Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa thông báo phân loại JN.1, một biến thể phụ của virus SARS-CoV-2 là "biến chủng mới cần quan tâm (VOI)" riêng biệt sau khi theo dõi mức độ lây lan nhanh chóng của JN.1 tại nhiều nước. Nhiều chuyên gia cảnh báo dịch COVID-19 đang có xu hướng quay trở lại khi số ca mắc mới ở nhiều quốc gia tăng với tỷ lệ đáng lo ngại.
Ba năm qua, thế giới đã đạt được thành tựu trong việc kiểm soát, khống chế đại dịch COVID-19. WHO hồi tháng 5 tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa mối đe doạ dịch bệnh đã biến mất. Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, tạo ra các biến thể mới và lưu hành trên toàn cầu.
Từ đầu tháng 12, số ca mắc mới COVID-19 gia tăng ở nhiều nước đã gây quan ngại về sức khoẻ cộng đồng do người dân gia tăng hoạt động đi lại và giao lưu trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới. Riêng tại Mỹ, báo cáo ngày 25/12 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho thấy biến thể JN.1 gây ra gần 50% số ca mắc mới COVID-19, tăng so với mức 21,4% được báo cáo trước đó. Theo CDC, JN.1 có khả năng lây truyền cao hơn các biến thể khác hoặc né tránh hệ thống miễn dịch tốt hơn các biến thể khác đang lưu hành.
Tại Anh, giới chức kêu gọi người dân cảnh giác trước sự gia tăng số ca mắc mới với JN.1 trở thành biến thể thống trị. Từ tháng 11, giới chức y tế Australia đã cảnh báo biến thể mới có thể gây ra “làn sóng COVID-19 thứ tám” ở nước này trước và trong dịp Giáng sinh. Nhật Bản bước vào làn sóng lây nhiễm thứ chín, Indonesia đặt các sân bay trong tình trạng cảnh báo cao độ, Malaysia, Singapore khuyến nghị người dân tiêm vaccine tăng cường và đeo khẩu trang khi số ca mắc mới COVID-19 tăng vọt dịp cuối năm.
Giữa tháng 12, WHO cũng khuyến cáo đối với bệnh đậu mùa khỉ khi căn bệnh này đã xuất hiện và lây lan nhanh ở bên ngoài hai khu vực Trung Phi và Tây Phi – nơi căn bệnh chủ yếu lưu hành. Nhật Bản đã thông báo ca tử vong đầu tiên do bệnh đậu mùa khỉ. Hồi tháng 10, Bộ Y tế Indonesia phải ban bố cảnh báo khi số bệnh nhân đậu mùa khỉ ở nước này tăng nhanh. Malaysia, Lào, Campuchia... cũng đã báo cáo trường hợp mắc bệnh đầu tiên. Theo WHO, bệnh đậu mùa khỉ có thể lan rộng ra ngoài CHDC Congo sau đợt bùng phát dịch trong năm nay tại quốc gia Trung Phi này, với hơn 13.000 trường hợp nghi mắc, cao gấp đôi số lượng được báo cáo trong bất kỳ năm nào trước đó.
Trong khi đó, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên toàn thế giới trong năm nay vượt 5 triệu người, trong đó có tới hơn 5.000 người tử vong. Ngày 22/12, WHO đã ban bố cảnh báo về mối đe dọa khi căn bệnh do muỗi lây truyền này xuất hiện tại các nước chưa từng bị ảnh hưởng trước đây, như Nhật Bản.
Cảnh báo chồng cảnh báo. Nguy cơ dịch bệnh vẫn hiện hữu, đòi hỏi các nước cần tiếp tục các biện pháp kiểm soát, sẵn sàng ứng phó và phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn kịp thời. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, việc thúc đẩy triển khai hành động ngày càng trở nên cấp thiết hơn.
Hợp tác giữa các chính phủ và đa ngành là chìa khóa dẫn đến thành công trong cuộc chiến toàn cầu phòng, chống dịch bệnh, thể hiện qua những kết quả mà thế giới đạt được trong phòng chống COVID-19, đậu mùa khỉ,… Hưởng ứng “Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh”, các nước đã triển khai nhiều sáng kiến và giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, cộng đồng và quốc gia về việc thường xuyên phòng bệnh dịch; chia sẻ những mô hình kiểm soát và phòng chống dịch bệnh, chia sẻ vaccine, thúc đẩy dự án chung về nghiên cứu và phát triển vaccine phòng chống dịch bệnh trong tương lai... Sự phối hợp và hưởng ứng của các nước đối với nỗ lực toàn cầu không chỉ giúp khống chế được dịch bệnh mà còn giúp ổn định được tình hình kinh tế-xã hội ở mỗi quốc gia và trên phạm vi toàn cầu.
Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh 2023, Tổng Thư ký LHQ António Guterres kêu gọi các nước tiếp tục hợp tác dựa trên những kết quả đã đạt được, nâng cao năng lực giám sát phòng chống dịch bệnh, đảm bảo tiếp cận công bằng, kịp thời, bình đẳng vaccine cũng như đối với chẩn đoán và điều trị. Điều này sẽ tạo nền tảng xây dựng một thế giới công bằng hơn và lành mạnh hơn cho tất cả mọi người.
Với vai trò là nước đồng đề xuất, thúc đẩy và soạn thảo nghị quyết lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh, Việt Nam đã và đang tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế đẩy mạnh các nỗ lực chung, sẵn sàng hành động, hợp tác vì sức khỏe của cộng đồng. Trên cương vị Phó Chủ tịch Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ Khóa 77 (9/2022 - 9/2023), Việt Nam đã thúc đẩy các chương trình nghị sự của LHQ về phòng chống dịch bệnh, đề xuất tổ chức Hội nghị cấp cao về sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh trong khuôn khổ Khóa họp ĐHĐ vào tháng 9/2023 với mục tiêu đề ra các giải pháp hiệu quả để khắc phục những thiếu sót ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu trong việc chuẩn bị, phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp.
Hội nghị đã nhất trí thông qua Tuyên bố chính trị về sẵn sàng ứng phó và phòng chống đại dịch, trong đó các nhà lãnh đạo thế giới cam kết hợp tác, quản trị và đầu tư lớn hơn nhằm ngăn chặn, chuẩn bị và ứng phó với các đại dịch trong tương lai. Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam ủng hộ kêu gọi cộng đồng quốc tế đồng ý đưa an ninh y tế toàn cầu thành một ưu tiên trong chương trình nghị sự để sớm ngăn ngừa, chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó hiệu quả với các loại dịch bệnh; với tinh thần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết để phát triển bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Như đánh giá của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, việc đầu tư vào các hệ thống ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh là “sự đầu tư sáng suốt” cho tương lai. Nhân Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh 2023, LHQ một lần nữa kêu gọi hợp tác toàn cầu, tăng cường khả năng sẵn sàng hành động phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho mọi người, bởi đây là một phần quan trọng trong việc xây dựng một thế giới khỏe mạnh hơn và đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững.