PGS.TS Nguyễn Thị Hiền: Bà đỡ mát tay của các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền: Bà đỡ mát tay của các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

Cơ duyên với việc lập hồ sơ di sản trình UNESCO được PGS.TS Nguyễn Thị Hiền tổng kết giản dị thế này: “Vốn là dân văn lại có hơn chục năm du học, việc viết với tôi không có gì khó khăn cả. Từ dịch rồi chấp bút và sau này điều hành, tôi cứ thế làm từ đó”.

* * * * *

Thật vậy, kể từ năm 2006, gần chục hồ sơ đã qua tay bà để rồi phần đa trong số đó trở thành những danh xưng được thế giới biết đến như Dân ca Quan họ Bắc Ninh; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Hội Gióng; Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và Nghệ thuật Xòe Thái, và sắp tới là Nghề làm tranh Dân gian Đông Hồ.

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền: Bà đỡ mát tay của các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh ảnh 1

Xuất thân là giảng viên Khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp (nay là ĐH KHXH&NV), đến năm 1996, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền nhận học bổng của Viện Harvard-Yenching để theo học chương trình thạc sĩ và tiến sĩ về Văn hóa Dân gian tại Đại học Indiana (Mỹ). Sau chín năm học tập và tu nghiệp, bà về nước, công tác tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

“Thời gian tôi về Viện trùng với giai đoạn hai làm hồ sơ ghi danh Quan họ Bắc Ninh. Có lợi thế ngoại ngữ, lại được ban lãnh đạo tin tưởng, tôi tham gia công tác dịch thuật ra tiếng Anh và chỉnh sửa hồ sơ”, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền nhớ lại nguyên do gắn kết bà với công việc xây dựng hồ sơ ghi danh di sản văn hóa phi vật thể buổi ban đầu.

Với bản tính là người chỉn chu, cẩn thận, làm gì cũng nghiên cứu đến khi ra vấn đề, trong nhiều năm liền, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền bỏ tâm huyết tra cứu, tổng hợp các tài liệu về hướng dẫn làm hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Đồng thời, bà luôn để tâm quan sát những hồ sơ đã được ghi danh của các quốc gia khác, từ đấy đúc rút cách viết sao cho vừa cô đọng, vừa tinh tế, lại thể hiện đầy đủ tinh thần Công ước 2003 về Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể.

Theo đó, để một di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh, quốc gia thành viên phải chuẩn bị hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO thẩm định. Hồ sơ phải trả lời và đáp ứng tốt các tiêu chí ghi danh về nhận diện, ý nghĩa và giá trị văn hóa xã hội của di sản, cũng như vai trò của cộng đồng, nhà nước trong quá trình bảo vệ di sản, góp phần vào đảm bảo tầm nhìn về di sản văn hóa phi vật thể của thế giới và tôn trọng sự đa dạng văn hóa. Để làm được những điều trên, người lập hồ sơ phải giải thích cho thế giới hiểu về di sản của nước mình, đảm bảo cung cấp đầy đủ, đáp ứng các tiêu chí ghi danh. Những tiêu chí này được giới hạn trong một số lượng từ nhất định, khoảng 150 đến 750 từ tùy nội dung.

Chính vì giới hạn chặt chẽ đó, để thỏa mãn tiêu chí ghi danh, người chấp bút hồ sơ phải viết đi viết lại rất nhiều lần. Ví dụ, với tiêu chí về mô tả, nhận diện Nghệ thuật Xòe Thái bằng 250 từ, ban đầu PGS.TS Nguyễn Thị Hiền phải viết 500 từ bằng tiếng Việt. Sau đó đưa ra Hội đồng chuyên môn với sự tham gia của đại diện cộng đồng và Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia xin ý kiến, chỉnh sửa, cắt gọt còn khoảng 300. Từ đây, bà dịch ra tiếng Anh ở mức 270 từ rồi chuyển cho người bản ngữ hiệu đính. Hiệu đính về, bà xem lại một lần nữa, cắt những từ không cần thiết để cuối cùng thành quả là phần trả lời súc tích nhưng vẫn đủ ý nghĩa để các chuyên gia hiểu Xòe Thái là gì.

