Hình tượng Rồng Việt
Các họa sĩ của Bối Ân đã thực hiện việc nghiên cứu, sưu tập, đi nét, tô màu và cho ra đời series đồ án hoa văn "Rồng nước Nam" gồm 12 bức họa với hình tượng Rồng, biểu tượng của cao quý tôn nghiêm và tầm vóc hoàng gia của bậc đế vương. Series được thực hiện trong năm 2023 là một câu chuyện lớn về hình tượng Rồng xuyên suốt từ thế kỷ 11 vương triều Lý cho đến thế kỷ 20 vương triều Nguyễn.
"Tác phẩm được xem như một lời tri ân tới những tiền nhân đã gây dựng cho thế hệ tương lai dải đất hình chữ S tươi đẹp này. Đồng thời, cũng là lời chúc mừng năm mới Nhâm Thìn 2024 đến tất cả mọi người, mong một năm mới thật nhiều bình an và phước lành," Ken Agnart, đại diện Bối Ân team chia sẻ với Tạp chí Ngày Nay.
Về hình tượng Rồng trong nền văn hóa đại chúng hiện nay, Ken nhận định hiện nay hình ảnh Rồng Trung Quốc được sử dụng nhiều hơn Rồng Việt:
“Cần hiểu và tôn trọng câu chuyện, giá trị văn hóa đằng sau mỗi hình ảnh, hoa văn để không đánh mất đi bản sắc của dân tộc. Rồng Trung Quốc mang nét dữ dằn, gân guốc với tính chất bành trướng, trong khi Rồng Việt Nam nhìn sẽ hiền lành hơn. Âu là bởi đó là phẩm chất của người Việt: yêu chuộng hòa bình.”
Việc hiểu đúng và sử dụng đúng những hình ảnh, đồ án hoa văn có thể đem lại cho những giá trị văn hóa vô cùng to lớn. Bộ tranh sẽ được ra mắt công chúng TP. Hồ Chí Minh tại Lễ khai mạc phố đêm Thảo điền ngày 19/1/2024.
Kho tàng hoa văn ngàn năm của dân tộc
Không chỉ dừng lại ở hình tượng Rồng hay “Linh thú trời Nam” (dự kiến gồm 30 tuyển tập), Bối Ân còn đang thực hiện những dự án phục dựng hệ thống hoa văn, tượng Phật, họa tiết dân gian bốn ngàn năm của dân tộc.
Để có thể cho ra đời những hình ảnh “tiệm cận” với nguyên gốc nhất, các họa sĩ của Bối Ân đã dày công sưu tầm sử liệu từ năm 2012. Tuy nhiều đồ họa, hình ảnh vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, nhưng không ít trong số đó đã bị phong hóa, đôi khi phải mất đến vài năm mới có thể phục dựng xong một đồ án. Các làng nghề làm ra những tác phẩm sử dụng hoa văn đó cũng không lưu nhiều thông tin về ý nghĩa, câu chuyện ẩn sau từng đường nét.
Hoa văn truyền thống sau khi phục dựng được kỳ vọng mang tính ứng dụng cao, gần như có thể đưa vào tất cả mọi sản phẩm có tính chất nhận diện về mặt đồ họa, hình ảnh, từ sản phẩm đơn giản đến sản phẩm cao cấp, từ đồ lưu niệm, tranh kính, nội thất theo phong cách Art Decor, đến lụa, gạch, vải… “Hệ thống lưu niệm của chúng ta hiện nay đang phụ thuộc vào hoa văn của các nước đồng văn. Với tâm niệm là hoa văn có thể đi khắp mọi nơi, chúng tôi muốn những hoa văn của dân tộc trở nên phổ biến hơn, đi sâu vào cộng đồng hơn nữa.”
Trong thời gian tới, Bối Ân sẽ hiện thực hóa việc xây dựng một cộng đồng sở hữu những bản vẽ “tiệm cận” với nguyên gốc nhất, có sự tham gia của các chuyên gia, cố vấn về hội họa, kiến trúc, lịch sử. Những đồ án hoa văn sau khi phục dựng sẽ không được định vị thành tài sản cá nhân, mà sẽ được số hóa, trở thành tài sản chung của cộng đồng.