Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 198 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh (97 ca), Quảng Nam (27 ca), Quảng Ninh (20 ca), Hà Nội (14 ca), Khánh Hòa (11 ca), Đà Nẵng (8 ca), Hưng Yên (6 ca), Kiên Giang (4 ca), Thanh Hóa, Hải Dương, Bình Dương (mỗi địa phương 2 ca), Hải Phòng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Ninh Bình (mỗi địa phương 1 ca).
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.540.273 ca mắc, trong đó có 2.232.947 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; 2.640 bệnh nhân nặng đang được điều trị; 39.037 ca tử vong.
Tính đến 13/2, đã có tổng số 186.001.127 liều vaccine được tiêm, trong đó tiêm mũi 1 là 79.216.176 liều, tiêm mũi 2 là 74.742.958 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 32.041.993 liều.
Không chủ quan; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch
Chiều 14/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Nhiều nội dung liên quan việc tiêm vaccine cho trẻ em, đánh giá cấp độ dịch... được đại diện các cơ quan chức năng thông tin.
Theo Chánh văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai, trong 7 ngày qua, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh xuống mức thấp, dưới 4 ca/ngày, có ngày không ghi nhận ca tử vong. Mặc dù đây là tín hiệu lạc quan nhưng trước câu hỏi liệu có nên xem COVID-19 như bệnh cúm mùa thông thường không khi số ca mắc và tử vong đang ngày càng giảm, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng chưa có cơ sở để có thể xem COVID-19 như cúm mùa và xử lý như một bệnh lý thông thường.
“Dịch COVID-19 là một sự việc chưa từng có tiền lệ trước đó. Chúng ta chưa hiểu hết, hiểu đủ về nó để có thể kết luận COVID-19 giống như sốt xuất huyết hay một dạng bệnh lý thông thường. Người dân phải tiếp tục tăng cường các biện phòng, chống dịch, không nên chủ quan”, bà Mai nói.
Về tác động của COVID-19 ở trẻ em, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, qua theo dõi tại Thành phố Hồ Chí Minh, trẻ mắc COVID-19 thường không có diễn biến nặng và ít tử vong hơn so với người lớn tuổi. Tuy nhiên, các nhóm trẻ em suy dinh dưỡng, béo phì hoặc có bệnh nền… vẫn phải thật thận trọng vì những trẻ này thường có thể trạng yếu nên có nguy cơ biến chứng nặng cao hơn khi mắc COVID-19, vì vậy các phụ huynh cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch cho trẻ và tiêm vaccine cho trẻ ngay khi đến lượt.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, hiện nay, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn chi tiết về kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi. Tuy nhiên, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tham mưu UBND Thành phố về kế hoạch tiêm cho 970.000 trẻ thuộc nhóm tuổi này đang sinh sống trên địa bàn thành phố, bao gồm 950.000 trẻ đi học và 20.000 trẻ không đi học. Số liệu này do Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Lao động Thương binh và Xã hội ố thống kê. Dự kiến thời gian tiêm mũi 1 diễn ra trong 30 ngày, mũi 2 trong 30 ngày. Khoảng cách giữa 2 mũi do Bộ Y tế hướng dẫn.
Trong thời gian chờ triển khai, HCDC đã tập huấn, hướng dẫn các địa phương về quy trình tiêm chủng an toàn cho trẻ, giám sát công tác tiêm chủng, bảo quản vaccine và cách xử lý khi có sự cố… Việc tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi phải có sự đồng ý của phụ huynh, trên tinh thần tự nguyện. Trong trường hợp gia đình trẻ không đồng thuận, về nguyên tắc, trẻ vẫn được đi học bình thường. Tuy nhiên, địa phương và ngành Y tế, Giáo dục sẽ cố gắng thuyết phục phụ huynh cho trẻ tiêm vaccine để bảo vệ sức khỏe và an toàn cho trẻ.
Ông Tâm nhận định, khi học sinh đi học trực tiếp trở lại, nguy cơ số ca mắc có thể tiếp tục tăng cao do việc chấp hành phòng dịch của trẻ em sẽ không như người lớn. Ngành Y tế, ngành Giáo dục thành phố cam kết sẽ làm hết sức mình để thực hiện tốt nhất quy trình xử lý khi phát hiện F0, F1, cố gắng không để xảy ra lây lan dịch trong nhà trường.
Kịp thời theo dõi, chữa trị bệnh nhân chuyển biến nặng
Ngày 14/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh, hiện Đà Nẵng có 219 ca nặng đang thở ô-xy, trung bình số ca tử vong từ 3-5 ca/ngày (đa số chưa tiêm vaccine, bệnh nền, người già). Qua số liệu báo cáo cho thấy, Đà Nẵng phải ở trạng thái cảnh giác cao, các ngành chủ động theo dõi sát tình hình, không buông lỏng quản lý phòng dịch. Trong đó, các đơn vị, địa phương cần giám sát các ca F0 đang điều trị tại nhà; đi từng ngõ, gõ từng nhà để kịp thời phát hiện những người chưa tiêm vaccine mũi 1.
