Giữa năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã công bố Báo cáo tổng hợp Kết quả kiểm toán năm 2020. Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) là một trong những cái tên nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận khi bị Kiểm toán Nhà nước đánh giá là “đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp”.
Điều này được thể hiện qua việc cổ tức, lợi nhuận được chia năm 2019 đạt 0,2% tổng vốn đầu tư. Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng hoạt động liên kết, đầu tư dài hạn khác tại Công ty mẹ - PV Power bị thua lỗ, mất vốn.
Cụ thể, 3 khoản đầu tư dài hạn khác bao gồm Công ty CP Phát triển đô thị Dầu khí - PXC, Công ty CP Thủy điện Sơn Trà Sông Đà, Công ty Cổ phần Năng lượng Châu Á Thái Bình Dương khiến PV Power mất vốn, phải trích lập dự phòng 20,24 tỷ đồng.
Giảm sốc lãi, tỷ suất lợi nhuận/vốn thấp hơn lãi suất tiết kiệm
Không lâu sau khi bị Kiểm toán Nhà nước kết luận “đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp”, PV Power không những không tăng trưởng mà còn “cắm đầu đi xuống”.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023, trong kỳ, Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của PV Power chỉ đạt 5.679 tỷ đồng, giảm 363 tỷ đồng, tương đương 6% so với quý 3/2022; lũy kế 9 tháng tăng nhẹ từ 20.566 tỷ đồng lên 21.533 tỷ đồng.
Doanh thu giảm nhẹ nhưng lãi ròng giảm mạnh. Lợi nhuận sau thuế quý 3/2023 giảm 148,9 tỷ đồng, tương đương 74% xuống chỉ còn 52,4 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng đầu năm giảm 707 tỷ đồng, tương đương 44,4% so với cùng kỳ năm trước xuống 884 tỷ đồng.
Tại ngày 30/9/2023, vốn chủ sở hữu PV Power là 33.708 tỷ đồng. Như vậy, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu trong 9 tháng đầu năm chỉ là 2,6% (tương đương 3,5%/năm, thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm).
PV Power cho biết trong quý 3/2023, một số nhà máy điện của Tổng công ty đều sụt giảm sản lượng.
Nhà máy thủy điện Hủa Na do lưu lượng nước về hồ thấp (chỉ đạt 68% so với cùng kỳ năm 2022) dẫn đến doanh thu giảm, trong khi đó chi phí của nhà máy thủy điện giảm không đáng kể do chi phí cố định chiếm tỷ trọng lớn. Điều đó khiến lợi quý 3 giảm 39% so với trong kỳ. Trong khi đó, thủy điện Đakđrinh lỗ 40 tỷ đồng, Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 2 lỗ 123 tỷ đồng.
Cùng với đó, hoạt động tài chính trong kỳ lỗ 74 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số lỗ 111 tỷ đồng của quý 2/2022.
Cổ tức, lợi nhuận được chia năm 2019 siêu thấp nhưng suýt là “đỉnh”
Như đã nêu trên, Kiểm toán Nhà nước khẳng định PV Power “đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp” khi cổ tức, lợi nhuận được chia năm 2019 đạt 0,2% tổng vốn đầu tư.
Thế nhưng, đáng chú ý, dù 2019 là năm bị “bêu” nhưng đó cũng là năm chỉ tiêu cổ tức, lợi nhuận được chia của PV Power suýt đạt đỉnh, khi có mức cao thứ hai, chỉ sau năm 2020.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 của PV Power, trong năm 2019, cổ tức, lợi nhuận được chia của Tổng công ty là 80,9 tỷ đồng, sau đó tăng lên 84 tỷ đồng (năm 2020) rồi giảm sâu xuống 7,3 tỷ đồng (năm 2021) và 68,4 tỷ đồng (năm 2022).
Trong 9 tháng đầu năm 2023, chỉ tiêu này đạt 40,3 tỷ đồng.
