Phim độc lập:
Huyễn hoặc hay mộng ước?
---
Có những giấc mơ không thể phân biệt được là sự hoang đường của tuổi trẻ hay là mộng ước nhân văn, cho đến khi có người trả giá bằng tiền mặt. Các kịch bản phim độc lập là một thứ như thế.
---
Trong một quãng thời gian ngắn chỉ vài tháng của năm 2019, Đinh Thụy chứng kiến hơn một người bạn của mình tự sát. Họ đều còn trẻ.
Trong cơn chấn động, Thụy quay cuồng trong những câu hỏi, và nhận ra chính mình, hay rất nhiều bạn bè quanh mình không quan tâm đủ nhiều đến chứng trầm cảm của tuổi thanh niên.
Tốt nghiệp khoa Đạo diễn Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM, như nhiều đồng môn, Thụy đang là đạo diễn phim quảng cáo. Việc ai đó trở thành đạo diễn điện ảnh sau khi học đạo diễn điện ảnh ở Việt Nam là điều “vô cùng hiếm hoi”, cô nói. Hầu hết đều làm việc khác, hoặc giữ nghề bằng các thước phim quảng cáo, nhưng phần nhiều trong số đó, theo Thụy, vẫn đang nuôi ước mộng cùng điện ảnh.
Sau cú sốc, Thụy quyết định tăng cường độ làm việc để giải quyết việc công ty, dành thời gian viết một kịch bản. Bối cảnh mở đầu: Một cuộc tự sát.
Nhân vật chính của cô tỉnh dậy sau cuộc tự sát bất thành, và đối mặt với những câu hỏi khác về ý nghĩa sống. “Em tin còn những góc nhìn khác cần chuyển tải qua điện ảnh”.
Thụy tin điện ảnh cũng có vai trò mở ra những cánh cửa mới về thông tin, nhận thức với công chúng, giống như sách. Thụy nghĩ mình sẽ cần 600 hoặc 700 triệu đồng cho tác phẩm đầu tay. Nhưng cô sẽ đi tìm các gói tài trợ, chứ không phải “đầu tư”. Việc một kịch bản như thế sẽ không có tiền đầu tư là kết luận được đưa ra từ đầu.
Đinh Thụy gọi nôm na phần chủ lưu của điện ảnh hiện nay là “phim chiếu rạp”, còn thứ mình đang theo đuổi là “phim độc lập”.
---
Thực chất, nếu quy chiếu theo quan niệm của Hollywood, phần lớn điện ảnh Việt Nam hiện nay, dù có ngôi sao hạng A hay không, đều là “phim độc lập”.
Khái niệm này ra đời hồi đầu thế kỷ 20 để thể hiện sự phản kháng với các studio siêu lớn tại Hollywood, một nhóm chưa đến 10 hãng phim thống trị các rạp chiếu. Các đạo diễn, biên kịch không muốn bị phụ thuộc vào quan niệm thị trường của các ông chủ lớn, bèn tách ra tạo thành các hãng phim nhỏ. Họ kêu gọi đầu tư để làm các tác phẩm phản ánh quan niệm nghệ thuật của bản thân.
Ngày nay, đạo diễn Wes Anderson hay hãng phim A24 có thể nhận nhiều giải Oscar, Quả Cầu Vàng và làm phim thường có lãi; nhưng vẫn được xếp vào hàng “indie” (độc lập) vì họ tương phản khi đặt cạnh các studio đang thống trị tại Hollywood: Universal, Paramount, Warner Bros, Walt Disney và Columbia Pictures.
Các đại gia này đang theo đuổi việc kiếm hàng tỷ USD từ các vũ trụ điện ảnh, các dòng phim thương hiệu - thứ có thể sản xuất đồ chơi, áo phông hay bàn chải đánh răng và bán trong công viên chủ đề - theo đuổi Batman, Avengers, James Bond hay Godzilla và đủ thứ “phần tiếp theo” của những bộ phim đã ăn khách. Các nhà làm phim độc lập theo đuổi một thứ giá trị căn cơ của nghệ thuật, là sự nguyên bản.
Grand Budapest Hotel của đạo diễn Wes Anderson, ngân sách 25 triệu USD, 9 đề cử Oscar, vẫn được gọi là "phim độc lập". Ảnh: Fox Searchlight. |
Các phim này được quay từ một “kịch bản gốc”, không chuyển thể hay vay mượn từ những thứ nổi tiếng khác, và phản ánh nhãn quan nghệ thuật riêng của ê kíp. Hay nói cách khác, họ tuyên chiến với một thứ kim chỉ nam của các hãng lớn, mà nhà báo Ben Fritz gọi tên trong cuốn sách Big Pictures: sự thực dụng.