“Làm hồ sơ căng thẳng nhất khâu này vì cần tỉ mẩn từng chữ. Đôi khi một lỗi diễn đạt, làm trái với tinh thần Công ước cũng làm trượt cả hồ sơ và nhiều nước đã rơi vào trường hợp này. Như Campuchia từng đệ trình hồ sơ về võ thuật cổ truyền, nhưng do diễn đạt sai, thay vì nói võ để tự vệ trước con người, họ lại chuyển ngữ thành “chống lại loài người”. Thế là trượt”, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền kể. Ngoài ra, còn rất nhiều tiểu tiết khác mà nếu không có cái nhìn bao quát thực tế, không nắm rõ Công ước, thì rất dễ vi phạm “cấm kỵ” của UNESCO.

Cũng theo nhận xét của bà, quá trình làm hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái, di sản mới nhất của Việt Nam vừa có tên trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, rất nhanh chóng và thuận lợi. Phần do Nghệ thuật Xòe Thái vốn đậm đặc tinh thần Công ước 2003. Phần nhờ cộng đồng người Thái có ý thức bảo vệ di sản rất tốt, các nghệ nhân không chỉ truyền dạy mà còn xây nhà sàn phục vụ trình diễn, dạy tiếng Thái cho thế hệ trẻ. Một điều đáng nói khác, hồ sơ Xòe Thái hiện đang là hồ sơ di sản phi vật thể duy nhất của Việt Nam nhận được lời khen là “một hồ sơ tốt” trong Quyết định chính thức ghi danh của Ủy ban Liên chính phủ.

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền: Bà đỡ mát tay của các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh ảnh 2
PGS.TS Nguyễn Thị Hiền: Bà đỡ mát tay của các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh ảnh 3

Để chuẩn bị cho việc xây dựng một hồ sơ, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền phải đọc tất cả tài liệu từng nghiên cứu về di sản ấy. Thế nhưng vẫn có trường hợp để tìm 250 từ mô tả, nhận diện di sản theo tinh thần Công ước 2003, sách vở là chưa đủ, bà buộc phải lặn lội về địa phương để phỏng vấn.

Câu chuyện đáng nhớ nhất bà chia sẻ là hành trình đi tìm mô tả cho Ví Giặm. Trước đó, nhiều nhà nghiên cứu kỳ cựu ở Việt Nam từng làm về đề tài này, nhưng các công trình chủ yếu nghiên cứu ngôn từ, âm nhạc, còn khía cạnh văn hóa phi vật thể chưa được quan tâm. Nên khi cần viết 250 từ mô tả, bà nhận ra nếu viết chung chung, Ví Giặm cũng sẽ như những dân ca khác. Vậy là bà quyết định vào Nghệ An, Hà Tĩnh, phỏng vấn những nghệ nhân, nghệ sĩ và người dân sinh sống nơi đây.

Đã có nhiều đáp án được đưa ra. Cuối cùng, đến khi gặp NSND Hồng Lựu, nhận được câu trả lời: “Ví Giặm khác Quan họ ở thanh điệu, điệu thức, tiết tấu, giai điệu và chất giọng riêng có của phương ngữ. Tiếp theo là sự đầm ấm, tình cảm, thiết tha đặc trưng của xứ Nghệ”, bà mới thở phào biết đây là thứ mình cần. “Nhiều người thắc mắc âm nhạc, nghệ thuật trình diễn không phải lĩnh vực nghiên cứu của tôi thì làm hồ sơ thế nào? Thực ra, hồ sơ không đặt nặng vấn đề chuyên môn mà trọng tâm ở các khía cạnh phi vật thể và bảo vệ di sản. Trong 5 tiêu chí của Công ước 2003, cũng chỉ có một phần nhỏ về chuyên môn sâu gắn với việc nhận diện di sản thôi”, bà giải thích.

