Hoàng Mai chúc mừng Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp
Đại sứ Trần Thị Hoàng Mai chúc mừng Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp

Để được đề cử tham gia ứng cử giải quốc tế của L'Oréal và UNESCO, các ứng cử viên phải có giải thưởng quốc gia và có công trình nghiên cứu nổi bật để xét ở cấp độ quốc tế. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp đã được trao giải quốc gia "Nhà nghiên cứu khoa học nữ tài năng năm 2016 của L'Oreal - UNESCO" với đề tài mang tính phát hiện về titanium implant - hiện là vật liệu tốt nhất trong nha khoa phục hồi. Năm 2017, chị tiếp tục giành giải nhất cuộc thi Giải thưởng khoa học ASEAN - Mỹ vì có những nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh.

Chia sẻ về đam mê theo đuổi công việc nghiên cứu, chị cho biết: "Giống như trong quá trình nghiên cứu rồi đi thi ở ASEAN, tôi luôn đặt câu hỏi là làm thế nào để giúp người dân ở vùng nông thôn có thể tự chữa vết thương trong trường hợp chưa thể đến bệnh viện kịp thời. Do đó tôi tập trung vào nghiên cứu những vật liệu sinh học như keo sinh học, băng gạc hay dụng cụ tiêm không kim. Cần phải có những giải pháp hay cách cứu chữa kịp thời, để xử lý nguy cơ máu chảy ồ ạt. Thực tế cho thấy, người dân ở nông thôn không biết cách khâu vết thương vì vậy cần phải có cách nào đó để cầm máu tức thì. Trong trường hợp đó, họ có thể mua keo cầm máu để ở nhà và dùng khi cần thiết, sau đó đến trạm xá hay bệnh viện để chữa. Yêu cầu đặt ra là loại keo dán này phải tương hợp sinh học, tốt cho cơ thể như một loại mô của cơ thể và chống lại vi khuẩn cũng như giúp cho quá trình tái tạo hay lành vết thương nhanh hơn".

Nữ tiến sĩ nghiên cứu keo cầm máu đươc UNESCO vinh danh ảnh 1Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp nhận giải cùng 14 nhà khoa học nữ từ năm châu lục

Đây là hai loại bột, khi đổ vào môi trường nước, tạo thành một loại keo và khi đắp vào vết thương có thể làm cho máu ngừng chảy. Chị bắt đầu nghiên cứu từ năm 2013 cho đến nay và đã tạo được loại tốt nhất tại phòng thí nghiệm để áp dụng. Kết quả thử nghiệm cho thấy loại keo này có thể dùng để chữa các loại vết thương khác nhau, diệt khuẩn và giảm thời gian tái tạo tế bào. "Cần có các dự án để thử nghiệm trên quy mô lớn, cần sự quan tâm của nhà nước để sản phẩm của tôi được cấp giấy phép và đưa ra thị trường vì rất hữu dụng", chị đề xuất.

Để có thành công như hôm nay, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp vẫn không quên những khó khăn của chị khi mới trở về Việt Nam năm 2012. Chị cho biết: "Đó là một sự do dự rất lớn suốt 6 tháng, vì điều kiện làm nghiên cứu ở nước ta còn nhiều khó khăn mà mình thì lại có hoài bão lớn. Rồi tôi suy nghĩ rằng mình cần bắt đầu từ những công việc cơ bản từ thiên nhiên nên tôi quyết định trở về nước. Từ con số 0, tôi bắt đầu xây dựng lên, cứ thấy gì có thì làm chứ không nhất thiết phải đòi hỏi có những thứ lớn lao. Vì vậy, hai năm đầu rất khó khăn nhưng tôi vẫn quyết tâm làm với suy nghĩ rằng làm khoa học không nhất thiết phải có thiết bị hiện đại mới thực hiện được. Chúng ta phải nhìn vào chung quanh, những thứ rất thiên nhiên, tự nhiên vì có mối liên hệ rất gần giữa thiên nhiên và khoa học, có những thứ rất đơn giản có thể mang lại hiệu quả cao".

Chia sẻ niềm vui tại lễ trao giải, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp nói: "Tôi rất vinh dự khi được nhà nước đề cử tham gia giải thưởng này. Tôi cảm thấy rất vui, tự hào khi biết tin được nhận giải. Vinh dự này cho thấy nền khoa học của Việt Nam ngày nay có thể sánh tầm với nền khoa học của thế giới. Đối với Việt Nam tôi cảm nhận không còn có sự phân biệt nam nữ nhiều lắm, người phụ nữ có thể thực hiện được ước mơ làm nghiên cứu khoa học của mình".

Cũng tại Lễ trao giải 2018, L'Oréal và UNESCO giới thiệu chương trình "Các nhà khoa học nam đối với chương trình vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học" với mục tiêu góp phần cân bằng giới tốt hơn trong khoa học để đạt được sự tiến bộ hiệu quả hơn. Đại diện của Ban Tổ chức cho biết, trong 20 năm qua, phần trăm phụ nữ làm việc trong lĩnh vực khoa học đã tăng khoảng 12%, nhưng vẫn ở mức thấp: có ít hơn 30% các nhà nghiên cứu là phụ nữ. Có một giới hạn vô hình vẫn còn tồn tại vì phụ nữ chỉ nắm giữ 11% vị trí lãnh đạo học thuật ở châu Âu. Và chỉ 3% giải Nobel Khoa học đã từng được trao cho phụ nữ.

Việc không có đủ đại diện là phụ nữ này rất ảnh hưởng đến chất lượng của nghiên cứu khoa học. Thí dụ, các nghiên cứu cho thấy rằng, sự thiếu đa dạng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã dẫn đến sự phát triển của phần mềm tái tạo, hoặc thậm chí phóng đại các khuôn mẫu, đặc biệt là khi có liên quan đến giới tính.

Ông Jean-Paul Agon, Chủ tịch của L'Oréal Foundation cho biết: "Chúng tôi muốn thúc đẩy sự thay đổi theo hướng cải thiện cân bằng giới tính và hiệu quả trong khoa học để giúp nâng cao hiểu biết khoa học vì lợi ích của tất cả và giải quyết tốt hơn những thách thức mà thế giới ngày nay phải đối mặt".

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).