Trong cuộc đối thoại mới đây với các bộ, ngành dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) đề nghị nới lỏng một số tiêu chí về xả thải, tuy nhiên, đại diện Bộ TN&MT khẳng định không nới, thậm chí còn làm chặt hơn để bảo vệ môi trường.
“Phải nghiêng về môi trường”
Tại cuộc đối thoại, liên quan đến trách nhiệm của Bộ TN&MT, VASEP đề nghị Bộ cho phép nếu địa phương không có cơ sở thu gom, tái chế, xử lý rác thải công nghiệp cung cấp được hồ sơ chứng minh hoạt động tái chế, xử lý rác thải của họ thì không xử phạt doanh nghiệp. Về điều này, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, theo Nghị định 38 thì phải có một đơn vị đủ điều kiện xử lý rác thải, chất thải rắn mới được phép nhận chất thải đó về xử lý.
“Thực tế vừa qua đã có những doanh nghiệp thuê một cơ sở khác đi đổ ở đâu không biết. Hiện tại, bỏ quy định này là không được”, ông Nhân nói. Theo ông Nhân, một cơ sở muốn thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải thì phải được ủy thác của đơn vị có đủ điều kiện xử lý.
“Luật quy định doanh nghiệp phải theo dõi đến cùng xem có xử lý chất thải hay không? Còn nếu bỏ quy định này, họ đổ bừa bãi thì mình không quản lý được. Hiệp hội cũng phải thông cảm”, ông Nhân nói.
Theo đại diện VASEP, các doanh nghiệp ký hợp đồng với đơn vị thu gom nhưng sau đó vẫn phải cung cấp cho thanh tra những chứng từ chứng minh đổ rác thải đi đâu. Chính điều đó khiến doanh nghiệp bức xúc bởi họ đã ký hợp đồng, có hóa đơn với công ty thì rõ ràng trách nhiệm công ty đó phải báo cáo.
Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT |
Cũng theo đại diện VASEP, có doanh nghiệp phản ánh là bao bì carton không phải là rác thải nguy hại cũng bị phạt do không xuất trình được giấy chứng minh chỗ xả thải cụ thể. Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, không có chuyện xử phạt với chất thải công nghiệp, mà chỉ phạt đối với chất thải nguy hại.
Ông Tùng cho biết, việc xử lý chất thải nguy hại theo quy định là phải có 9 liên, mỗi bên đều phải giữ và khi xử lý xong thì 6 tháng phải gửi lại liên thứ 4, 5 cho doanh nghiệp để chứng minh rằng đã thu gom, đã xử lý. “Đây là thông lệ quốc tế và đều làm như thế cả. Người ta có quản lý theo hệ thống điện tử để biết thu gom, xử lý thế nào”, ông Tùng nói.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, do cách hiểu của doanh nghiệp chưa rõ, chưa đúng, cần hướng dẫn thêm.
“Phải tuân theo quy định của nhà nước và quốc tế. Tất cả phải cùng giữ gìn môi trường. Nếu quy định rõ rồi thì quyết định làm, còn cái gì chưa rõ thì luôn luôn phải nghiêng về phía môi trường. Phải rất rõ ràng như thế”, ông Vũ Đức Đam nói.
Hiệp hội đề nghị nới lỏng, Bộ nói sẽ làm chặt hơn
Về ý kiến VASEP cho rằng, có sự không công bằng trong quy chuẩn nước thải giữa các nhà máy nằm trong khu công nghiệp và nhà máy riêng lẻ, ông Võ Tuấn Nhân cho biết: Theo quy định, đối với nhà máy nằm ngoài khu công nghiệp, áp dụng quy chuẩn 11, nếu nằm trong khu công nghiệp thì phải theo quy chuẩn 40.
“Ở ngoài khu công nghiệp thì theo quy chuẩn 11, cái đó không có ý kiến gì. Nhưng trong khu công nghiệp thì áp dụng quy chuẩn 40 mà doanh nghiệp lại muốn 11. Trong khu công nghiệp thì Thông tư 35 quy định nước thải được xử lý theo điều kiện ghi trong văn bản thỏa thuận với chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng nước thải trước khi đấu nối vào hệ thống chung chứ không theo tiêu chuẩn nào.
Do đó doanh nghiệp thỏa thuận với chủ khu công nghiệp chứ không bắt theo 11 hay 40 mà chỉ cần doanh nghiệp xử lý nước thải sơ bộ và chủ cơ sở hạ tầng đồng ý là được. Và nước thải đầu ra của khu công nghiệp đó đáp ứng quy chuẩn 40”, ông Nhân nói.
Cũng theo ông Nhân, doanh nghiệp ở trong khu công nghiệp nhưng có quyền miễn trừ đấu nối vào hệ thống chung, mà xây dựng đường riêng, có thể vẫn theo quy chuẩn 11 được.
Cũng liên quan đến nước thải của doanh nghiệp thủy sản, VASEP đề nghị xem lại chỉ tiêu nitơ, phốt pho trong nước thải. Đại diện VASEP dẫn chứng, doanh nghiệp kinh doanh tôm xuất khẩu, phía Mỹ yêu cầu ngâm phốt pho, tuy nhiên, khi doanh nghiệp ngâm thì lượng nước thải ra có hàm lượng phốt pho cao, không phù hợp với quy chuẩn.
Ông Nhân cho rằng, hiện nay, Bộ TN&MT đang chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng rà soát lại tất cả các quy chuẩn. “Hiệp hội phải thông cảm, bây giờ nitơ và phốt pho có trong nước thải gây ra hiện tượng phú dưỡng, rồi làm tan hàm lượng chất dinh dưỡng và vừa rồi dẫn đến tình trạng thiếu ô xy, cá chết nhiều nơi. Chúng tôi cũng muốn hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng không thể chạy theo cái này”, ông Nhân nói.
Trong khi đó ông Hoàng Dương Tùng thông tin, ở nhiều nơi, việc thanh tra phát hiện một số doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt là ở Cà Mau lượng phốt pho trong nước thải gấp nhiều lần quy chuẩn cho phép. “Nitơ và phốt pho là hai thông số gây phú dưỡng, gây ô nhiễm môi trường nặng, nên không thể hy sinh môi trường để phát triển kinh tế được. Mặc dù lần này VASEP lại đề nghị sửa nâng chỉ tiêu phốt pho lên nhưng chúng tôi vẫn kiến nghị phải chặt hơn chứ không nâng lên”, ông Tùng nói.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, doanh nghiệp ai cũng muốn giảm chi phí, nhưng tất cả đều phải có trách nhiệm với cộng đồng để đất nước phát triển bền vững. “Muốn bền vững thì yếu tố đầu tiên là môi trường. Trừ khi quy định phi thực tế không thể thực hiện được, còn quy định vừa rồi đa phần các đơn vị cũng thực hiện được. Tôi nói là cộng đồng không đồng ý đánh đổi môi trường đâu. Vấn đề này tôi không hỏi các anh có thỏa mãn hay không được, tại vì có những thứ không bước qua được. Đó là nguyên tắc. Tôi không dùng từ chia sẻ nữa, mà trong việc này, đề nghị doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành”, ông Đam nói.