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền: Bà đỡ mát tay của các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh ảnh 4
PGS.TS Nguyễn Thị Hiền: Bà đỡ mát tay của các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh ảnh 5

Cách đây 5 năm, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền đã trở thành người Việt Nam đầu tiên được bầu vào Hội đồng Thẩm định, Công ước 2003 nhiệm kỳ 2017-2020. Hội đồng gồm 12 chuyên gia đại diện các châu lục do Ủy ban Liên chính phủ bầu theo hình thức bỏ phiếu kín. Đây là những người có thẩm quyền đề xuất ghi danh một di sản vào các Danh sách đại diện, khẩn cấp, chương trình phản ánh thực hành tốt và xin tài trợ Quỹ Di sản Văn hóa phi vật thể UNESCO trên 100.000 đô la Mỹ.

Cơ duyên góp mặt trong hội đồng của bà diễn ra vào thời điểm chiếc ghế của chuyên gia đại diện châu Á – Thái Bình Dương chuẩn bị được thay thế vào năm 2016. Nhận diện đây là cơ hội nâng tầm ảnh trưởng trên trường quốc tế, phái đoàn thường trực của Việt Nam và UNESCO ở Paris đã đề xuất PGS.TS Nguyễn Thị Hiền vào vị trí này. Được “chọn mặt gửi vàng”, bà đồng ý với suy nghĩ muốn góp sức tăng cường sự hiện diện của Việt Nam trong các vị trí quốc tế. Điều này thể hiện sự bình đẳng của chúng ta với bạn bè quốc tế, cho thấy Việt Nam có tiếng nói, có chuyên môn, có thể nêu ý kiến về các vấn đề liên quan đến hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể nói riêng và Công ước 2003 nói chung.

Danh sách đề cử lúc đó gồm ba ứng viên là chuyên gia Việt Nam, Thái Lan và Iran. Đến khi bầu chọn, có 24 nước trong Ủy ban Liên chính phủ thì tới 22 lá phiếu đều dành cho bà. Chiến thắng thuyết phục được lý giải không chỉ bởi PGS.TS Nguyễn Thị Hiền có kinh nghiệm dày dặn trong công tác làm hồ sơ di sản, mà hình ảnh của bà đã trở nên nổi bật với UNESCO cùng các chuyên gia qua lý lịch sáng láng với hai chương trình sau tiến sĩ ở Mỹ, cộng thêm nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và hoạt động liên quan đến di sản.

Từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc nhiệm kỳ, mỗi năm bà và các chuyên gia đều chấm trên 50 hồ sơ. Hội đồng bắt đầu làm việc từ tháng 3 đến tháng 6 trên một nền tảng trực tuyến của UNESCO rồi mới tập trung để thảo luận tiêu chí từng di sản. Đến lúc này hầu như đã rõ hồ sơ nào được thông qua. Từ tháng 6 đến tháng 9 là thời gian người chấp bút báo cáo thẩm định cho Ủy ban Liên chính phủ hoàn thiện dự thảo. Cuối tháng 9, hội đồng họp chốt lần cuối trước khi công bố trên trang mạng UNESCO trong tháng 11. Kể từ tháng 12/2020, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền đã kết thúc nhiệm vụ tại Hội đồng thẩm định.

Với quá trình thẩm định hàng trăm hồ sơ vừa qua, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng một bộ hồ sơ tốt. Đây là tri thức vô cùng quý báu để bà tiếp tục truyền đạt, tư vấn trong công tác xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, đáp ứng các tiêu chí ghi danh của UNESCO. Hiện bà cũng đang là giảng viên phụ trách ngành Di sản của Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQGHN.

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền: Bà đỡ mát tay của các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh ảnh 6

Bài: Nguyệt Linh

Thiết kế: Mẫn San

TIN LIÊN QUAN
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.