Trước thực tế sản xuất rau nhưng phun thần dược siêu tăng trưởng độc hại đáng báo động của bộ phận bà con nông dân ở xã Khai Thái (Phú Xuyên, Hà Nội) mới đây phản ánh, câu hỏi được nhiều người đặt ra là làm thế nào để hạn chế, thức tỉnh người dân để họ thấy trách nhiệm trong việc sản xuất thực phẩm sạch?
Trong đó, câu hỏi về việc xử ra sao với nhiều hộ dân thậm chí là cả làng khi họ cùng nhau vi phạm trong việc sản xuất rau gián tiếp “đầu độc” cộng đồng?
Luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh) cho hay: Tại Luật An toàn thực phẩm, Điều 5 của luật này quy định 13 hành vi bị cấm không được thực hiện, trong đó có hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc, tác nhân gây ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép.
Đối chiếu với tình trạng sản xuất rau ở Khai Thái như đã phản ánh thì việc sản xuất rau như vậy đã phạm vào điều cấm nêu trên.
Gắn biển sản xuất rau an toàn nhưng một số bà con nông dân lại phun thuốc không có trong danh mục cho phép.
Luật sư Thanh cho rằng, với hành vi sử dụng hóa chất không có trong danh mục được phép sử dụng để sản xuất rau, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 20-40 triệu đồng.
Ngoài ra người vi phạm còn bị đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 04 tháng đến 06 tháng (Đây là quy định tại Điều 7 khoản 2 Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm). Tuy nhiên, luật sư Thanh nhận định, đây chỉ là mức xử phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm.
“Kể từ ngày 1/7/ 2016 tới đây, không nhất thiết phải có người chết, không nhất thiết phải có thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, người vi phạm vẫn có thể bị xử lý hình sự. Bên cạnh đó mức phạt tù đối với hành vi này cũng lên đến 20 năm, so với mức cao nhất là 15 năm của bộ luật hình sự hiện hành.
Căn cứ vào điều luật mới này (Điều 317), người sản xuất rau theo quy trình mà chúng tôi đã phản ánh cũng có thể sẽ là chủ thể của tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tôi cho rằng, đa số người dân đều đồng tình với quy định mới ban hành và sắp sửa có hiệu lực.
Loại thần dược siêu tăng trưởng HVP Ga3 (ngoài danh mục) mà nhiều nông dân Khai Thái cho biết phun sau 3 ngày là thu hoạch trên rau cần.
Hy vọng rằng đây sẽ là biện pháp răn đe có hiệu quả để ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, góp phần đưa hoạt động này đi vào nề nếp và mang lại sự an toàn cho người sử dụng” – luật sư Giang Hồng Thanh nêu ý kiến.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái (Đoàn luật sư Hà Nội) thì cho rằng: Đã vi phạm quy định pháp luật thì dù một người hay cả làng cũng đều phải xử lý.
“Trước đây, chế tài về việc xử lý những người sử dụng hóa chất tăng trưởng còn nhẹ, phía cơ quan chức năng nhìn nhận chưa đúng mực. Đối với những người vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt 2 triệu đồng. Nhưng sau hàng lọat những vấn đề về an toàn thực phẩm và chúng ta nhận thấy vấn đề này vô cùng nghiêm trọng. Sự việc này xảy ra thành một hệ thống từ động vật, thực vật. Tất cả chỉ có một mục đích chạy theo lợi nhuận, không có một quy trình nhất định.
Theo luật sư Thái: Trước đây, vấn đề thực phẩm chỉ bị xử lý một cách hời hợt, không đủ tính răn đe. Sau hàng loạt vụ việc như vậy đã có quy định mới mạnh mẽ hơn và đã là quy định của pháp luật thì với một người hay cả làng cũng đều cần phải nghiêm minh và thực hiện đúng quy định pháp luật”, luật sư Thái nêu quan điểm.
Luật sư Bùi Đình Ứng khi trao đổi với chúng tôi cũng lắc đầu ngao ngán: "Không ăn thì chắc chắn chết, còn ăn thì chết từ từ do cái gì bây giờ ăn vào cũng dễ bị nhiễm chất độc hại".
Theo luật sư Ứng, hành vi phun, bơm, ngâm, tẩm hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật bị cấm, không rõ nguồn gốc, hoặc tuy không cấm nhưng vượt quá liều lượng cho phép gây tổn hại đến sức khoẻ của người tiêu dùng của một số người hiện nay chưa chắc đã phải do nghèo đói mà do ham lợi, hám làm giàu.
Luật sư Ứng cho rằng, để thay đổi và thức tỉnh người dân cơ quan chức năng cần thực hiện 5 giải pháp sau đây:
- Tuyên truyền về tác hại cho sức khoẻ của các thực phẩm này, cách nhận biết để người tiêu dùng biết mà phòng, tránh. Tuyên truyền để người sản xuất biết mà ngừng việc sử dụng hoá chất độc hại trong sản xuất.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm ngay từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ trên thị trường. Chống tham nhũng, tiêu cực trong lực lượng chức năng tránh để " dơ cao, đánh khẽ" khi xử lý các hành vi vi phạm.
- Các ngành, các cấp phải đồng loạt ra quân, vào cuộc tạo thành chiến dịch rộng khắp.
- Cơ quan chức năng phải xuống hiện trường, ra cánh đồng để kiểm tra, giám sát, phát hiện, phát động quần chúng nhân dân tố giác, báo tin về hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm độc hại
- Xử lý thật nghiêm minh các hành vi vi phạm, cần phải xử lý hình sự một vài vụ điển hình để làm gương.
Bắt đầu từ ngày 1/7 người chăn nuôi sử dụng chất cấm, người biết rõ thực phẩm bẩn mà vẫn chế biến cung cấp ra thị trường sẽ bị phạt 50-200 triệu đồng hoặc nặng hơn có thể bị phạt tù 1-5 năm, nhiều nhất là 20 năm.
Cụ thể: Nếu hành vi trên gây ra những hậu quả nặng nề như làm chết 1 người, gây tổn hại sức khỏe cho 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên sẽ bị phạt tiền 200-500 triệu đồng, phạt tù từ 3 đến 7 năm.
Trường hợp làm chết 2 người hoặc gây tổn thất sức khỏe 2 người, tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% thì bị phạt tù 7-15 năm, làm chết 3 người sẽ bị phạt tù với mức hình phạt cao nhất là 12-20 năm.
Nhất Nam – Cù Hiền – Công Luân