Sài Gòn và đêm thao thức của những mảnh đời vô gia cư

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tết đối với những gia đình ở Sài Gòn là cơ hội để họ quây quần bên nhau. Dịp này, dù bộn bề đến đâu, ai cũng ngong ngóng đến thời khắc được quây quần cùng gia đình, trong căn nhà sáng đèn. Thế nhưng, rất nhiều người vô gia cư đến một giấc ngủ tròn cũng khó, khi mà họ phải chật vật với cuộc sống mưu sinh, đêm đến vội vã tìm nơi khuất gió dưới gầm cầu, ở vỉa hè, ghế đá để tránh cái lạnh mùa đông.
Đâu đó trên các mái hiên, ngã tư, con đường Sài Gòn không khó để bắt gặp một mảnh đời đơn độc, xa xăm. Ảnh: Nguyễn Nhi.
Đâu đó trên các mái hiên, ngã tư, con đường Sài Gòn không khó để bắt gặp một mảnh đời đơn độc, xa xăm. Ảnh: Nguyễn Nhi.

Đã từng có cuộc sống đủ đầy nay chẳng còn gì

Đi theo những con đường có đông đúc những người vô gia cư chực chờ được phát từng miếng cơm, mánh áo vào thời điểm giao mùa. Những người ngủ ngoài đường như cầu Ông Lãnh là một phường thuộc trung tâm quận 1. Dù được xem là một quận trung tâm nhưng nơi đây lại có rất nhiều người già, trung niên nằm ngủ ngoài đường mặc cho khói bụi, mưa gió lạnh lẽo.

Sau khi dừng xe ở dưới chân cầu Ông Lãnh, tôi thấy trước mặt mình là một ông lão với chiếc xích lô chở đầy đồ, ông lão có mái tóc trắng xóa, bộ quần áo cũ, tôi tiến đến gần hỏi thăm mới rõ. Ông tên Phan Văn Hai, 87 tuổi quê ở Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cuộc sống gặp nhiều khó khăn rồi trôi dạt lên Sài Gòn cũng nhiều năm nay. Ông luôn miệng nói ngày trước cũng có cuộc sống hạnh phúc và đầy đủ nhưng vì người ta ganh ỵ rồi tìm nhiều lý do để phá hoại gia đình.

Nhiều biến cố kéo đến trở tay không kịp, vợ mất sớm còn căn nhà làm tài sản cũng bán đi để trả nợ, cũng không còn tài sản gì rồi lên Sài Gòn sống được ngày nào hay ngày ấy.

Ông Hai sử dụng chiếc xích lô đó để kiếm tiền, cứ tối đến có ai gọi chở đồ thì ông làm. Tối đó, ông ngồi trên ghế đá để chờ đến giờ người ta chở hàng về kho ông mới đến để chở. Ông nói 2 giờ đêm người ta mới về tôi mới đi chở được, tuyến đường tôi chở hàng từ đường Hàm Nghi quận 1 kéo bộ tới chợ Xóm Chiếu quận 4 người ta trả cho tôi được vài chục có hôm thì cũng được 100 nghìn đồng. Mỗi lần chở hàng ông Hai phải kéo bộ một đoạn đường rất xa mới đến địa chỉ giao hàng, kéo hàng ban ngày thì bị phạt mấy triệu còn kéo buổi tối thì tiện hơn nhất là đêm khuya.

Ngoài vợ ông còn có 2 người con, trước kia có đi theo thuyền để đánh bắt cá sau đó cũng nghỉ rồi về Sài Gòn sinh sống. Tôi hỏi con ông có phụ chu cấp cho không? Ông Hai cũng bộc bạch: “Con tôi nó làm công ty nhưng bản thân nó còn không lo được làm sao lo cho tôi”. Vì vậy, ông mới phải ra đường mưu sinh hằng ngày, mới nuôi được bản thân sống đến bây giờ.

So với những người cùng độ tuổi với ông Hai, họ đã nghỉ ngơi vây quầng bên con cháu không còn lo cơm áo gạo tiền, còn với ông Hai lại không có được sự ấm áp đó. Mỗi ngày phải đi làm, kéo từng xe hàng, chờ những miếng ăn từ thiện, khi trời trở gió bệnh tật phải một mình chịu.

Sài Gòn và đêm thao thức của những mảnh đời vô gia cư ảnh 1

Ông Hai năm nay 87 tuổi hằng đêm vẫn mưu sinh với chiếc xích lô cũ. Ảnh: Nguyễn Nhi

Lấy vỉa hè làm nhà

Trên đoạn đường Hai Bà Trưng đối diện nhà thờ Tân Định, quận 1, bà Nguyễn Thị Bé Duyên 83 tuổi, hành nghề ve chai đang ngồi chờ cơm từ thiện. Bà xuất thân từ trại trẻ mồ côi đến tuổi vị thành niên thì ra ngoài sinh sống sau đó lấy chồng.

