Với mong muốn tái hiện lại trải nghiệm sống của người chuyển giới và các cá nhân thuộc cộng đồng LGBTIAQ+, “KHÁC” mang đến những câu chuyện chân thực, đồng thời mở ra cơ hội để người xem chiêm nghiệm hành trình tìm hiểu bản thân, chấp nhận sự khác biệt và trân trọng sự đa dạng của cộng đồng đầy bản sắc này.
Trải lòng của nghệ sĩ
Một trong những điểm nhấn của “KHÁC” là sự tham gia của nghệ sĩ Nguyễn Bằng Giang (she/her), người viết thơ, thực hành nghệ thuật và là một nhà hoạt động xã hội thực hành liên ngành. Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2015 với vai trò là một LGBTQ activist, Giang đã mở rộng hoạt động của mình trong nhiều phong trào về Giới, nữ quyền, lao động và các lĩnh vực xã hội.
Giang chia sẻ: “Mỗi dự án của tôi luôn bắt đầu từ câu chuyện cá nhân, nhưng cũng phản ánh cách mà cá nhân di chuyển và tương tác với hệ thống xã hội. "KHÁC" giúp tôi nhìn lại quá trình này, từ đó khám phá thêm những khía cạnh khác trong cuộc sống của các nhóm cộng đồng đã và đang phải đấu tranh để được công nhận.”
Tác phẩm nghệ thuật của Nguyễn Bằng Giang mang đến "KHÁC" có tên "vết hằn", là ma-nơ-canh từ trình diễn “cắt ngực” vào tháng 6/2024 tại một bảo tàng queer (dành riêng để trưng bày và bảo tồn lịch sử, văn hóa, và nghệ thuật của cộng đồng LGBTQ+) tại Hà Nội, kết hợp với những bức tranh đa chất liệu và một bài thơ đã được diễn đọc trong Tuần lễ Văn học Châu Âu tại Viện Goethe.
Bên cạnh việc khởi xướng nhiều dự án như SOGIE Talk (2015-2016), Bạo lực học đường với LGBTQ+ (2017) và Mắt không màu (2018-2020), nghệ sĩ Nguyễn Bằng Giang còn đồng sáng lập dự án quyền lao động công sở Tan ca thôi (2021-2023), sáng lập đèn-dầu, một không gian sáng tạo và thực hành nghệ thuật.
Tại triển lãm “KHÁC”, tác phẩm của Giang tạo ra một không gian suy tư, nơi công chúng có cơ hội khám phá sâu sắc trải nghiệm cá nhân và những dấu ấn của người chuyển giới. Đồng thời, tác phẩm khuyến khích mọi người đặt câu hỏi về tự do, bản dạng, và mối quan hệ giữa con người và hệ thống xã hội. Những tác phẩm của Giang không chỉ đơn thuần là sự tái hiện mà còn là cuộc đối thoại giữa nghệ sĩ và người xem, khơi gợi những cảm xúc sâu sắc về giới tính và các mâu thuẫn nội tại.
Về ma-nơ-canh khoét ngực, Giang cho hay: “Áo nịt ngực, có phải là mong muốn riêng của những mong muốn trở nên nam tính? Đó là truy vấn mà tôi đặt ra và vẫn đang tìm câu trả lời."
Giang trải lòng: "Chúng là hiện thân cho mong muốn của bản dạng hay là những cảm xúc phức tạp mà chẳng thể nào rành mặt cắt nghĩa, hay chỉ đơn giản là những bức bối giới mà đã được chỉ mặt đặt tên, nhắc đến nhiều trên truyền thông và thường gắn với người chuyển giới. Dù là bức bối giới hay những cảm xúc phức tạp, thì một vài loại áo nịt ngực vẫn để lại những vết hằn trên cơ thể với người sử dụng. Không chỉ là vết hằn mà còn là những căng thẳng, là sự định giới và định hình cả cách người ta ứng xử với thế giới bên ngoài và cả cách thế giới bên ngoài ứng xử với người mặc áo nịt ngực."
