Trong không gian thơm lừng mùi cà phê, Li Sha đang lúi húi pha cappuccino để phục vụ khách hàng. Khi đưa tách cà phê cho khách, cô không quên uốn cong ngón tay cái của mình hai lần - một cử chỉ có nghĩa là "cảm ơn" trong ngôn ngữ ký hiệu của Trung Quốc.
Li Sha, 37 tuổi, là một trong số 7 nhân viên khiếm thính làm việc trong cửa hàng Starbucks mới mở ở Tây An. Quán cà phê này đặc biệt bởi nơi đây trang bị cả hệ thống nhận dạng giọng nói tại quầy, những màn hình cảm ứng đặt món hiển thị 2 mặt và những bảng viết tay. Những thiết bị này tạo điều kiện để các nhân viên khiếm thính làm việc tại đây có thể giao tiếp trực tiếp với khách hàng một cách dễ dàng.
Li Sha là người khiếm thính bẩm sinh. Sau khi tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Tây An, cô đã thử làm nhiều công việc khác nhau như giáo viên mỹ thuật, vũ công hay thư ký... Tuy nhiên, không một công việc nào có thể trở thành một sự nghiệp lâu dài.
Viết lên một mảnh giấy, Li Sha chia sẻ: "Khi tôi dạy trẻ em vẽ, tôi không khơi dậy được sự nhiệt tình của các em vì tôi không thể nói được. Giao tiếp luôn là vấn đề chính cản trở tôi trở nên giỏi giang trong bất kỳ công việc nào".
Tuy nhiên, Li Sha không chịu thua số phận. Cách đây 3 năm, cô đã đọc được một quảng cáo tuyển dụng nhân viên pha chế và cô quyết định sẽ "thử vận". Do là người khiếm thính, Li Sha gặp nhiều khó khăn hơn cô tưởng khi học pha cà phê và sau đó là công việc hằng ngày. Cô viết: "Trở thành một nhân viên pha chế không phải là một điều dễ dàng. Tôi không có kinh nghiệm trong ngành này. Tôi thậm chí còn không biết rằng các loại cà phê khác nhau cần tỷ lệ cà phê đậm đặc, siro, đá viên và sữa khác nhau".
Sau quá trình siêng năng luyện tập, Li Sha giờ đây đã thành thạo các kỹ năng pha chế tất cả các loại thức uống từ cà phê. Liu Pan - quản lý của quán cà phê - cho biết: “Li Sha có thể dạy những nhân viên khiếm thính khác pha cà phê bằng ngôn ngữ ký hiệu, nhờ đó nâng cao hiệu quả học tập của tất cả mọi người".
Số liệu thống kê chính thức cho thấy từ năm 2016 đến năm 2020, hơn 1,8 triệu người khuyết tật đã được tuyển dụng mới ở Trung Quốc. Theo kế hoạch 3 năm do chính phủ nước này ban hành, 1 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra cho người khuyết tật ở khu vực thành thị và nông thôn từ năm 2022 đến năm 2024.
Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều nhà hàng và quán cà phê ở các thành phố lớn của Trung Quốc như thủ đô Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Tây An thuê những người khuyết tật tới làm việc. Khi người khuyết tật có nhiều sự chọn lựa trong việc làm, họ cũng có thể hòa nhập xã hội tốt hơn.
Tại quán cà phê nơi Li Sha làm việc, nhiều khách hàng đã bắt đầu chào và tạm biệt bằng ngôn ngữ ký hiệu hoặc thử gọi một tách cà phê bằng cử chỉ dựa trên hướng dẫn bằng văn bản được dán tại quầy.
Li Sha chia sẻ: "Tôi hy vọng toàn xã hội có thể hiểu và tôn trọng chúng tôi hơn, và mọi người khiếm thính có thể phát huy hết tiềm năng của mình".