Trao đổi với PLO, luật gia Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật - Liên đoàn Lao động TP.HCM, nhận định bộ luật mới đã khắc phục được những điểm bất cập còn tồn tại trong các quy định về hành vi QRTD so với BLLĐ 2012.
Trước nhất, khoản 9 Điều 3 BLLĐ 2019 đã nêu lên định nghĩa pháp lý về hành vi QRTD. Tiếp đó, Nghị định 145/2020 cũng đã có hướng dẫn rõ về những hành vi vi phạm được xem là QRTD.
Nghị định 145/2020 nêu rõ QRTD là hành vi có mục đích đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc người lao động quan hệ tình dục để đổi lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc.
Mặt khác, những hành vi không hướng đến việc quan hệ tình dục nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người lao động đều được xem là QRTD.
Theo đó, QRTD có thể là hành động, cử chỉ hoặc hành vi phi hành động như lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc ngụ ý tình dục.
“Những lời nói tưởng đùa như “nhìn em ngon quá!” kèm với những kiểu trêu ghẹo về cơ thể, cách ăn mặc có ngụ ý tình dục làm người lao động có cảm giác bất an, khó chịu được xem là QRTD” - luật gia Triều nhấn mạnh.
Theo BLLĐ 2019, người lao động quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động có thể bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải.
Trước mắt chủ các doanh nghiệp, chủ cơ sở làm việc phải có trách nhiệm xây dựng, thực hiện các giải pháp phòng, chống QRTD. Trên cơ sở đó, khi có vụ việc quấy rối xảy ra thì mới có cơ sở để xem xét, xử lý.