Năm 24 tuổi, Nam làm việc như một cây viết tự do và cộng tác với ba tờ báo điện tử lớn, thế nhưng cậu gặp rất nhiều vấn đề trong cuộc sống. Khi trò chuyện, Nam thường không hiểu hoặc dễ hiểu sai ý của người khác, cậu cũng không nhận thức được cái nhìn đánh giá của những người xung quanh về bản thân. Cậu vừa cảm thấy cần kết nối, cũng vừa không muốn giao tiếp quá nhiều. Dường như Nam chỉ phù hợp với những công việc mang tính độc lập cao. Với những tình huống yêu cầu giao tiếp, Nam thường xử lý tương đối chậm chạp.
Tình cờ, Nam quen được với một người bạn có kinh nghiệm làm việc với các nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Người này đã lắng nghe về những khó khăn của Nam hiện tại và cả lúc còn trên ghế nhà trường. Cả hai đã cùng tiến hành làm rất nhiều bài kiểm tra, tham khảo các tài liệu rồi nhận ra một sự thật: Nam có đầy đủ dấu hiệu của hội chứng tự kỷ chức năng cao.
Hội chứng Asperger là một dạng của tự kỷ. Từ năm 2013, tất cả các dạng tự kỷ được gọi chung là rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Những người mắc hội chứng Asperger có thể là người tự kỷ thông minh và kỹ năng nói tốt hơn mức trung bình, do đó hội chứng này còn được gọi là tự kỷ chức năng cao.
Khi bạn gặp một người mắc hội chứng Asperger, bạn có thể nhận thấy ngay hai dấu hiệu. Một là, người đó cũng thông minh như những người khác, nhưng lại gặp nhiều rắc rối hơn với các kỹ năng xã hội. Hai là, người đó cũng có xu hướng tập trung ám ảnh vào một chủ đề hoặc thực hiện các hành vi giống nhau lặp đi lặp lại.
“Ngày đầu biết bản thân là một người tự kỷ, mình cũng sững sờ.” Cậu không dám nói cho gia đình. Trước đây, khi nhận ra bản thân thuộc cộng đồng LGBTQ, cậu đã mất 4 năm để đủ dũng khí nói với người nhà. Và rồi, Nam lại có thêm một cái nhãn nữa, cậu cảm thấy sợ khi phải nói về nó.
Không phát hiện ra vấn đề khiến cậu gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống
Nam hồi tưởng thời còn đi học: “Nhiều buổi, cứ được tầm 30 phút là mình cảm thấy phát điên, chỉ mong ra chơi. Trong tất cả các bài thi, bất kể xong hay chưa, cứ được hai phần ba thời gian là mình sẽ cảm thấy một sự thôi thúc phải ra ngay khỏi phòng. Mình không thể hiểu được những lời ẩn ý, thậm chí không biết đùa. Mọi người nghĩ mình lạ, mình cũng nghĩ vậy.”
Suốt quãng thời gian cấp 2, 3, bạn học cho rằng Nam là kẻ lập dị và xa lánh cậu. Nam trộm nghĩ, nếu gia đình cậu biết được vấn đề từ sớm, và cậu nhận được giáo dục phù hợp, trong một môi trường phù hợp, liệu cuộc sống học sinh của cậu cũng bớt khó khăn hơn không.
Ra trường, Nam hoạt động trong môi trường báo chí và làm việc với các trang tin điện tử. Cậu có thể viết tốt trong những đề tài mà bản thân có hứng thú và học sâu như giới hay bất bình đẳng xã hội.
Tuy nhiên, cậu không "đọc" được ý cấp trên hay đồng nghiệp. Cậu không thể nói dối, không thể từ chối việc được giao. Thành ra, Nam còn gánh thêm cả áp lực quá tải công việc. Cậu không thể tập trung khi phải làm những nhiệm vụ mình không có chuyên môn hay không yêu thích. Kết quả làm việc không được đánh giá cao càng khiến Nam cảm thấy căng thẳng. "Thậm chí có lúc ngồi trước máy tính để viết một bài báo cũng là một điều rất khó khăn, đầu mình bị đau tức liên tục và không thể viết được gì."