Vì Việt Nam không có thứ quyền lực của các studio siêu lớn, cũng không có thương hiệu kiểu Avengers hay Batman, chỉ có một thị trường điện ảnh non trẻ, nên bất kỳ phim nào cũng có thể coi là “độc lập”. Cho dù là phim của Charlie Nguyễn, Victor Vũ hay của Trấn Thành, hầu hết đều được quay từ các kịch bản gốc, các đạo diễn và biên kịch đều tự gọi vốn, từ các studio mới thành lập và từ nhiều nhà tài trợ khác nhau.
Nhưng vẫn có một thứ đang hình thành. Nó khiến cho Thụy hay nhiều người trẻ làm điện ảnh khác cảm thấy thứ mình làm là “phim độc lập”. Đó là công thức cho sự thực dụng.
---
Có nhiều lý do để Đinh Thụy quyết định không gõ cửa bất kỳ studio nào cho bộ phim về cuộc tự sát của cô. Thụy đã nhìn thấy bạn bè mình làm phim thế nào. Mùa Hè năm 2017, đoàn làm phim Nhắm mắt thấy mùa Hè đã gõ cửa tất-cả các studio trên đất Sài Gòn, chỉ để nhận những cái lắc đầu.
Giữa “đại bản doanh” của Nhắm mắt thấy mùa Hè, có một tấm bảng ghi kế hoạch sản xuất. Ở góc bảng, họ viết một ô ghi “Cần tiền”. 500 triệu trước 27/4. 500 triệu trước 10/5. 500 triệu trước 17/5… Họ cần hai tỷ rưỡi trước tháng bảy năm 2017 – số tiền thường được dùng để quay MV năm phút rưỡi của một ngôi sao ca nhạc.
Các thành viên cốt lõi của Nhắm mắt thấy mùa Hè, hầu hết đều ở độ tuổi trên dưới ba mươi, hiểu rằng họ rất khó thuyết phục các hãng phim nếu chỉ có một kịch bản. Họ đã bỏ tiền túi tự bay sang Nhật để làm một đoạn phim demo. Nhưng thước phim đó chỉ thuyết phục được một nhà tài trợ lớn, và không phải ở Việt Nam: chính thị trấn Higashikawa, Hokkaido, sau khi xem mẫu, đồng ý hỗ trợ các bạn trẻ quay phim tại Nhật.
Sài Gòn có bao nhiêu hãng phim, đạo diễn Cao Thúy Nhi và đồng sự nhận bấy nhiêu lời từ chối. “Thậm chí là những cuộc điện thoại cắt ngang từ người nhận”, Nhi nhớ lại. Trong một đoạn video bên lề đoàn phim công bố khi phim ra mắt, một năm sau ngày bấm máy, giọng Thúy Nhi vẫn nghẹn lại khi nói về giai đoạn này.
“Các nhà đầu tư cần sự an toàn”, Đinh Thụy lý giải quyết định không gọi vốn của mình. “Cái gì đang thành công rồi thì người ta sẽ làm cái đó thôi”.
“Cái đang thành công” được tìm thấy trong bản thống kê các phim có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam. Kể từ 15 năm trước, thời Charlie Nguyễn giới thiệu với công chúng Dòng máu anh hùng và Để Mai tính – nơi Dustin Nguyễn, Johny Trí Nguyễn và Thái Hòa khiến công chúng kinh ngạc nhận ra điện ảnh Việt Nam có một tương lai khác ngoài dòng phim cách mạng – bản danh sách này đang bị thống trị bởi các phim tình cảm hài hoặc hành động. Tình cảm hài nhiều hơn.
“Hài này, hành động này, cảnh nóng này, ngôi sao hạng A này”, đạo diễn Jack Carry On nhẩm đếm khi được hỏi về các công thức của thị trường. Chàng trai sinh năm 1995, tên là Việt, có ngoại hình sáng, khuôn mặt V-line và sống mũi cao, tự đặt cho mình một biệt danh bất cần, Jack Carry On, với chữ “Carry On” nghĩa là “dấn tiếp”/“chơi tới”. Trong các bộ phim chiếu trên YouTube mà Jack làm đạo diễn, cậu tự casting chính mình cho một vai “boy lạnh lùng”, phong cách soái ca học đường.
