Lại tranh cãi phạt ai – ai phạt
Nghị định 171/2013 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) được ban hành, dư luận đã “sôi sục” về việc phạt người tham gia giao thông đội MBH rởm vì cho rằng cơ quan quản lý nhà nước đã đẩy trách nhiệm sang người tiêu dùng, bắt người dân tự phân biệt thật-giả là việc làm hết sức vô lý. Vì vậy, chủ trương này đã được lùi đến ngày 1/7/2014 và vẫn giữ nguyên quan điểm phải phạt người tham gia giao thông đội MBH rởm.
Trước đây, vào năm 2013, khi quy định xử phạt người đội MBH rởm trong Nghị định 171/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt ra đời đã vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều. Và sau đó, Bộ GTVT quyết định rút lại quy định này sau khi đa số ý kiến của người dân đều không đồng tình.
Chẳng khó khăn để có thể phân biệt MBH rởm và MBH đạt chuẩn. Nhưng trách nhiệm đó thuộc về cơ quan quản lý nhà nước lại đẩy sang cho người dân, vậy cơ quan quản lý thị trường sinh ra để làm gì? |
Tuy nhiên, chủ trương phạt MBH rởm sẽ được áp dụng trở lại trong đầu tháng 7 tới đây. Theo đó, từ ngày 15/6, người đi xe máy đội mũ bảo hiểm (MBH) rởm sẽ bị dừng xe để nhắc nhở. Và từ ngày 1/7, các trường hợp đội MBH rởm tham gia giao thông, sẽ bị phạt 100.000-200.000 đồng và bị tịch thu MBH rởm đang đội.
Quy định phạt người đội mũ rởm nếu không làm căng thì đâu lại vào đấy cả thôi.” Ý kiến của độc giả
Chỉ thiệt dân
Nhiều người cho rằng, quy định phạt MBH không có tính khả thi, khi mà việc quản lý thị trường mua bán MBH vẫn còn yếu kém. Việc sản xuất và nhập khẩu MBH giả, rởm, kém chất lượng vẫn còn tràn lan, không kiểm soát.
Một độc giả bức xúc cho rằng, hiện nay, các cơ quan chức năng cần xử lý những doanh nghiệp, cửa hàng trên thị trường buôn bán MBH rởm, không đạt tiêu chuẩn trước. Nếu vẫn để những đối tượng này tồn tại, dân mất tiền mua rồi lại là người chịu phạt. Cuối cùng, người thiệt thòi nhiều nhất vẫn là nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ pháp luật Hình sự- Hành chính (Bộ Tư pháp) cũng băn khoăn chia sẻ, việc người dân có thể phân biệt được đâu là MBH thật, đâu là MBH giả rất khó. Người dân thấy mũ bán rẻ thì mua và tin vào sự giới thiệu của người bán, việc xử phạt người đội mũ bảo hiểm “rởm” sẽ gặp rất nhiều vướng mắc.
Trước những phản hồi của dư luận, một cựu lãnh đạo Ủy ban ATGTQG chia sẻ: "Tôi đảm bảo rằng, chỉ bằng cảm quan thôi, không cảnh sát giao thông nào đi dừng xe, xử phạt người đội những chiếc MBH dày dặn, cứng cáp dù chưa biết nó có phải hàng xịn hay không. Cảnh sát giao thông sẽ nhằm vào những người đội loại mũ mỏng tẹt như mũ phớt vậy. Ai đội loại MBH này, nếu có bị phạt, tôi đảm bảo là không oan ức gì!”.
“Chất lượng MBH rởm là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước chứ không thể bắt người dân phải chịu trách nhiệm được, không thể phạt người dân vì đội MBH rởm hay mũ kém chất lượng. Vì thế, khi phạt người tham gia giao thông không có chuyện phạt vì mũ rởm, mũ kém chất lượng hay mũ không giống MBH... Các loại mũ này không thể phân biệt được, nếu cố phạt thì chỉ có tranh cãi suốt ngày. Trách nhiệm của quản lý thị trường là phải đảm bảo được sản xuất và lưu thông. Tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại tất cả các mức phạt cho hợp lí và các nội dung phạt cần xin ý kiến cụ thể.” - Bộ trưởng Thăng từng chia sẻ với báo chí.
Thiết nghĩ, việc quy định xử phạt MBH rởm là cần thiết để giảm thiểu tối đa những hậu quả không đáng có khi xảy ra tai nạn giao thông. Nhưng bên cạnh đó, phải có những chính sách, quy định cụ thể hơn nữa đi kèm nhằm đảm bảo nguồn gốc, chất lượng MBH để người dân có thể hoàn toàn tin tưởng khi sử dụng.