Nhận thức về bản thân đã giúp vén bức màn sương che phủ bấy lâu
Hoạt động trong ngành báo vài năm, Nam cũng nhận thấy truyền thông trong nước có đưa tin về chứng tự kỷ, nhưng phần lớn là về trẻ tự kỷ, kéo theo việc cộng đồng ít ý thức về tự kỷ trưởng thành. Cậu để ý cũng không có gói tầm soát tự kỷ dành cho người trưởng thành. Trên thực tế, người tự kỷ trưởng thành vẫn tồn tại một cách lặng lẽ. Họ đang gặp khó khăn, thậm chí rất hoang mang với cuộc sống vì sự khác biệt về suy nghĩ cũng như tính cách.
Nam cảm thấy bản thân may mắn khi gặp được người bạn đã giúp đỡ mình. "Tới lúc biết bản thân là người tự kỷ, mình hiểu rằng mình phải tìm một lối đi khác. Mình không tập trung được khi làm những điều mình không thích. Mình quan tâm về con người và thế giới tinh thần, quan tâm đến bất bình đẳng giới, người lao động nghèo. Vậy thì, những trang tin dành cho giới trẻ không phải chỗ dành cho mình." Và thế là cậu nghỉ việc cộng tác tại những trang tin giải trí với số lượng công việc dày đặc, có khi lên đến 15 tin mỗi ngày.
Nam thành thật: “Mình tự thừa nhận là mình rất ngây thơ trước xã hội này, vì thế mà vô tư. Mình nghĩ nhờ sự vô tư nên mình mới sống đến bây giờ một cách vui vẻ. Đôi lúc nghe bạn bè kể lại có người nói không tốt về mình, mình cũng thấy tổn thương và bất ngờ lắm. Nhưng thôi, mình không thể quản được suy nghĩ của người khác. Mình học cách không quan tâm.”
Bên cạnh việc tiếp tục viết, Nam cũng chủ động nhờ sự trợ giúp mỗi khi có việc cần giao tiếp. Kể cả lúc nhận lời phỏng vấn với Ngày nay, Nam cũng đề nghị có sự tham gia của một người bạn, "để tránh trường hợp mình hiểu nhầm ý câu hỏi" - cậu cười.
Sau nửa năm từ lúc biết vấn đề của bản thân, Nam đã có thể nói chuyện với những người mới gặp về vấn đề này, với hy vọng nhận thức rõ sẽ giúp đôi bên thấu hiểu và tôn trọng sự khác biệt. Thế nhưng, cậu vẫn chưa sẵn sàng mở lòng với gia đình.
Dù sao thì với cậu, dường như tất cả những trăn trở và khó khăn trước đây, giờ đều đã có lời giải thích hợp lý. Cậu cũng thấy nhẹ lòng.
*Tên của nhân vật đã được thay đổi.
Từ ngày 18/12/2007, Đại hội đồng Liên hợp quốc năm thứ 62 thông qua nghị quyết A/RES/62/139. Theo đó, ngày 2/4 hàng năm, bắt đầu từ 2008, được gọi là Ngày Thế giới Nhận thức về Tự kỷ (World Autism Awareness Day – WAAD). Nghị quyết này cũng kêu gọi các quốc gia thành viên, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức thuộc khu vực tư cũng như công thực hiện việc nâng cao nhận thức về tự kỷ trong xã hội.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1929/QĐ-TTG về phê duyệt chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030. Người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí theo quy định tại văn bản là những người có vấn đề sức khỏe tâm thần, gồm: tâm thần phân liệt; chứng động kinh, tổn thương não, chậm phát triển trí tuệ, nghiện chất kích thích; rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý; người bị rối loạn stress sau sang chấn tâm lý, là nạn nhân của sự xâm hại, của bạo lực gia đình và học đường; người khuyết tật dạng tâm thần kinh, tâm thần khác.