Hình mẫu trên phim tương phản với nhiệm vụ Jack tự giao cho mình ngoài đời: một đạo diễn phim độc lập đi gọi vốn. Một con đường tuyệt vọng.
24 tuổi, Jack viết một kịch bản phim. Trong mơ mộng, cậu trộn lẫn những mảnh ghép đa thể loại vào và xây dựng một thế giới riêng. Một vụ án mạng và thấp thoáng một câu chuyện tình. Trong đó ma mị có; hành động có; gay cấn có. Phong cách kể chuyện biến đổi. Không phải giả tưởng; không phải kinh dị; không phải siêu anh hùng; đó là một thứ các nhà nghiên cứu điện ảnh gọi là “genre-breaking genre” (thể loại phá vỡ thể loại).
Thể loại (genre) là các khuôn mẫu về nội dung và phong cách được chấp nhận đông đảo: tình cảm hài (romance comedy), giật gân (thriller), kinh dị (horror), hành động (action) hay giả tưởng (fantasy)… Cách phân loại này vẫn đúng với nhiều phần của thế giới điện ảnh.
Nhưng đầu thế kỷ này, xuất hiện một thể loại mới: thể loại phá vỡ thể loại. Không ai nói phim của Alejandro Gonzalez Inarritu là “phim tâm lý” hay Darren Aronofsky làm “phim kinh dị” nữa. Họ đã phá vỡ và trộn lẫn các thể loại. Không ai cố gọi tên thể loại của Parasite, tác phẩm làm nên lịch sử tại Oscar 2020 nữa. Người ta hiểu Bong Joon-ho đã chủ động đập tan những đường biên công thức, đưa người xem từ thế giới này qua thế giới kia.
“Khi lên phim, em muốn cảm xúc của khán giả lên xuống, và dẫn người ta vào một thế giới của riêng Jack Carry On”, đạo diễn 26 tuổi hào hứng mô tả. Nhưng bất chấp hoài bão, thứ quyết định số phận bộ phim của Jack vẫn chỉ có 3 câu hỏi: Có hài không; có hành động không; có cảnh nóng không? Không nhân ba bằng không. Trong suốt 2 năm, kịch bản của Jack chỉ nhận những cái lắc đầu.
---
Thụy và Jack không tin vào công thức của sự thực dụng. Họ tin mình vẫn có thể làm ra những tác phẩm vừa phục vụ nhãn quan nghệ thuật riêng, vừa thu hút được công chúng.
“Em tin khán giả biết phân định đâu là cái hay”, Thụy nói. Cô quan sát những người trẻ xung quanh, lắng nghe họ trò chuyện về các bộ phim, và nhận ra khán giả có tư duy phản biện rất mạnh với những thứ sáo mòn.
Jack, trong những ngày tháng đi tìm vốn cho kịch bản “phá vỡ thể loại” của mình, đã từng tin rằng với một bộ phim ở Việt Nam, thì PR, marketing quan trọng hơn bản thân chất lượng bộ phim. Khán giả sẽ ra rạp xem bất kỳ thứ gì được nhắc đến nhiều trên truyền thông (điều đảm bảo tính đúng đắn của công thức “sao hạng A”). Nhưng Jack nhận ra ngày càng nhiều bộ phim được PR rầm rộ, nhưng thất bại thảm hại ở phòng vé.
“Khán giả vẫn luôn tìm cái mới”, cậu quả quyết. “Chính Marvel một thập kỷ trước cũng là cái mới, chẳng ai biết là ai”, cậu nhắc lại quá khứ khốn khó của hãng này. Marvel trở lại, tái định nghĩa dòng phim siêu anh hùng, thu tiền tỷ cùng Ironman, Thor và Avengers. Các nhà phê bình thấp thoáng nhắc đến việc họ cũng đã “phá vỡ thể loại” để tạo ra những thứ chưa có tiền lệ. Và Jack tin rồi chính Marvel cũng trở thành cái cũ. Khán giả sẽ không bao giờ chấp nhận ăn đi ăn lại một món.
“Và chính những người như em sẽ lấp vào các khoảng trống của điện ảnh Việt Nam, khi cái hiện tại cũ đi”.
Đó là một nguyên tắc được thế giới nhận thức từ lâu. Không phải bây giờ Hollywood mới ngập ngụa trong phim siêu anh hùng và gắn chặt vào các khuôn mẫu; đã có thời họ sản xuất ra 500 bộ phim cao bồi viễn Tây trong một thập niên. Nhưng các nhà sản xuất cũng hiểu điện ảnh sẽ chết nếu không có cái mới. Họ vẫn liên tục đổ tiền cho phim độc lập.
