Phát huy không gian trưng bày Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ngày 24/8, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Musée Khải Định - Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương tặng bằng khen cho tập thể có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá cố đô Huế - Ảnh: VGP/Nhật Anh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương tặng bằng khen cho tập thể có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá cố đô Huế - Ảnh: VGP/Nhật Anh.

Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế (Bảo tàng) được thành lập năm 1923 với tên gọi ban đầu là Musée Khải Định (Bảo tàng Khải Định) - một trong những bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam. Điện Long An, nơi trưng bày chính của Bảo tàng là một trong những tòa kiến trúc cung đình đẹp nhất Việt Nam ngày nay, theo kiểu nhà kép (trùng thiềm điệp ốc) được trang trí rất tinh xảo với các chi tiết chạm trổ, khảm cẩn xương, ngà, xà cừ…

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, ngày 17/8/1923, Hoàng đế Khải Định đã ban hành chỉ dụ cho phép thành lập ở kinh đô Huế một bảo tàng, lấy tên là Musée Khải Định. Chỉ dụ ghi rõ: "Tài năng của một dân tộc đều được thể hiện bằng những sản phẩm mỹ thuật, chúng là sự phản ánh đời sống xã hội, lễ nghi chính trị của dân tộc đó và là hình ảnh linh hồn của dân tộc đó". Đây là dấu mốc cho sự ra đời của Musée Khải Định, một trong những bảo tàng được thành lập sớm nhất tại Việt Nam.

Trải qua biến thiên của lịch sử, Bảo tàng đã nhiều lần thay đổi tên gọi: Tháng 8/1945, vua Bảo Đại thoái vị, Bảo tàng Khải Định trực thuộc sự quản lý điều hành của Ủy ban Hành chính Trung Bộ. Đầu năm 1947, thực dân Pháp tái chiếm thành phố Huế, Bảo tàng Khải Định được đổi tên thành Tàng Cổ viện và trực thuộc sự quản lý của Viện Văn hóa Trung Việt. Từ năm 1958, đổi tên thành Viện Bảo tàng Huế. Từ năm 1979 đổi tên thành Bảo tàng Cổ vật Huế. Từ năm 1995 đổi tên thành Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế và từ năm 2007 đến nay đổi tên thành Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, trực thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế.

Trong 143 năm tồn tại, triều Nguyễn đã để lại trên vùng đất Huế hệ thống thành quách, cung điện, đền đài, lăng tẩm, cùng với đó là hệ thống cổ vật phản ánh đầy đủ các mặt của đời sống cung đình thời Nguyễn. Hiện nay, Bảo tàng là nơi lưu giữ, bảo quản và trưng bày hơn 11.000 hiện vật, trong đó có 8 hiện vật/bộ hiện vật với 33 hiện vật đơn lẻ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Phần trưng bày chính của Bảo tàng được tổ chức tại điện Long An đem đến cho du khách một cái nhìn tổng quan về đời sống của hoàng gia triều Nguyễn.

Các sưu tập của Bảo tàng phản ánh đời sống vật chất, lễ nghi chính trị và tư tưởng của tầng lớp quý tộc, vua quan nhà Nguyễn, thể hiện qua các trang phục cung đình, đồ sứ ngự dụng, đồ tự khí, đồ gỗ trang trí nội thất, các vật dụng dùng trong sinh hoạt và nghi lễ với nhiều loại chất liệu khác nhau, như vàng, bạc, đồng, xương, ngà, pháp lam, gốm sứ, gỗ, vải, giấy…

Đặc biệt, Bảo tàng còn sở hữu khu cổ vật Champa nhằm giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Champa trong nhiều thế kỷ, thể hiện vị trí đặc biệt của văn hóa Champa trong tiến trình hình thành và phát triển những giá trị đặc sắc của văn hóa Huế.

Để hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục lựa chọn đơn vị, cá nhân đủ năng lực, kinh nghiệm tư vấn phương án thiết kế bảo tàng theo hướng khoa học, hiện đại, kiến trúc phải có sự kế thừa truyền thống, hài hòa với tổng thể di tích cố đô Huế theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.

"Không gian trưng bày và bảo quản của Bảo tàng đang gặp nhiều khó khăn, nên công tác phát huy giá trị di sản còn hạn chế. Trong chuyến làm việc tại Huế vào tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã khảo sát tại Bảo tàng và đã giao tỉnh phối hợp với Bộ VHTT&DL nghiên cứu, lập dự án cho Bảo tàng. Đây là cơ sở quan trọng trong việc phát huy giá trị những cổ vật, hiện vật mà bảo tàng đang lưu giữ", Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.

Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cần thực hiện tốt công tác bảo vệ, số hóa hiện vật và nghiên cứu phát huy giá trị của cổ vật; đồng thời tăng cường giao lưu hợp tác với các bảo tàng, các nhà sưu tầm cổ vật trong và ngoài nước để tổ chức trưng bày, triển lãm nhằm quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Huế nói chung và cổ vật của Bảo tàng nói riêng đến với du khách.

Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
(Ngày Nay) - Bà Maye Musk, mẹ của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, là gương mặt tiêu biểu của xu hướng “những người ảnh hưởng bạc” (silver influencer) với thành công trong vượt qua nghịch cảnh và tạo đồng cảm mạnh mẽ tại Trung Quốc. Liệu bà có thể là vũ khí bí mật của tỷ phú Elon Musk tại quốc gia tỷ dân?
Theo thước đo của Liên hợp quốc, các quốc gia có hơn 7% dân số từ 65 tuổi trở lên được coi là xã hội già hóa, trên 14% là “xã hội già,” trong khi trên 20% là “xã hội siêu già." Nguồn: The Korea Times
Hàn Quốc chính thức trở thành xã hội "siêu già"
(Ngày Nay) - Tính đến ngày 23/12, Hàn Quốc có 10,24 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 20% tổng dân số 51,22 triệu người của cả nước, chính thức trở thành xã hội "siêu già theo thước đo của Liên hợp quốc.