Đánh giá về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam trong thời gian qua, nhiều đại biểu ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành; đồng thời cho rằng sự hợp tác, đoàn kết, đồng lòng của người dân trong việc chấp hành các quy định của cơ quan chức năng là yếu tố quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh.
Cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) cho rằng, Chính phủ đã quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch nhưng không áp dụng biện pháp thái quá, cực đoan là rất phù hợp, hiệu quả. Thời gian qua, nhiều địa phương đã có cách làm rất sáng tạo, khoa học trên cơ sở nắm chắc tình hình và đánh giá chính xác nguy cơ xâm nhập lây lan của dịch, từ đó đưa ra những biện pháp phù hợp, góp phần hạn chế tối đa ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân. Nhiều địa phương áp dụng biện pháp "đón đầu" dịch như tăng cường xét nghiệm ngẫu nhiên cùng nhiều biện pháp sáng tạo để mất giờ vàng trong chống dịch.
Tuy nhiên, đại biểu cho biết, thời gian qua xuất hiện văn bản của một số địa phương gây tranh cãi, áp dụng biện pháp thái quá gây khó khăn cho người dân, người lao động và doanh nghiệp. Có địa phương không cho xe chở nông sản đi qua, mặc dù có giấy xác nhận an toàn dịch. Nhiều doanh nghiệp phản ánh xe hàng được thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh nhưng đến điểm cuối cùng cần giao hàng thì phải quay đầu vì mỗi tỉnh một quy định.
Đại biểu tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh, cả nước như một cơ thể sống, quan hệ tuần hoàn chặt chẽ nên không thể vì những chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả, phải làm sao để cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế mới là quan trọng. Về vấn đề này, đại biểu đánh giá cao Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo và yêu cầu dừng áp dụng biện pháp cứng nhắc, cực đoan gây nguy cơ làm gãy chuỗi cung ứng sản xuất quy mô lớn; giao trực tiếp cho từng Bộ trưởng phải rà soát và xử lý ngay tình hình này.
Đại biểu cho rằng, việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vừa qua đã khắc phục tâm lý coi thường quy định trong phòng, chống dịch bệnh. Rất nhiều hành vi vi phạm, kể cả khai báo y tế không trung thực cũng đã được xử lý nghiêm như: Cách chức Giám đốc Công ty Hacinco tại Hà Nội hay rút khỏi danh sách ứng cử Hội đồng nhân dân như tại Hà Nam, thậm chí khởi tố hình sự nhiều vụ án làm lây lan dịch ra cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Thuỷ cho rằng, trước đây, việc công khai lịch trình di chuyển của bệnh nhân đã khiến người bệnh trở thành tâm điểm của sự thêu dệt, suy diễn, thậm chí là bị "ném đá" trên mạng xã hội, gây tổn thương, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của gia đình họ. Sau khi Bộ Y tế không tiếp tục công khai lịch trình đã nhận được sự hợp tác rất tích cực của người bệnh, an tâm cung cấp thông tin để từ đó truy vết kịp thời.
Phân tích yếu tố dẫn đến thành công trong công tác chống dịch đại dịch, đại biểu tỉnh Bắc Kạn đánh giá cao khi Việt Nam là một trong số những quốc gia rất áp dụng rất sớm việc đưa lực lượng quân đội, công an tham gia và trở thành lực lực tuyến đầu trong hoạt động này. Hình ảnh những chiến sĩ áo xanh ngày đêm bám chốt canh gác nghiêm ngặt để chặn nguồn lây và tận tụy chăm lo cho người dân khu cách ly càng thấy sự hy sinh thầm lặng của các chiên sĩ bộ đội, công an các cấp.
Lực lượng y tế chưa bao giờ được đặt vào tình thế khẩn cấp như hiện nay, hàng chục nghìn nhân viên y tế đã và vẫn đang phải gồng mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít.
Chiến lược vaccine cộng đồng là giải pháp hữu hiệu nhất
Các đại biểu cho rằng, một trong những nguyên nhân rất quan trọng khiến công tác chống dịch đạt hiệu quả chính là việc huy động sức dân. Trong suốt thời gian chống dịch, hoạt động kinh tế bị chậm lại nhưng phong trào tương thân tương ái, đóng góp cho phòng, chống dịch thì lại nở rộ khắp nơi trên khắp cả nước.
Theo đại biểu tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thuỷ, những câu chuyện về tấm lòng thơm thảo nghĩa, cử cao đẹp, tình người trong chống dịch không thể kể hết được. Không chỉ có các cá nhân, doanh nghiệp mà cả các cụ già, em nhỏ và những người lao động vốn của mưu sinh còn nhiều khó khăn cũng đều chung tay hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.
Lần gần đây nhất, thông qua đóng góp cho Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 càng thấy được tấm lòng của người dân, doanh nghiệp không chỉ chung tay đóng góp về vật chất mà còn đồng lòng trong việc chấp hành quy định 5K + vaccine thời gian qua.
“Có thể nói là COVID-19 đã thực sự trở thành phép thử đối với tinh thần kỷ luật, ý thức trách nhiệm công dân”, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ đánh giá.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, vaccine chính là giải pháp quan trọng mấu chốt, là cứu cánh trong thời điểm hiện tại, đảm bảo sự thành công trong công cuộc phòng, chống dịch. Ngay từ thời điểm đầu khi dịch bùng phát vào tháng 1/2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tích cực chủ động đàm phán mua vaccine, đồng thời chỉ đạo việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Mặc dù hiện tại tỷ lệ người dân được tiêm vaccine còn thấp do diễn biến phức tạp của đại dịch trên thế giới và khả năng sản xuất, đáp ứng nhu cầu vaccine của các quốc gia còn hạn chế nhưng cử tri và dư luận đã rất tin tưởng và ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
“Cả nước luôn mong Chiến lược vaccine của Chính phủ sẽ thành công và tin tưởng mục tiêu 150 triệu liều để tiêm cho 70% dân số nhằm đạt miễn dịch cộng đồng vàviệc sản xuất vaccine trong nước sẽ trở thành hiện thực trong thời gian gần nhất”, đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh.
Các đại biểu đánh giá, những khó khăn của nền kinh tế trong đại dịch đang "ngấm" ngày càng sâu vào từng người lao động và từng doanh nghiệp, do đó, quyết định của Đảng, Nhà nước tiếp tục triển khai gói hỗ trợ an sinh mới thực sự là một quyết sách rất kịp thời và hợp lòng dân.
Để đóng góp cho công tác này, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ kiến nghị Chính phủ cần giao cho cơ quan chức năng triển khai phần mềm thống kê liên thông để giúp rà soát chính xác, hỗ trợ nhanh chóng đến với đối tượng thụ hưởng, đồng thời tránh việc bỏ sót, trùng lắp hoặc tiêu cực có thể xảy ra; rà soát, đánh giá sức chống chịu của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay để có những giải pháp căn cơ trong thời gian tới.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám đề nghị Quốc hội cần xem xét, quyết định bổ sung một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc vào Nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, cần xác định rõ giới hạn, phạm vi và thời gian đủ để Chính phủ thực hiện phòng, chống dịch bệnh, có dịch có kết quả.