Có thể thấy, từ năm 2019 tới nay, chỉ tiêu cổ tức, lợi nhuận được chia tại PV Power cao nhất trong năm 2020, và cao thứ hai trong năm 2019, rồi sau đó lao dốc mạnh.
Một phần dẫn đến tình trạng này là không ít các đơn vị mà PV Power rót vốn vào vẫn chưa thoát được thua lỗ và khiến Tổng công ty phải trích lập dự phòng.
Cụ thể, tại ngày 30/9/2023, PV Power phải dành 24,8 tỷ đồng dự phòng Đầu tư tài chính dài hạn. 3 đơn vị khiến công ty phải “treo” số tiền triệu đô này là Công ty cổ phần Phát triển đô thị Dầu khí - PXC, Công ty cổ phần Thủy điện Sông Tranh 3 và Công ty cổ phần Cơ điện dầu khí. Trong đó, PXC là khoản đầu tư thất bại nhất khi PV Power phải trích lập toàn bộ phần vốn đầu tư của mình (18,2 tỷ đồng). PXC thê thảm đến mức công ty có vốn góp gần 281 tỷ đồng nhưng lại âm vốn 185 tỷ đồng tại ngày 30/6/2023.
Lương sếp lớn giảm nhưng vẫn cao ngất ngưởng
Hiệu quả đầu tư của PV Power giảm giữa đại dịch Covid-19. Cho đến năm 2022, dấu hiệu phục hồi đã xuất hiện nhưng hiệu quả của PV Power vẫn thấp hơn trước dịch.
Cụ thể, năm 2019, Lợi nhuận sau thuế của PV Power lên tới 2.880 tỷ đồng, sau đó giảm xuống 2.663 tỷ đồng (năm 2020), 2.052 tỷ đồng (năm 2021) và 2.553 tỷ đồng (năm 2022). Cho đến 9 tháng đầu năm 2023, PV Power bất ngờ “cắm đầu đi xuống” với đà giảm 44,4%.
Giữa đại dịch Covid-19, trong khi nhiều ngành nghề đồng loạt cắt giảm lương tới 50%, PV Power chỉ điều chỉnh giảm rất nhẹ với dàn lãnh đạo cấp cao. Cá biệt, năm 2020, công ty lại tăng lương cho Tổng giám đốc Lê Như Linh từ 1,02 tỷ đồng lên 1,21 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 190 triệu đồng (18,6%).
Sau khi bị giảm lương rất nhẹ, các sếp cao cấp khác của PV Power vẫn duy trì được thu nhập bạc tỷ như Chủ tịch HĐQT Hồ Công Kỳ (1,23 tỷ đồng); các Phó Chủ tịch HĐQT cũng được trả lương cao ngất ngưởng: ông Phạm Xuân Trường (1,1 tỷ đồng), bà Vũ Thị Tố Nga (1,01 tỷ đồng), bà Nguyễn Hoàng Yến (1,02 tỷ đồng), ông Nguyễn Hữu Quý (1,03 tỷ đồng).
Các Phó Tổng giám đốc có thù lao trên 1 tỷ đồng bao gồm: bà Nguyễn Thị Ngọc Bích (1,09 tỷ đồng), ông Nguyễn Duy Giang (1,09 tỷ đồng), ông Nguyễn Mạnh Tưởng (1,1 tỷ đồng), ông Phan Đại Thành (1,07 tỷ đồng), ông Nguyễn Minh Đạo (1,08 tỷ đồng), ông Chu Quang Toản (1,02 tỷ đồng).
Sau đó, thù lao dàn lãnh đạo cấp cao tiếp tục giảm rất thấp. Trong năm 2023, các sếp PV Power vẫn có tiềm năng được trả thù lao bạc tỷ khi mới chỉ trong nửa đầu năm, rất nhiều người được trả trên 500 triệu đồng.