Giang chia sẻ thêm về sự định giới của bản thân trong suốt quá trình trưởng thành: “Với tôi, chiếc áo nịt ngực là một công cụ giúp thể hiện nam tính, nhưng cũng là gánh nặng và đôi khi là sự áp chế của xã hội. Tác phẩm này là một phần của quá trình tìm kiếm sự tự do và niềm mong muốn được là chính mình.”
Không chỉ dừng lại ở câu chuyện cá nhân, “vết hằn” của Giang còn là một bức tranh tổng thể về những áp lực mà người chuyển giới và các cá nhân trong cộng đồng LGBTIAQ+ phải đối mặt. Qua tác phẩm, cô muốn nhắn gửi rằng, những áp lực ấy không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn phản ánh sự bất công trong xã hội.
Tâm huyết từ Ban tổ chức
Ngoài khu vực trưng bày tác phẩm của Giang, không gian tương tác “KHÁC” năm nay còn có sự tham gia phát triển ý tưởng về sự đồng hiện và liên kết giữa các trải nghiệm cá nhân và chung của con người, vượt qua giới hạn giới và khuôn mẫu giới.
Tại đây, công chúng sẽ theo dõi hành trình tự khám phá bản thân, học cách chấp nhận và yêu thương chính mình, đặc biệt là đối với cá nhân LGBTIAQ+. “KHÁC” cũng kể câu chuyện về nỗ lực thúc đẩy sự đa dạng và chấp nhận trong xã hội. Anh Chu Thanh Hà, Sáng lập viên kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn, Đào tạo và Phát triển sáng kiến về giới IT’S T TIME, chia sẻ về mục tiêu của sự kiện: “Chúng tôi muốn mang đến một góc nhìn chân thực và cảm xúc về những trải nghiệm của cộng đồng LGBTIAQ+. Qua những câu chuyện này, chúng tôi hy vọng sẽ khơi dậy sự thấu hiểu và khích lệ cộng đồng lớn hơn cùng nhau xây dựng một xã hội tôn trọng và bao dung hơn."
Người xem có thể bước qua những không gian tương tác với các hiện vật kỷ niệm như những ống tiêm hormone, tờ đơn xin được đổi tên mãi không được giải quyết của người chuyển giới, những tít bài truyền thông thường được gán cho cộng đồng LGBTIAQ+ được cắt dán trên ma-nơ-canh "Con Bóng"... Mọi câu chuyện và trải nghiệm, mọi nỗi đau và niềm hy vọng được tái hiện một cách đầy nghệ thuật, khơi gợi lên những cảm xúc chân thành nhất của người xem. “KHÁC” không chỉ dừng lại ở việc kể câu chuyện cá nhân, mà còn gợi mở những thảo luận về sự tôn trọng và chấp nhận đa dạng giới trong xã hội.
Thông điệp "GIỚI NÀY LÀ CỦA CHÚNG MÌNH" đã được truyền tải mạnh mẽ, không chỉ khuyến khích cộng đồng LGBTIAQ+ tự hào về bản thân mà còn kêu gọi mọi người trong xã hội đồng hành, thúc đẩy sự thừa nhận và bảo vệ quyền của mọi cá nhân, bất kể giới tính hay bản dạng.
Hanoi Pride là sự kiện thường niên nhằm tôn vinh cộng đồng LGBTQ+ tại Hà Nội. Sự kiện này bao gồm nhiều hoạt động như diễu hành, các buổi thảo luận, hội thảo, chiếu phim, và biểu diễn nghệ thuật. Mục tiêu của Hanoi Pride là nâng cao nhận thức về quyền LGBTQ+, thúc đẩy sự bình đẳng và tôn trọng đa dạng giới tính trong xã hội. Sự kiện này cũng là dịp để cộng đồng LGBTQ+ và những người ủng hộ gặp gỡ, chia sẻ và cùng nhau lan tỏa thông điệp về tình yêu và sự chấp nhận.
Ảnh: Kondou