Đến quán cà phê KymViet học Ngôn ngữ Ký hiệu

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Lớp học thử nghiệm Ngôn ngữ ký hiệu sáng Chủ nhật 27/3 là một hoạt động đặc biệt trong chuỗi sự kiện kết hợp giữa blog Floral Wings và hệ sinh thái KymViet. Các học viên đã được cô Nguyễn Thị Đính, từng có thời gian công tác tại trường PTCS Xã Đàn trực tiếp giới thiệu những thông tin cơ bản về ngôn ngữ ký hiệu, hướng dẫn cách giới thiệu bản thân cũng như gọi đồ uống tại quán cà phê, và diễn đạt một đoạn trong bài hát "Permission to dance" (BTS). 
Đến quán cà phê KymViet học Ngôn ngữ Ký hiệu

Ngôn ngữ ký hiệu, hay ngôn ngữ dấu hiệu, thủ ngữ dùng để chỉ cách thức biểu đạt sử dụng đôi bàn tay thay cho âm thanh của tiếng nói. Ngôn ngữ ký hiệu do người điếc (deaf, hoàn toàn không thể nghe thấy) và người khiếm thính (hard-of-hearing, nghe kém) tạo ra nhằm giúp họ có thể giao tiếp với nhau trong cộng đồng của mình và với những người nghe nói trong xã hội.

Tại chuỗi cà phê KymViet, khách hàng đến quán luôn có thể gọi món dễ dàng khi sử dụng cuốn thực đơn sẵn có, hoặc lựa chọn sử dụng những thủ ngữ đơn giản để giao tiếp với nhân viên pha chế người điếc tại quán. Tuy nhiên, việc không được tiếp cận thủ ngữ một cách bài bản đôi khi lại trở thành rào cản khiến người nghe nói không "dám" sử dụng thủ ngữ, vì sợ "nói" sai, dẫn đến cảm giác ngại ngùng, xấu hổ. Vì vậy, họ chọn cách đơn giản hơn là sử dụng thực đơn.

Đến quán cà phê KymViet học Ngôn ngữ Ký hiệu ảnh 1

Phần đông trong cộng đồng "người Nghe" (có khả năng nghe bình thường) hay dùng từ “khiếm thính” và tránh dùng từ “điếc”. Nhưng trong cộng đồng những người không có khả năng nghe thì họ tự gọi mình là người Điếc.

Lớp học thử nghiệm đầu tiên được truyền cảm hứng từ một bài hát

Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện kéo dài một tháng để mừng sinh nhật 09/03 của thành viên Min Yoongi (BTS) do blog Floral Wings chủ trì, một lớp học ngôn ngữ ký hiệu thông qua lời bài hát đã được mở ra. Đại diện của blog chia sẻ: "Vào mùa hè năm 2021, thần tượng của chúng mình - BTS đã cho ra mắt một bài hát mang tên 'Permission to dance', trong đó một số động tác vũ đạo được lấy cảm hứng từ ngôn ngữ ký hiệu của cộng đồng người điếc. Từ lúc đó, chúng mình đã luôn muốn có thể tiếp cận được với văn hóa điếc và ngôn ngữ ký hiệu trong thế giới của các bạn ấy. Tuy nhiên, mãi đến tháng 3 năm nay, khi Hà Nội bắt đầu dần mở cửa trở lại, chúng mình mới có cơ hội được thực hiện dự định này. Và may mắn làm sao, KymViet đã hoàn toàn ủng hộ ý tưởng đó."

Theo blogger, việc đến KymViet, mua một cốc nước để ủng hộ quán là một điều tốt, nhưng điều này sẽ không giúp được công chúng hiểu hơn về văn hóa điếc. "Mô hình quán cà phê người điếc không hề xa lạ trên thế giới này, đó là cách mà hàng trăm ngàn con người trên thế giới nỗ lực để truyền tải văn hóa điếc đến với số đông, mở một cánh cửa khiến người điếc có thể tự tin và hòa nhập. Mình tin nếu kiên trì lan tỏa, sẽ ngày càng có nhiều người hiểu hơn, và đó cũng là những điều mà thần tượng của chúng mình đang truyền tải."

Đến quán cà phê KymViet học Ngôn ngữ Ký hiệu ảnh 2

Ngôn ngữ ký hiệu Hàn Quốc trong bài hát "Permission to dance" đã truyền cảm hứng cho blog Floral Wings mở ra lớp học Ngôn ngữ ký hiệu cùng KymViet.

Một cú chạm rất khẽ vào thế giới người Điếc

Floral Wings cũng nhận định, một lớp học 2 tiếng thì chỉ có thể là một "cú chạm" nhẹ với cả một nền văn hóa lớn lao, nhưng nếu những nội dung được truyền đạt một cách thú vị, chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người và "nảy mầm" những điều tốt đẹp.

Lớp học trải nghiệm do cô Nguyễn Thị Đính, hiện là người phụ trách đội ngũ nhân viên pha chế của KymViet, trực tiếp giảng dạy. Mọi học viên đã được giới thiệu những kiến thức căn bản về thủ ngữ, cách thức chào hỏi và gọi cà phê ngay tại KymViet, cũng như một số đoạn trong bài hát "Permission to dance".