Bà Duyên chia sẻ: “Tôi hay ngủ trên đoạn đường này, sáng đi lượm ve chai tối về ngủ ở vỉa hè nhiều lúc ngủ không được ngon giấc vì phải giữ chiếc xe đạp tôi được người ta cho.”

Mỗi ngày đi nhặt ve chai chỉ được khoảng hai mươi nghìn đồng không đủ ăn cả ngày. Ngày nào cũng ngồi chờ cơm từ thiện, mà bữa có bữa không. “Hôm qua có người đến cho sữa cho một bà ở bên đường, tôi qua hỏi xin thì bị người ta nạt rồi không cho tôi luôn, trong khi tôi vẫn thấy còn sữa ở trên xe của họ. Vậy là lại ôm bụng đói ngủ tới sáng. Tôi nhịn từ đêm qua tới đêm hôm nay rồi, giờ còn sớm nên ráng ngồi chờ xem có ai ra cho cơm để mà xin.” Bà Duyên nói thêm.

Sài Gòn chuyển lạnh mỗi đêm những người vô gia cư nằm ngủ co ro không có gì sưởi ấm. Bà Duyên cũng vậy, gặp người ta cho quần áo mặt mà chỉ toàn cho áo không có quần, bà chỉ mặt hoài. Nhiều lúc kiếm nước giặt đồ cũng khó khăn, xin người ta toàn bị đuổi đi chỗ khác.

Từ khi chồng bà mất, cũng không có con, bà bắt đầu một hành trình công viên, ghế đá, hầm cầu làm nơi trú ngụ, ăn uống chờ những người làm từ thiện đến cho thì có cái bỏ bụng còn không thì chỉ biết ôm bụng đói để ngủ.

Sài Gòn và đêm thao thức của những mảnh đời vô gia cư ảnh 2

Mỗi đêm ngủ phải canh chừng chiếc xe đạp đây là tài sản quý giá nhất của bà Duyên. Ảnh: Nguyễn Nhi

Côi cút một mình

Ông Trần Văn Thành, 72 tuổi quê ở Quảng Ninh, trôi dạt vào Sài Gòn cũng được mấy năm vì già yếu nên cũng không có nghề nghiệp gì rồi cũng trở thành một người vô gia cư lang thang khắp thành phố. Ông thường xuyên ngồi ở ngã tư Võ Thị Sáu - Hai Bà Trưng cùng với một ít đồ và chiếc xe đạp đã cũ. Trước đó ông sống cùng vợ ở quê cũng không có con cái gì vì vợ ông bị vô sinh.

Có thời điểm vợ ông bệnh, gia đình phải bán nhà để lấy tiền trị bệnh cho vợ nhưng không cứu được nên bà đã mất tại quê nhà cũng được mấy năm. Khoảng thời gian đó nhà không còn trên người ông Thành chỉ còn vỏn vẹn sáu triệu đồng là tài sản cuối cùng. Ông lấy số tiền đó đi thăm lăng bác rồi đi một vài địa điểm nữa, hết tiền mới trôi dạt vào Sài Gòn.

Mỗi ngày ông ngồi ở Công viên cùng chiếc xe đạp cũ được người ta cho, đến tối lại về trước cửa hàng, ngân hàng để ngủ. Mỗi ngày, ông sống nhờ những hộp cơm được người ta cho có khi những người làm từ thiện cho. Mà bữa có bữa không, bữa có hộp cơm sáng người ta cho phải ăn một nửa còn lại để tối lót dạ.

Mỗi dịp Tết, ông cũng chỉ sống nhờ những món quà từ thiện, ông Thành ngậm ngùi: “Tết năm nào cũng giống như nhau thôi, chỉ khác ở chỗ là côi cút một mình không có người thân bên cạnh, nhìn người ta vây quần bên nhau mà thấy tủi thân.”

Những dịp cuối năm người ta đang hối hả chuẩn bị cho Tết thì đâu đó vẫn còn những con người vẫn lang thang ở ngoài đường. Và đêm vẫn lặng lẽ trôi chầm chậm trong khi cuộc sống của bao phận người vẫn gấp gấp trong vòng xoay hối hả.

Theo Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết, ước tính Sài Gòn có khoảng 6.200 người vô gia cư lang thang. Lúc cao điểm, có tháng Sở đã tiếp nhận tới 200 người ăn xin vô gia cư và người không nhà cửa đang tá túc tại các địa điểm công cộng.

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.