Ông Đoàn Hiếu Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Ngũ Phúc Đường là doanh nhân khá nổi tiếng từ những năm 2000. Ông Minh là người đầu tiên đưa thương hiệu Rolls Royce về Việt Nam. Sau 7 năm kinh doanh dòng ô tô siêu sang, ông bắt tay vào xây dựng thương hiệu mới - Ngũ Phúc Đường. Khởi nghiệp giữa thời điểm dịch bệnh bùng phát dữ dội nhưng ông Minh tự tin sẽ thành công với những sản phẩm hỗ trợ, bảo vệ sức khỏe cho người Việt.
__________________
Năm 2000, tốt nghiệp Đại học Mỏ Địa chất, Minh đã được rất nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội đến xin về đơn vị của mình. Nhưng có lẽ máu kinh doanh đã ngấm quá sâu, nên Minh không chọn đi làm ở doanh nghiệp nhà nước mà tự đi con đường của mình.
Bỏ ra ngoài làm thuê, tự kinh doanh sẽ khiến tấm bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành Khai thác hầm lò bị bỏ phí, nhưng cha của Minh không trách móc cũng không gò ép.
Ông luôn ủng hộ và thấy vui khi con mình bộc lộ tố chất kinh doanh từ khá sớm, trình độ tổ chức, xây dựng mạng lưới, tự tạo các mối quan hệ để kinh doanh cũng "không phải dạng vừa".
Năm 2013, Minh lập công ty Regal Motor Cars và trở thành đơn vị phân phối Rolls-Royce chính hãng đầu tiên tại Việt Nam. Sau 7 năm kinh doanh dòng xe siêu sang này, tuy đạt được những thành quả khá tốt nhưng nhận thấy cơ hội phát triển không còn, doanh nhân này quyết định dừng lại để chuyển sang một lĩnh vực mới.
"Điều khiến tôi tâm đắc nhất khi làm xe đó là mang đến trải nghiệm thật nhất cho cộng đồng. Còn nói về lợi ích cá nhân thì không lãi đâu, chi phí duy trì thương hiệu Roll-Royce rất cao, trong khi thị trường Việt Nam chưa phát triển đủ nhanh, cộng với thuế và nhiều rào cản khác khiến doanh số bán sản phẩm không đạt như kỳ vọng.
Nhưng làm xe cũng đem tới cho tôi rất nhiều mối quan hệ xã hội. Khi khách hàng mua một cái nhà, chưa chắc họ sẽ chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp, nhưng khi khách hàng đã bước chân vào Rolls-Royce thì chúng tôi đồng điệu và chia sẻ nhiều hơn với nhau từ công việc, dự án tới chuyện gia đình", ông Minh chia sẻ.
Nghỉ Rolls-Royce, ông Minh bắt tay ngay vào dự án mới của mình. Gia đình anh rất ủng hộ việc kinh doanh những sản phẩm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, tăng sức đề kháng cho người dùng.
Lý do của việc ủng hộ này của toàn thể gia đình, theo ông Minh: “Cả nhà tôi đã từng trải qua những ngày tháng rất ám ảnh, hoảng loạn và tuyệt vọng khi tìm mọi cách chữa bệnh cho con gái. Không nói về lợi ích kinh tế, việc kinh doanh các sản phẩm sức khỏe đem đến cho tôi các giá trị nhân văn. Chỉ khi bản thân tôi từng trải qua cảm giác có người thân từng đứng giữa ranh giới sinh tử thì mới thực sự thấu hiểu ý nghĩa của việc mình đang làm."
Tháng 2 năm 2010, bé gái một tháng tuổi con của ông Minh không may bị viêm phổi. Sau khi chữa xong viêm phổi, con gái vẫn không thở được, sau khi nội soi thì các bác sĩ xác định là do bệnh u máu trung thất. Trong trung thất của bé có những cục máu đông rất nhỏ, bám chặt vào đường thở và phát triển không ngừng, khiến việc hô hấp rất khó khăn, đây là một ca bệnh rất hiếm gặp trong nước.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương sau đó đã hội chẩn với các bác sĩ Pháp và quyết định cho cháu sử dụng một loại thuốc đặc trị của Pháp. Nhưng theo lời các bác sĩ, loại thuốc này không hoàn toàn giúp con gái khỏi bệnh, không những vậy, dùng thuốc đặc hiệu sẽ khiến bệnh nhân gặp phản ứng phụ nguy hiểm như bị teo cơ, bị đi ngoài.