Bà Ngô Thị Kim Yến đề nghị ngành Y tế mở thêm các cơ sở y tế thu dung điều trị các bệnh nhân có bệnh nền, giúp giảm tải; kịp thời theo dõi, phát hiện, chữa trị các bệnh nhân chuyển biến nặng. Sở Thông tin và Truyền thông thống nhất phương án nhập liệu tập trung thông tin bệnh nhân mắc COVID-19 nhằm quản lý, theo dõi hiệu quả bệnh nhân, phát huy phần mềm điều trị F0 tại nhà. Các cơ quan chức năng phải kịp thời cung cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 chuyển nặng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tránh để bệnh nhân tử vong. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương không vì rào cản về mặt thủ tục, hồ sơ giấy tờ mà bỏ lỡ cơ hội điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, Quyết định của Trung ương, đảm bảo cho nhân dân, các doanh nghiệp an toàn, yên tâm sản xuất,… UBND tỉnh Thái Nguyên triển khai các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới nhằm kịp thời ứng phó với các biến chủng của SARS-CoV-2; nâng cao năng lực ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng, đáp ứng phù hợp và hiệu quả trong tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp, giảm thiểu tác động của dịch bệnh ảnh hưởng tới phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Cụ thể, tỉnh đặt mục tiêu đến hết quý I năm 2022, cơ bản hoàn thành tiêm phủ vaccine mũi 3 cho các đối tượng đủ điều kiện, triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 100% các huyện, thành phố, thị xã có cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tối thiểu 50 giường tại Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm Y tế tuyến huyện và bố trí các cơ sở lưu trú tại các khu cách ly tập trung tuyến huyện để sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nhưng không đủ điều kiện điều trị, cách ly tại nhà.
Tỉnh Thái Nguyên yêu cầu tất cả các bệnh viện, Trung tâm Y tế tuyến huyện có đầy đủ hệ thống ô xy, bình ô xy đáp ứng đủ yêu cầu điều trị và máy thở ô xy thông thường. 100% các xã, phường, thị trấn đều có Trạm Y tế lưu động với đầy đủ trang thiết bị. Đặc biệt, tỉnh tăng cường tập huấn cho 100% cán bộ Trạm Y tế, Trạm Y tế lưu động, Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng…, các kỹ năng quản lý, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà, nơi lưu trú. Tỉnh yêu cầu tất cả các sở, ban, ngành... chủ động, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết để ứng phó dịch bệnh.
Phát hiện sớm ca bệnh để có hướng xử lý kịp thời
Người dân không chủ quan, lơ là và không hoảng sợ, lo lắng về dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của từng nhà, tới học sinh tới trường và đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần của UBND thành phố Hải Phòng với các quận, huyện, sở, ngành liên quan, chiều 14/2.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng nhấn mạnh, việc kiểm soát dịch bệnh tại các cơ sở y tế đến thời điểm này cơ bản là hiệu quả. Nhìn chung, tỷ lệ tử vong và chuyển nặng tại Hải Phòng thấp so với mức trung bình. Hải Phòng không thiếu kinh phí để phòng, chống dịch trong bất kỳ tình huống nào. Thành phố có những nguyên tắc ứng xử chung nhưng cũng đề cao những ứng xử riêng để phù hợp với đặc thù, tình hình phòng, chống dịch của từng địa phương. Ví dụ như việc thành lập Tổ chăm sóc y tế cộng đồng nên để các địa phương tự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đánh giá số ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố tăng cao hơn so với trước Tết Nguyên đán; đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung cao hơn nữa cho công tác phòng, chống dịch, nhất là công tác tuyên truyền để người dân không chủ quan, hoang mang và đối với việc tự ý sử dụng thuốc, gây nhiều tác dụng phụ.
Các F0 được ở nhà điều trị, F1 xét nghiệm âm tính được tiếp tục làm việc, học tập bình thường. Tất cả các nhà trường mở cửa đón học sinh, trường nào học bán trú vẫn tổ chức bán trú bình thường.
Thành phố quyết định không mở thêm Trạm y tế lưu động, tuy nhiên tăng thêm nhân lực, vật lực cho các trạm này. Thành phố huy động sinh viên trường Đại học Y Dược Hải Phòng, Cao đẳng Y Hải Phòng, Đại học Hải Phòng từ ngày 16/2 - 16/3 hỗ trợ Trạm y tế lưu động tại các địa phương có số ca mắc cao; đồng thời giao Sở Y tế bố trí thời gian phù hợp để các em tiếp tục duy trì việc học tập tại trường.
Ngày 14/2, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức họp trực tuyến từ điểm cầu tuyến tỉnh đến 8 huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn nhằm triển khai một số nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Số ca mắc tại Thái Bình được phát hiện tăng cao do sau kỳ nghỉ Tết, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thái Bình thực hiện việc xét nghiệm SARS-CoV-2 cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên trước khi trở lại làm việc, học tập. Đáng lưu ý là số ca mắc COVID-19 được phát hiện trong các trường học tăng mạnh.
Phát biểu tại cuộc họp, trên cơ sở chỉ ra những nguyên nhân, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận yêu cầu chấn chỉnh ngay hoạt động của các cấp, ngành và nâng cao hoạt động của cấp cơ sở, tuyệt đối không chủ quan, lơ là…; đặc biệt, tập trung cao độ cho đợt cao điểm “làm sạch COVID-19” sau Tết nguyên đán. Các cấp, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ và của tỉnh, trong đó tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch; tuyên truyền diễn biến dịch bệnh thường xuyên, liên tục… UBND các huyện, thành phố và các ngành liên quan tăng cường xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; kiểm soát hiệu quả di biến động dân cư, kiểm soát người từ Thái Bình đi nơi khác và người nơi khác trở về địa phương. Tỉnh khuyến khích người dân chủ động xét nghiệm, phát hiện sớm các ca bệnh để sớm có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp.