Theo bộ dữ liệu mới được đưa ra của Liên Hợp Quốc đã dự báo cho thấy đô thị hóa, sự thay đổi dần dần cư trú của người dân từ nông thôn sang thành thị, kết hợp với tăng trưởng dân số thế giới có thể tăng thêm 2,5 tỷ người cho các khu vực đô thị vào năm 2050, với gần 90% mức tăng này diễn ra aở châu Á và châu Phi.
Bản sửa đổi triển vọng đô thị hóa thế giới năm 2018 do Phòng Dân số thuộc Vụ các vấn đề về Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc (UN DESA) lưu ý rằng sự gia tăng trong tương lai của dân số đô thị trên thế giới, dự kiến sẽ tập trung cao ở một số quốc gia. Các nước dẫn đầu là Ấn Độ, Trung Quốc và Nigeria sẽ chiếm 35% mức tăng trưởng dự kiến của dân số đô thị thế giới giữa năm 2018 và 2050. Đến năm 2050, dự kiến Ấn Độ sẽ có thêm 416 triệu cư dân đô thị, Trung Quốc 255 triệu và Nigeria 189 triệu.
Dân số đô thị trên thế giới đã tăng nhanh từ 751 triệu vào năm 1950 lên 4,2 tỷ vào năm 2018. Châu Á, mặc dù mức độ đô thị hóa tương đối thấp nhưng vẫn là nơi cư trú của 54% dân số đô thị trên thế giới, tiếp theo là châu Âu và châu Phi với 13%.
Ngày nay, các khu vực đô thị hóa nhất bao gồm Bắc Mỹ (với 82% dân số sống ở khu vực thành thị năm 2018), Mỹ Latinh và Caribbean (81%), Châu Âu (74%) và Châu Đại Dương (68%). Mức độ đô thị hóa ở châu Á hiện nay xấp xỉ 50%. Ngược lại, châu Phi vẫn chủ yếu là nông thôn, với 43% dân số sống ở khu vực thành thị.
Dân số nông thôn trên thế giới đã tăng chậm kể từ năm 1950. Dân số nông thôn toàn cầu hiện ở mức gần 3,4 tỷ và dự kiến sẽ tăng nhẹ và sau đó giảm xuống còn 3,1 tỷ vào năm 2050. Châu Phi và châu Á là nơi có gần 90% dân số nông thôn của thế giới vào năm 2018. Ấn Độ có dân số nông thôn lớn nhất (893 triệu), tiếp theo là Trung Quốc (578 triệu).
Hiểu được các xu hướng chính của đô thị hóa có khả năng mở ra trong những năm tới là rất quan trọng đối với việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, bao gồm cả những nỗ lực thúc đẩy một khuôn khổ phát triển đô thị mới.
Khi thế giới tiếp tục đô thị hóa, phát triển bền vững phụ thuộc ngày càng nhiều vào việc quản lý thành công tăng trưởng đô thị, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp và trung bình thấp, nơi tốc độ đô thị hóa được dự báo là nhanh nhất. Nhiều quốc gia sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu của dân số đô thị đang phát triển, bao gồm nhà ở, giao thông, hệ thống năng lượng và cơ sở hạ tầng khác, cũng như việc làm và các dịch vụ cơ bản như giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Cần có các chính sách tích hợp để cải thiện cuộc sống của người dân thành thị và nông thôn, đồng thời tăng cường mối liên kết giữa thành thị và nông thôn, dựa trên mối quan hệ kinh tế, xã hội và môi trường hiện có của họ.
Để đảm bảo lợi ích của đô thị hóa được chia sẻ đầy đủ và toàn diện, các chính sách quản lý tăng trưởng đô thị cần đảm bảo tiếp cận cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội, tập trung vào nhu cầu của người nghèo đô thị và các nhóm dễ bị tổn thương khác về nhà ở, giáo dục, y tế, công việc tốt và một môi trường an toàn.
Ở bất kỳ thành phố nào, trung tâm thành phố là thực thể của đời sống xã hội. Nhưng thành phố có thể không hoạt động hiệu quả nếu nó quá dày đặc người dân. Các thành phố, về bản chất, có xu hướng có mật độ dân số cao và sự không đồng nhất. Nhưng đây là những sự thật về nhân khẩu học - họ không thể định nghĩa trải nghiệm sống trong môi trường này.
Thuật ngữ “quá tải - overload” cung cấp một liên kết hữu ích giữa các sự kiện nhân khẩu học và kinh nghiệm của cá nhân trong thành phố. Đây là một thuật ngữ được đặt ra bởi nhà khoa học xã hội người Mỹ Stanley Milgram vào những năm 70 trong bài viết về Kinh nghiệm sống ở thành phố. Quá tải được gây ra bởi hiệu ứng tích lũy của một loạt các yếu tố gây căng thẳng môi trường có xu hướng đặc biệt phổ biến ở các thành phố: đông đúc, không có không gian cá nhân; không đủ không gian làm việc và sinh hoạt, tiếng ồn, điều kiện bẩn hoặc không sạch sẽ, ô nhiễm môi trường….
Đối mặt với tình trạng quá tải, mọi người có xu hướng thích nghi bằng cách bắt đầu thu mình lại trước các tình huống mang lại mức độ kích thích cao. Tuy nhiên, sự thích nghi kéo dài để giảm thiểu tác động của quá tải cũng có thể làm chất lượng cuộc sống suy giảm như sức khỏe giảm sút và tinh thần mệt mỏi. Tác động của việc này có thể bao gồm giảm các tương tác xã hội, đạo đức và môi trường của mọi người trong thành phố, tăng ham muốn ẩn danh (để giúp loại bỏ bản thân khỏi các sự kiện không mong muốn), tìm kiếm sự riêng tư về thể chất và cảm xúc, và giảm sự tin tưởng và hỗ trợ cộng đồng.
Với sự gia tăng mật độ và cường độ tại các thành phố, ngày càng có nhiều người có nguy cơ quá tải, nhưng ngay cả những can thiệp nhỏ trong thiết kế đô thị cũng có thể giúp mọi người đối phó với “quá tải đô thị” hiệu quả hơn.