Đứng giữa ranh giới quá mong manh, ông Minh và gia đình không còn lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận ký vào "sinh tử trạng" để các bác sĩ cứu con mình. Nhưng đúng như dự liệu, sau khi truyền thuốc, chỉ sau một ngày con gái xỉu dần vì cơ thể yếu ớt của cháu không chịu được phản ứng, các bác sĩ buộc phải chuyển sang khoa Hồi sức Cấp cứu.
Nằm ở khoa Hồi sức tích cực, là khoa trọng điểm được bác sĩ đầu ngành chăm sóc cùng sự hỗ trợ tối đa của máy móc hiện đại, nhưng vì hầu hết tại đây là các ca bệnh nặng nên các gia đình sẽ luôn phải xác định tâm lý có thể sẽ phải mất con bất cứ lúc nào. Ông Minh bảo đó là chuỗi phải thử thách tâm lý, căng thẳng thần kinh tới mức cực độ.
Ông kể lại chuỗi ngày sống trong lo lắng của mình: "Các bác sĩ cũng chỉ bảo chỉ còn cách sang Mỹ điều trị. Tại Mỹ thời điểm đó đang có công nghệ điều trị bằng laser lạnh, làm các cục máu đông không phát triển nữa. Nhưng một đứa trẻ mới một tháng tuổi làm sao có thể sang Mỹ được.
Thực sự tôi rất tuyệt vọng. Các bác sĩ cũng nói, đã cố gắng hết sức rồi. Tôi bắt đầu phải xác định tư tưởng, mình sẽ không cứu được con. Nhưng người ta nói, còn nước còn tát. Với lại lúc đó tôi lo nếu cứ để con lại khoa Hồi sức tích cực, nơi có rất nhiều bệnh nhân, rất nhiều loại bệnh, con mình mới có hơn 1 tháng tuổi, nếu bị lây chéo thì không có cách gì cứu được nữa.
Vậy là tôi tìm cách chuyển cháu sang một nơi tốt hơn. Quá may mắn, tôi được giới thiệu cho một bệnh viện tại Singapore, bệnh viện này từng có kinh nghiệm chữa cho 3 ca bệnh giống con mình. Khi nghe tới đó, tôi như không tin vào tai mình, vì sau bao nhiêu ngày mới thực sự nghe được thông tin đầy lạc quan, hy vọng như vậy. Nhưng để chuyển con bé sang Singapore cũng là vấn đề lớn. Gia đình tôi bắt buộc phải thuê một ekip bác sĩ từ Singapore tới Hà Nội để tính phương án đưa con mình sang đó điều trị.
Họ sang Việt Nam chỉ với một tác vụ đó là luồn ống thở cho con mình, một động tác chỉ tốn 2 phút nhưng các bác sĩ đã phải chuẩn bị mất 3 tiếng đề phòng trường hợp khi luồn ống thở có thể gây vỡ các cục máu đông, buộc phải phẫu thuật cứu sống con tôi và tỷ lệ thành công là 50/50. Gia đình tôi lại phải đứng trước một ranh giới sinh tử khác và chấp nhận ký vào giấy cam kết chấp nhận rủi ro. Rất may là việc luồn ống thở thành công và không gặp một trở ngại nào.
Sau khi xử lí cơ bản tại Việt Nam, con tôi được đưa đến Singapore. Tại bệnh viện, tôi được gặp bác sĩ phụ trách điều trị và hệt như người chết đuối vớ được cọc khi nghe nghe cậu bác sĩ trẻ măng ấy nói chỉ mất 9 ngày, con tôi sẽ có thể rời khỏi phòng điều trị tích cực. Tôi có chút nghi ngờ, hỏi tại sao bác sĩ lại nói thế? Ở Việt Nam, con tôi cũng được hội chẩn bởi các bác sĩ Pháp và người ta bảo khó mà giải quyết được, bác sĩ lại bảo trong 9 ngày. Anh ấy liền mở Iphone cho tôi xem ảnh những ca bệnh đã chữa xong.
Qua cách giải thích của bác sĩ thì tôi có thể hiểu, đối với tây y có hai trường phái, một là trường phái của Châu Âu, hai là trường phái của Mỹ, thì Singapore theo trường phái của Mỹ. Còn Việt Nam và một số quốc gia khác áp dụng theo trường phái của Pháp, hai trường phái đó khác nhau về việc ứng dụng các tiến bộ khoa học y khoa. Và cái thuốc của con mình uống, giúp tan máu đông bám vào đường thở, được bán tại Singapore chỉ có giá 50 đô la Singapore, đủ uống trong một tháng. Sau khoảng 24 tháng dùng thuốc, con tôi đã hết hẳn, và đến nay cháu rất cao lớn, khỏe mạnh."