Walt Disney, chúa tể làm phim theo công thức tại Hollywood, có thời gian dài hậu thuẫn Miramax, một hãng phim độc lập hàng đầu của Mỹ. Tiền từ Disney trong thập kỷ 90 đã giúp Miramax hậu thuẫn những đạo diễn mới sau này trở thành trụ cột của điện ảnh thế giới, như Robert Rodriguez, Gus Van Sant hay Quentin Tarantino.
Sự hậu thuẫn từ các nhà đầu tư lớn không chỉ đảm bảo các tác phẩm độc lập được ra đời. Nó còn đảm bảo cho họ được quảng bá thích đáng, và được phân phối thích đáng.
Nhắm mắt thấy mùa Hè trở thành một hiện tượng của năm 2018. Những hình ảnh đầu tiên của bộ phim được cộng đồng mạng đón nhận tích cực, và tác phẩm nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ báo giới sau công chiếu. Nhưng cũng giống như hầu hết các bộ phim độc lập tại Việt Nam, việc đủ ngân sách quay đã là một may mắn. Phim trông chờ phần lớn vào khả năng “tự phát tán” (viral) trên mạng. Với doanh thu 12 tỷ đồng, phim được nhận định là không có lãi.
“Việc một bộ phim không được quảng bá trước khi công chiếu cũng sẽ khiến các rạp chiếu ngần ngại hơn trong việc xếp giờ và suất chiếu”, nhà báo Mai Như Ngọc, một người có nhiều năm theo dõi lĩnh vực nói.
Jack Carry On, 26 tuổi, ngoại hình sáng, khuôn mặt V-line và sống mũi cao, không bằng lòng với vai diễn soái ca học đường trên YouTube. Cậu vẫn cương quyết nuôi niềm tin mình có thể tìm được chỗ đứng trong điện ảnh. Một ngày, sau khi đã nhận đủ các lời từ chối, Jack quyết định gõ cửa tập đoàn kinh tế lớn nhất Việt Nam.
---
Viettel có doanh thu 264.100.000.000.000 đồng (bằng chữ: hai trăm sáu tư nghìn tỷ đồng) trong năm 2020. Đó là thương hiệu viễn thông lớn nhất Đông Nam Á và đứng thứ 28 trên thế giới. Trong lĩnh vực giải trí, riêng ứng dụng nghe nhạc và xem phim của tập đoàn này, Keeng, đã có hơn 5 triệu lượt cài đặt trên Android.
Nhưng Viettel được thuyết phục bởi Jack Carry On. Viettel Media quyết định cấp vốn cho Jack thực hiện bộ phim của mình. Đủ để vị đạo diễn trẻ mời hai diễn viên cậu đã nhắm cho hình mẫu nhân vật, nhưng vẫn không phải ngôi sao hạng A.
“Ngay cả khi có thêm tiền em cũng sẽ không mời ngôi sao”, Jack khẳng định mong muốn theo đuổi cảm quan nghệ thuật của riêng mình, “Đấy là những người làm em hạnh phúc vì hoàn toàn phù hợp với nhân vật”.
Phim đã đóng máy đầu năm 2021, và Jack đang chờ ngày phát hành. Khác với nhiều đạo diễn độc lập tin rằng phim của mình là “phim nghệ thuật” và có một khoảng cách với công chúng, Jack muốn phim của mình có lãi. Cậu hiểu đây có thể là cơ hội duy nhất mình có với điện ảnh.
Phim của Jack cũng là dự án điện ảnh đầu tiên của Viettel. Thay vì chào sân bằng một bom tấn theo công thức, tập đoàn này lên một chiến lược đầu tư cho phim độc lập. Niềm tin đã đưa vị đạo diễn trẻ đến một ngưỡng cửa, có thể không phải chỉ của riêng cậu, mà của cả dòng phim độc lập tại Việt Nam.
Nó hứa mở ra một con đường mới, phù hợp với bức tranh điện ảnh thế giới nơi phim độc lập được xem là những khoản đầu tư quan trọng của xã hội. Nhưng trong sâu thẳm, sau nhiều năm chứng kiến những “công thức” của thị trường, Jack nói mình vẫn cảm thấy sợ.
“Nhỡ em nhầm, PR có vai trò quyết định hơn chất lượng phim thật thì sao anh nhỉ?”, cậu hỏi người viết, “Ngay bây giờ em đang sợ lắm”.
Đức Hoàng