Ngày lễ tình nhân có thể là một thử thách đối với những người độc thân ở Trung Quốc, nhiều người trong số họ vẫn phải đối mặt với áp lực không ngừng về việc thúc ép kết hôn từ gia đình.
Trong một bài báo đăng hôm Chủ nhật của Tân Hoa xã, ông Wu Xiuming, một chuyên gia của Viện Khoa học xã hội tỉnh Sơn Tây, cho rằng trong xã hội Trung Quốc đang tồn tại một vấn đề kép: đàn ông nông thôn và phụ nữ ở thành thị ngày càng khó kết hôn.
Bằng cách kêu gọi hai nhóm này tìm hiểu nhau, Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề này. Ông Wu đề xuất nam giới ở nông thôn nên được đào tạo nghề trước khi tới thành phố lập nghiệp, trong khi phụ nữ thành thị không nên sợ một cuộc sống gò bó ở nông thôn.
“Về lâu dài, giải pháp hiệu quả nhất (để giúp những người độc thân ở nông thôn tìm kiếm bạn đời là thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn", ông Wu chỉ ra.
Bài báo đã chỉ ra những trở ngại quen thuộc của những người đàn ông độc thân sống ở nông thôn. Ngoài vấn đề chênh lệch giới tính đã tồn tại hàng thập kỷ ở Trung Quốc, tàn dư của thói trọng nam khinh nữ, một người đàn ông ở nông thôn phải lo đủ một căn nhà, một chiếc ô tô và một số tiền hồi môn cho nhà vợ nếu muốn kết hôn.
Các chú rể nông thôn thường phải bỏ ra từ 500.000 đến 1 triệu nhân dân tệ để tổ chức hôn lễ, một số tiền khiến nhiều người không dám mơ tới việc tìm kiếm bạn đời.
Vào năm 2018, chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ áp dụng giới hạn cho các khoản hồi môn ở vùng nông thôn để hạn chế vấn nạn này, nhưng việc thực thi tại nhiều địa phương vấp phải không ít khó khăn.
Đề xuất của ông Wu ngay lập tức kích động làn sóng phản đối trên mạng, với nhiều người chế giễu logic quá đơn giản của vị chuyên gia. Trên nền tảng Weibo, một hashtag liên quan đến chủ đề này đã ghi nhận hơn 320 triệu lượt xem vào tối thứ Năm tuần này.
Một người dùng Weibo bình luận: “Căn nguyên thực sự của vấn đề là thói gia trưởng. Xin đừng đồng nhất hôn nhân với việc sinh sản".
Số lượng người độc thân ngày càng tăng ở Trung Quốc, tình trạng này từ lâu đã gây lo ngại cho các nhà chức trách Trung Quốc, vốn tìm cách đảo ngược tỷ lệ sinh đang giảm của đất nước. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết ý tưởng của ông Wu về việc bắt cặp phụ nữ thành thị với đàn ông nông thôn là không thực tế.
Ông Ban Tao, một giảng viên tại Khoa Xã hội học và Khoa học Chính trị của Đại học An Huy, cũng lên tiếng phản đối đề xuất này.
“Chúng ta nên ngừng kỳ thị những người độc thân. Rốt cuộc, hôn nhân không phải là điều bắt buộc", ông Ban khẳng định.
Tuần trước, chương trình Đêm hội mùa xuân của đài truyền hình CCTV đã hứng chịu chỉ trích vì chiếu một vở hài kịch trong đó chế giễu những phụ nữ độc thân về quê nghỉ Tết một mình.