Phạm Thành Lương giành Quả bóng vàng lần thứ 4 trong sự nghiệp, đó là phần thưởng cho một tấm gương không cần bàn cãi về tinh thần cống hiến, tận tụy và đạo đức nghề nghiệp. Nhưng cũng giống như 3 lần trước, Quả bóng kỳ này của Lương “dị” vẫn chưa đạt đến độ vàng mười.
Là bởi trên cả hai tiêu chí ĐT Việt Nam và CLB, Thành Lương đều không có một mùa giải viên mãn. Nói như HLV Lê Thụy Hải thì ở góc độ này, Thành Lương đóng góp cũng không nhiều hơn Văn Quyết, người đã bị… rớt đài sau cuộc bỏ phiếu “sơ loại”.
Lương chơi 23 trận cho HN T&T, ghi duy nhất 1 bàn thắng. Dù đó là bàn thắng đẹp nhất V.League 2016, tước hiệu ấy cũng không thể chối bỏ một sự thật là tầm ảnh hưởng của anh với đội bóng bầu Hiển đã phần nào phôi phai.
Khoác áo ĐT Việt Nam 13 trận, Thành Lương có 1 bàn thắng trong trận giao hữu thắng Triều Tiên 5-2. Dấu ấn lớn nhất của anh ở kỳ AFF Cup chỉ là đường chuyền tinh quái giúp Văn Thanh san bằng tỷ số 1-1 trong trận bán kết lượt về gặp Indonesia tại Mỹ Đình.
Tuyển Việt Nam dừng bước mà không đạt mục tiêu vào chung kết AFF Cup. HN T&T vô địch V.League nhưng màn đăng quang ấy bị ì xèo trên khắp mọi ngả đường vì tất cả đều chướng mắt với nghịch cảnh một ông chủ nhiều đội bóng. Quả bóng vàng của Thành Lương bởi vậy cũng mất đi ít nhiều giá trị.
Nhiều người cho rằng chính quyết định giã từ đội tuyển của Thành Lương lại giúp anh có thêm một số phiếu bầu, bởi người Việt đôi khi lựa chọn theo cách… lụy tình. Dù sao thì Lương “dị” cũng xứng đáng được tri ân với những đóng góp không mệt mỏi hơn 8 năm qua.
AFF Cup 2016, Thành Lương phải chia sẻ vị trí với Thanh Trung. Đóng góp của anh vì thế cũng không liên tục và nổi trội. |
Nhưng điều đó lại khiến danh hiệu của Lương năm nay nhang nhác với những gì được trao cho Trần Công Minh (1999) hay Nguyễn Minh Phương (2010). Hai tuyển thủ này đều nói lời chia tay, và dường như được… an ủi bằng một Quả bóng vàng trong năm thi đấu không hẳn là xuất sắc. (Công Minh sau đó tái xuất và còn khoác áo tuyển Việt Nam đến năm 2000 mới nghỉ hẳn).
Dĩ nhiên, so với các đồng đội còn lại trên bục nhận giải, các chỉ số của Thành Lương là đồng đều hơn cả. Xuân Trường rất được yêu thích và là người chơi nổi bật, ổn định nhất cho ĐT Việt Nam nhưng không có tiếng nói ở CLB Incheon United. Minh Tuấn ngược lại, là trụ cột của CLB Quảng Ninh nhưng lại không được trọng dụng nhiều trên đội tuyển.
Mặc dù vậy, so với một người vắng mặt trong đêm gala là Công Vinh, có vẻ như tầm ảnh hưởng của tân Quả bóng vàng lại hơi mờ nhạt. Không chỉ có một mình Thuỷ Tiên nhận ra BTC gạt Công Vinh khỏi danh sách khách mời là chuyện bất thường.
Người hâm mộ không phải ai cũng yêu mến Công Vinh, nhưng số đông đều thừa nhận đóng góp của anh trong cả sự nghiệp nói chung và năm 2016 nói riêng là rất đáng kể. Một quyết định giải nghệ vào tháng cuối cùng của năm không thể đánh bật anh ra khỏi đêm “chung kết” theo cách nghiệt ngã như vậy.
Có vẻ như những lá phiếu bầu vô cảm và cách hành xử cứng nhắc của BTC chương trình với Công Vinh càng khiến Quả bóng vàng 2016 thêm nhiều vết gợn. Giải thưởng này đang có nguy cơ rơi vào lối mòn đến hẹn lại trao mà không thể tìm ra chủ nhân xứng đáng, bởi V.League ngày càng sa sút, còn tuyển Việt Nam vẫn chưa thấy chìa khoá thành công.
Ở hạng mục Quả bóng vàng nam 2016, Phạm Thành Lương là người chiến thắng. Trong khi, Lương Xuân Trường đoạt Quả bóng bạc, còn Quả bóng đồng thuộc về Vũ Minh Tuấn. |
Những giải thưởng trong đêm gala 2016
Quả bóng vàng nam: Phạm Thành Lương (Hà Nội)
Quả bóng bạc nam: Lương Xuân Trường (Gangwon, Hàn Quốc)
Quả bóng đồng nam: Vũ Minh Tuấn (Quảng Ninh)
Quả bóng vàng nữ: Huỳnh Như (TP.HCM)
Giải cống hiến: Cựu danh thủ Trần Minh Chiến và cầu thủ Nguyễn Bảo Quân
Cầu thủ được yêu thích nhất: Lương Xuân Trường (Gangwon, Hàn Quốc)
Quả bóng vàng futsal: Trần Văn Vũ (Thái Sơn Nam)
Cầu thủ trẻ nam xuất sắc: Vũ Văn Thanh (HAGL)
Cầu thủ ngoại xuất sắc: Gaston Merlo (Đà Nẵng)
Cầu thủ trẻ nữ xuất sắc: Lê Hoài Lương (TP.HCM)