“Bà tên là gì bà?”, tôi hỏi. Bà bước vội hơn rồi gắt giọng: “Hỏi tên làm gì, năm nào giá muối cũng thấp, nhà báo nói hoài có giúp được gì cho diêm dân đâu?”.
Tôi nhìn quanh cánh đồng muối rộng mênh mông, chỉ thấy bóng người lác đác. Dưới chân tôi dòng nước xanh đục lờ đờ trôi trong con mương không được tu sửa. Bốn bên, nhiều đám ruộng nên nứt chi chít như trăm ngàn mảnh chém.
Lời người đàn bà lạnh lùng vọng lại: “Họ bỏ muối làm chuyện khác rồi”.
Đồng ruộng muối mênh mông có vài người lác đác. Ảnh minh họa.
Bỏ muối, ly hương
Những diêm dân của đồng muối Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi có lẽ chưa bao giờ sung sướng an nhàn, nhưng chưa năm nào họ phải bỏ muối tìm sinh kế mới như năm nay. Giá muối bấp bênh, được mùa mất giá, được giá mất mùa là cái điệp khúc lặp lại trong nhiều năm.
“Làm một bao muối 50kg, bán được 30 nghìn, trừ phí vận chuyển còn 27 nghìn. Ổng mà không đau thì tôi vô Phước Tĩnh (Bà Rịa Vũng Tàu) làm cá rồi”, chị Lê Thị Việt buồn rầu nói trong khi vẫn đều tay dập dập cái trang (dụng cụ lao động) xuống nền ruộng.
Chị Việt, 50 tuổi, ở thôn Long Thạnh 1, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ đã làm muối ở đây từ tấm bé. Lớn khôn nhờ muối, cưới chồng cũng làm nghề muối. Thế nhưng 4 đứa con lớn lên chẳng ai theo nghề, hai con gái đã lấy chồng, còn hai con trai đã đi bạn (đi biển làm thuê).
Chỉ còn hai vợ chồng bám lấy 6 đám ruộng muối với diện tích tổng cộng 2 sào. Năm nào cũng vậy, cứ hết Tết là hai vợ chồng ngó lên trời trông mau nắng tranh thủ làm.
Vậy mà bây giờ, họ xuống đồng như một sự bất đắc dĩ. Năm ngoái anh Nguyễn Văn Chung, chồng chị Việt bị bệnh áp xe phổi, tiền chữa trị gần 100 triệu đồng. Sức anh bây giờ còn yếu, chị chẳng yên lòng đi xa.
Trên đồng muối Sa Huỳnh, chỉ thấy những người trung niên tầm 40-50, trong những bộ quần áo lao động cũ kĩ, và cái nón cời tả tơi. Những người hoặc vướng bận chồng con, hoặc vì tuổi cao, sức yếu, ngại thay đổi ở lại. “Cứ 10 đám muối thì có 5 đám muối bỏ không”, anh Chung nói. Chủ nhân của những đám muối “hoang” ấy , giờ này đang làm phụ hồ, hoặc làm cá dưới cảng Sa Huỳnh, hoặc vào Sài Gòn ở mướn, bán hủ tiếu…
Nhiều cặp vợ chồng khi con cái đều trưởng thành, cũng vào Sài Gòn mưu sinh, như vợ chồng ông Nguyễn Tấn Diệp và Trần Thị Kim Vân vào đó bán hủ tiếu. Ngôi nhà họ để lại trên QL1A thường đóng cửa im ỉm. Bà Võ Thi Thanh (83 tuổi), mẹ ông Diệp đang ở cùng đứa cháu trai 22 tuổi trong căn nhà rộng thênh thang ấy. Bà Thanh thều thào: “Tụi nó vô Sài Gòn, kêu tui theo, tui ở phố 1 năm không quen nên đòi về. Thằng cháu ở trỏng 7 năm rồi phải về theo tui”.
Thằng cháu 22 tuổi của bà, vai u thịt bắp, niềm nở tiếp khách, vui vẻ kể: “Em cũng chán Sài Gòn rồi. Ở quê em làm nghề đóng tàu, dưới biển”. Tất nhiên thằng cháu cũng không làm nghề muối. Cái ruộng nhượng lại cho bà cô, vừa làm muối vừa làm nghề nấu đám cưới.
Trên đồng muối Sa Huỳnh, chỉ thấy những người trung niên tầm 40-50, trong những bộ quần áo lao động cũ kĩ. Ảnh minh họa.
Đức Phổ nổi tiếng với nghề hủ tiêu, người ta bảo nếu ăn hủ tiếu ở Sài Gòn thì đến 90% là hủ tiếu của dân Đức Phổ. Những người bỏ nghề muối ly hương, có thể sẽ là chủ 1 quán hủ tiếu nào đó bạn vô tình ghé vào.
Nghịch lý thừa - thiếu
Theo thống kê của phòng nông nghiệp huyện Đức Phổ, đồng muối Sa Huỳnh có tổng diện tích 117 ha với 557 hộ/2400 lao động nghề muối. Sản lượng muối mỗi năm đạt khoảng 9,10 nghìn tấn, tồn khó mỗi vụ lên đến hơn 50%. Năm ngoái, sản lượng muối đạt 10 nghìn tấn, trong đó có 3,5 nghìn tấn tồn kho.
Chớ trêu ở chỗ, bên cạnh đồng muối là nhà máy muối Sa Huỳnh. Nhưng hoạt động được 1 thời gian thì giải thể, trong thời gian hoạt động cũng it mua muối của diêm dân vì chê chất lượng thấp.
“Hiện tại giá muối trong nước vẫn ở mức thấp, dao động trên dưới 1 nghìn đồng/kg, nếu bộ Công thương cho nhập khẩu 170 nghìn tấn muối vào lúc này thì diêm dân sẽ khổ, thất nghiệp sẽ tràn lan”, tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn năm 2010 dẫn lời ông Đoàn Xuân Hòa, Cục phó Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối, bộ NN&PTNT để đưa ra nhận định trên.
6 năm sau, diêm dân thất nghiệp không còn là nguy cơ mà là một thực tế. Một điều nghịch lý với một đất nước có đường bờ biển dài 3.260 km. Cũng như nghịch lý đã tồn tại nhiều năm, Việt Nam phải nhập muối trong khi muối của diêm dân thì ế, nguyên nhân do muối sản xuất thủ công, năng xuất, chất lượng thấp.
Nghịch lý ấy sẽ vẫn tồn tại, và diêm dân thì không đủ sức để giải quyết một mình. Thái độ của người đàn bà không tên kia thể hiện sự mệt mỏi khi không còn đủ kiên nhẫn với chính sách. Tháng 9 năm 2015, Bộ NN & PTNN đề xuất tại dự thảo Nghị định về sản xuất và kinh doanh muối. Số phận cái dự thảo ấy không biết giờ ra sao?
Trong khi đó, những diêm dân ở lại ruộng muối chỉ trông chờ năm nay giá muối sẽ tăng khi nguồn cung giảm hoặc ôm mộng vào Nam. Dòng người tham gia vào cuộc ly hương ấy, không chỉ là chuyện của ngành muối, mà có thể là sẽ là những nhân tố góp phần cho bài toán áp lực dân số ở các đô thị lớn càng thêm rắc rối.
Phạm Linh