Cô Đính cũng cho biết, trên thế giới có rất nhiều kiểu ngôn ngữ ký hiệu, và những gì được học là hệ thống ký của người Việt Nam. Không chỉ vậy, thế giới người điếc cũng có thể có "teencode", khi những bạn trẻ sẽ sử dụng thủ ngữ một cách phóng khoáng và cá tính hơn.

Đến quán cà phê KymViet học Ngôn ngữ Ký hiệu ảnh 3
Giảng viên Nguyễn Thị Đính hướng dẫn cách gọi đồ uống trong quán cà phê.
Đến quán cà phê KymViet học Ngôn ngữ Ký hiệu ảnh 4
Trần Ngọc Mai, người điếc, trợ giảng lớp học, nhân viên pha chế tại quán cà phê KymViet.
Đến quán cà phê KymViet học Ngôn ngữ Ký hiệu ảnh 5
Cô Đính cho biết, việc tiếp xúc với các bạn câm điếc trong thời gian dài đã khiến cô luôn có phong thái tương đối từ tốn, và người học cũng cần hết sức nhẫn nại mới có thể bước chân được vào thế giới của ngôn ngữ ký hiệu.
Đến quán cà phê KymViet học Ngôn ngữ Ký hiệu ảnh 6
Học viên sẽ được chỉnh dáng tay để có thể truyền đạt được ngôn ngữ người điếc một cách chính xác nhất.

Mỹ Hạnh (giáo viên tiếng Nhật) đã đưa con gái của mình đến trải nghiệm lớp học: "Trước giờ, mình luôn nghĩ rằng người khuyết tật sẽ rất khó hòa nhập cộng đồng. Thế nhưng, những nơi như lớp học này của KymViet đã làm thay đổi suy nghĩ của mình về người điếc nói riêng cũng như người khuyết tật nói chung. Mình mong rằng lớp học thủ ngữ sẽ được tổ chức định kỳ để mình có thể tìm hiểu nhiều hơn."

Trường Giang (freelance designer) cũng có chung suy nghĩ tích cực về lớp học: "Đây là một trải nghiệm khá là tuyệt vời. Học ngôn ngữ ký hiệu ở KymViet hôm nay khiến tôi có cảm giác khá khó tả, như thể được khai sáng một ngôn ngữ thứ hai của chính người Việt. Những kiến thức mới mẻ này khiến tôi rất hào hứng và phấn khích."

Anh cũng cho biết thêm: "Thực ra việc học ngôn ngữ ký hiệu với một người bình thường cũng không dễ dàng gì. Một lớp học trải nghiệm ngắn không thể truyền tải được sâu sắc tất cả mọi thứ, nhưng lớp học mở đầu này khiến tôi muốn tìm hiểu và học hỏi nhiều hơn nữa."

Sau khi lớp học thử nghiệm đầu tiên kết thúc tốt đẹp, trao đổi với Ngày nay, anh Kiều Tuấn, quản lý của KymViet có tiết lộ dự định kiện toàn lại giáo trình giảng dạy ngôn ngữ ký hiệu căn bản, sau đó đưa vào ứng dụng một cách bài bản hơn trong chuỗi cà phê KymViet, hiện đã có 3 cơ sở tại Hà Nội và đang nghiên cứu mở rộng ra Đà Nẵng và Hồ Chí Minh.

Những nỗ lực này không những làm phong phú thêm các hoạt động của KymViet, mà còn tạo cơ hội cho những người điếc được hòa nhập một cách bình thường và thoải mái hơn với xã hội. Giống như bà Martine Lejeau Perry, người mở ra quán ngôn ngữ ký hiệu Le Café Signes (Paris) từng nói: "Người điếc sợ thế giới nghe, sợ không hiểu, và người có thể nghe sợ người điếc. Nhưng mọi người đều học hỏi, và đây là một cuộc hành trình cho tất cả mọi người."

Đến quán cà phê KymViet học Ngôn ngữ Ký hiệu ảnh 7
Mỗi học viên sẽ được nhận bảng chữ cái ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam để có thể tự ôn tập sau lớp học.
Đến quán cà phê KymViet học Ngôn ngữ Ký hiệu ảnh 8
Cô Nguyễn Thị Đính và các học viên của lớp học trải nghiệm Ngôn ngữ ký hiệu.
Đến quán cà phê KymViet học Ngôn ngữ Ký hiệu ảnh 9
Học viên nhí chăm chú nghe giảng tại lớp học.

KymViet khởi đầu với phân xưởng sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Một phần lợi nhuận từ việc bán các sản phẩm này được sử dụng để xây dựng không gian kết nối cộng đồng KymViet Space. Tại đây, khách hàng có thể tham gia trải nghiệm để thấu hiểu cuộc sống của người khuyết tật: lắng nghe chia sẻ của họ trong các buổi trao đổi, tham quan khu vực làm việc của họ, học cách giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu, thử làm công việc khâu thú bông. Bằng cách này, cộng đồng có thể thay đổi nhận thức sai lệch về người khuyết tật nói chung và người điếc nói riêng thông qua trải nghiệm và cảm nhận không gượng ép.

KymViet chính thức trở thành thành viên Mạng lưới Sáng kiến phát triển vì cộng đồng NICE vào năm 2020.

Bài hát được hướng dẫn thể hiện bằng ngôn ngữ ký hiệu trong lớp học.

* Ảnh do KymViet cung cấp

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).