Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo chuẩn bị tài liệu hướng dẫn và kế hoạch tập huấn cho các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa.
Theo quy định của Quốc hội, Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa; tổ chức thẩm định sách giáo khoa đảm bảo khách quan, công bằng (gồm bộ sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT chỉ đạo việc tổ chức biên soạn và các sách giáo khoa khác do tổ chức, cá nhân biên soạn); phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.
Bộ sách giáo khoa do Bộ chủ trì sẽ được công bố công khai, trong đó có phiên bản sách điện tử để giáo viên, học sinh sử dụng rộng rãi, bình đẳng. Bộ đang thực hiện các thủ tục theo quy định để ban hành Thông tư Chương trình giáodụcphổ thông trong tháng 10 năm 2018.
Đồng thời, Bộ cũng đã ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; phối hợp với Bộ Nội vụ và các địa phương tiến hành rà soát, bổ sung, sắp xếp, bồi dưỡng giáo viên; xây dựng Đề án bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông mới trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời đã tích cực phối hợp và đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá, bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Đối với vấn đề quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm sai quy định, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp như rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông theo hướng giảm tải nội dung các môn văn hóa; tăng thêm giờ học và hoạt động giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm; chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh; chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường quản lý giáo viên trong việc thực hiện chương trình dạy học; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra...