Đề án Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc sử) gồm bộ Lịch sử Việt Nam 25 tập, bộ Biên niên sự kiện Lịch sử Việt Nam 5 tập và Cơ sở dữ liệulịch sử Việt Nam. Mỗi tập được coi là một đề tài khoa học cấp quốc gia. Tham gia biên soạn bộLịch sử Việt Nam có trên 250 nhà khoa học, chưa kể số cộng tác viên trong nước và ngoài nước.
Đề án yêu cầu chất lượng của bộ Quốc sử được đặt lên hàng đầu, phải “kế thừa những bộ sử trước đây, tổng kết và nâng cao được toàn bộ kết quả nghiên cứu của giới sử học cả nước, tiếp thu có chọn lọc thành tựu nghiên cứu của các nhà sử học nước ngoài vềlịch sử Việt Nam từ trước tới nay, phải có những luận giải mới, những đánh giá phù hợp về những vấn đề khoa học lịch sử đang đặt ra”, nhưng không được sao chép, trùng lặp với bất cứ một đoạn văn nào của các tác phẩm đã xuất bản, kể cả của chính tác giả.
Tư liệu sử dụng và chú thích trong công trình phải truy đến tư liệu gốc, không được dẫn lại qua một tác phẩm khác, bảo đảm là một công trình khoa học hoàn toàn mới, bảo đảm tính khách quan, trung thực, tôn trọng sự thật lịch sử, trình bày theo chuẩn mực quốc tế. Đến nay, cả 30 tập đã hoàn thiện bản thảo chính thức và hoàn thành nghiệm thu cấp đề án.
Ban Chủ nhiệm đã tổ chức Hội thảo toàn Đề án để thống nhất các yêu cầu, nguyên tắc trong bổ sung, chỉnh sửa, nâng cấp và hoàn thiện bản thảo trước khi thẩm định, nghiệm thu cấp Nhà nước.
Về nhiệm vụ Quốc chí, sau gần 2 năm tổ chức triển khai, Đại học quốc gia Hà Nội đã triển khai xây dựng mạng lưới cơ quan hợp tác và bước đầu tập hợp được đội ngũ hàng trăm nhà khoa học tham gia biên soạn.
Đại học quốc gia Hà Nội đã tổ chức thẩm định thuyết minh của 28 tập (tương ứng với các lĩnh vực nội dung biên soạn); hoàn thiện Bộ Quy chuẩn biên soạn Địa chí quốc gia Việt Nam; triển khai địa phương chí (mẫu); khảo sát, trao đổi, học tập kinh nghiệm xây dựng và triển khai quản lý địa chí… hiện có 15 tập hoàn tất các thủ tục để triển khai biên soạn.
Ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết việc biên soạn Quốc chí đang được triển khai theo một cách tiếp cận mới nhằm thu thập dữ liệu, mô tả hiện trạng các lĩnh vực đời sống theo cách nhìn đương đại, vì thế, việc biên soạn Quốc chí ngoài việc sử dụng các nguồn tài liệu đã có thì việc khảo sát thực tế kiểm chứng thông tin, ghi chép trực tiếp là hết sức quan trọng.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực, tâm sức của các nhà khoa học tham gia quá trình biên soạn Quốc sử, Quốc chí. Cùng với nhiều công trình, đề án khoa học khác, đây là những đề án rất thiết thực, có ý nghĩa cho cả hiện nay và mai sau, phù hợp với chủ trương khoa học, giáo dục là quốc sách hàng đầu, văn hóa là nền tảng, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Nhắc lại yêu cầu của Đề án, Phó Thủ tướng yêu cầu việc biên soạn bộ Quốc sử phải đặt chất lượng lên hàng đầu. Các bộ ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đơn vị thực hiện, đảm bảo chất lượng cao nhất, đúng tiến độ đã đề ra.