Tại hội thảo, TS. Nguyễn Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, kể từ đầu năm 2024, Việt Nam đã nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Cách tiếp cận toàn diện này đã thấy những kết quả kinh tế - xã hội khá ấn tượng trong 6 tháng đầu năm.
TS. Nguyễn Hồng Minh, Viện trưởng CIEM |
Trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu CIEM tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho biết Việt Nam đã đạt được những kết quả kinh tế - xã hội quan trọng trong 6 tháng đầu năm 2024. Tính chung cả sáu tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,42%, trong đó quý I đạt mức 5,87%, quý II đạt mức 6,93% (so với cùng kỳ năm trước). Tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã vượt so với mức tiềm năng trong các quý I và II của năm 2024. Các cấu phần của tổng cầu (xuất khẩu, tiêu dùng, tích lũy tài sản) đều có tăng trưởng tương đối tích cực trong sáu tháng đầu năm 2024. Ngành công nghiệp và xây dựng phục hồi, đóng góp tới 44,28% vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng trưởng ở mức hai con số trong 6 tháng đầu năm.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đã trao đổi, phân tích, kiến nghị về các nội dung, ưu tiên chính sách nhằm duy trì đà phục hồi tăng trưởng gắn với cải thiện chất lượng tăng trưởng, trên cơ sở củng cố nền tảng kinh tế vi mô, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các FTA nói riêng |
Báo cáo đã đưa ra hai kịch bản cập nhật dự báo kinh tế vĩ mô trong năm 2024.
Trong Kịch bản 1, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 9,54% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,31% so với năm 2023. Cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 5,7 tỷ USD.
Trong Kịch bản 2, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 11,64% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,12% so với năm 2023. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỷ USD.
Tăng trưởng tương đối tích cực so với các nước trong khu vực; tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã vượt so với tiềm năng trong 4 quý liên tiếp; phục hồi tăng trưởng kinh tế diễn ra ở cả 3 nhóm ngành; thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng.
Báo cáo đề rõ trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã phải đối mặt với những thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức từ bối cảnh quốc tế, song khó khăn, thách thức được đánh giá nhiều hơn so với thuận lợi. Theo đó, xung đột địa chính trị tiếp diễn ở nhiều khu vực, trong đó có Nga-Ucraina, Trung Đông, Biển Đỏ. Các nền kinh tế chủ chốt giữ lãi suất điều hành ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến nhằm kiềm chế lạm phát. Cạnh tranh chiến lược về khoa học, công nghệ, thương mại giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, vẫn diễn ra gay gắt, phức tạp. Không ít quốc gia gia tăng các quy định về phát triển bền vững có tác động đến nhu cầu nhập khẩu, thậm chí thực hiện nhiều biện pháp phòng vệ thương mại. Thời tiết có những diễn biến cực đoan, ảnh hưởng tới tình hình an ninh lương thực và giá cả hàng hóa ở nhiều nước. Tuy nhiên, chuyển biến nhanh chưa từng có tiền lệ của các công nghệ mới (đặc biệt là trí tuệ nhân tạo), xu hướng dịch chuyển đầu tư nước ngoài và gia tăng hợp tác quốc tế về các nội dung phát triển bền vững, chuyển dịch năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu có thể mang lại không ít cơ hội kinh tế nếu Việt Nam biết nắm bắt.
Ông Vũ Thành Đạt, Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao |
Góp ý sau khi nghe báo cáo, ông Vũ Thành Đạt, Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao cho biết năm 2024 ghi nhận là một năm rất nhiều quốc gia diễn ra bầu cử, dẫn đến có thể thay đổi về mặt chính sách. "40% dân số thế giới sẽ đi bầu cử ở các cấp lớn nhỏ", ông nhấn mạnh, trong số đó nổi bật nhất có Hoa Kỳ, điều này tạo nên một rủi ro mà nhóm nghiên cứu nên cân nhắc thêm cho báo cáo cuối năm: "Chính phủ các nước có thể sẽ thay đổi chính sách trong sáu tháng cuối năm, có thể "hướng nội" hơn, có thể ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế."
Mặt khác, ông Đạt cho rằng cạnh tranh Thương mại Mỹ-Trung hiện nay chỉ dừng ở mức độ phân tách, không đến mức phân cực, hay trở thành một trở ngại đối với kinh tế Việt Nam, và điều này có thể "cân nhắc là một điểm sáng".