Tìm hiểu sâu hơn về các sản phẩm chữa bệnh đông máu trên thế giới, ông nhận ra: "Trong đông y cũng có những sản phẩm dược liệu giúp làm tan máu đông rất rẻ. Cho tới khi xây dựng thương hiệu Ngũ Phúc Đường, tìm được cái dược liệu đấy trong sản phẩm, tôi nghĩ ngay tới tình cảnh của mình. Nếu ngày đấy tôi bắt tay làm Ngũ Phúc Đường, có lẽ con tôi không phải chịu khổ lâu đến thế. Vì thế, tình cảm và tâm huyết tôi dành cho Ngũ Phúc Đường rất lớn. Vì tôi đã nằm trong hoàn cảnh là người thân đứng giữa cái sống cái chết, phải chọn lựa đau lòng, mà không phải là không có cách, chỉ đơn giản là cách ấy mình chưa từng biết đến. Khi đã biết rồi, mới thấy nó đơn giản biết chừng nào, rẻ biết chừng nào, ngay trước mắt mình thôi."
Ngũ Phúc Đường – một cái tên nghe như ảnh hưởng từ Trung Quốc, nhưng doanh nhân Đoàn Hiếu Minh cắt nghĩa một cách đơn đơn giản. Ngũ Phúc là năm cái phúc mà dân gian ngàn đời mong ước, đó là Phú - Quý - Thọ - Khang - Ninh, tức là sự thịnh vượng sung túc, vinh hiển giàu sang, bách niên giai lão, mạnh khỏe, phương trưởng và an lành yên ấm. Đưa Ngũ Phúc đến với mọi nhà chính là mong muốn của ông Minh và các cộng sự.
Mặc dù Ngũ Phúc Đường ra mắt thị trường đúng vào giai đoạn dịch bệnh COVID -19 bùng phát dữ dội nhưng ông Minh khẳng định không ngại những khó khăn từ dịch bệnh, bởi người dân đang rất mong muốn có được những sản phẩm thực sự tốt, lành giúp họ nâng cao thể trạng, sức đề kháng.
Trước thực trạng bát nháo của thị trường thực phẩm chức năng, sự hỗn loạn trong nhiều thời điểm của thị trường đông y với vô số các thần y tự phong, cơ sở khám chữa bệnh ba đời online trên mạng, ông chủ của Ngũ Phúc Đường muốn xác xây dựng một thương hiệu khả tín cao, có cơ sở ở tất cả các tỉnh, thành.
Ngoài ra doanh nhân này cũng cam kết sẽ khôi phục một quyền lợi căn bản nhất của khách hàng khi sử dụng sản phẩm sức khỏe, đó là họ được đổi trả, thậm chí được bắt đền nếu không đúng cam kết, không tốt cho sức khỏe.
"Thực ra mình không có gì quá cao xa đâu, tất cả xuất phát từ hành vi người tiêu dùng, mình nghiên cứu nó thôi. Anh mua một cái kính, thấy lỗi, đổi được. Nhưng thử mua sản phẩm cho sức khỏe xem. Miễn, không đổi được. Nhưng sẽ có nhiều người không thấy bức xúc đúng không? Vì sao, vì họ quen rồi.
Bởi vì không bức xúc được nên khách hàng buộc phải quen với điều này. Những người bán hàng thì hầu hết là đi bán thuê mà. Nếu bóc ra rồi là không đổi lại được, khiếu nại đòi trả tiền cũng không bao giờ trả. Ông đi tìm nhà sản xuất ở đâu. Thế có phải chúng ta đang tự ám thị rồi tự bỏ đi cái quyền chính đáng của mình không, đúng chưa?
Ngũ Phúc Đường khôi phục lại quyền đó, bằng cách đứng về phía người mua, khôi phục lại quyền đổi trả, bắt đền. Trên thị trường dược phẩm, thực phẩm chức năng hiện không có bất kỳ ai, doanh nghiệp làm điều đó, ở thời điểm này. Vì sao không dám làm, vì nếu hàng không tốt thì tỉ lệ đổi trả bắt đền cao. Tỉ lệ bắt đền cao thì chủ hãng sập tiệm thôi.
Bài: Việt Hoàng - Huy Vũ - Diệu Linh
Thiết kế: Thúy Hà