Việc một người làm ở khu vực tư nhân, tích lũy, làm giàu rồi vào làm việc tại khu vực công có nhiều cái lợi: Họ đã giàu, nhiều khả năng không còn ham muốn vật chất mà cống hiến 101% khả năng cho công việc, họ có năng lực điều hành quản trị; họ có kinh nghiệm thực tế cuộc sống điều mà các công chức bàn giấy không có. Tất nhiên cộng với hệ thống pháp luật, hệ thống giám sát minh bạch, đôi khi những người này cống hiến đến 102% khả năng cho đất nước.
Còn việc một người từ khu vực công sang khu vực tư nhân thì có thể họ mang kinh nghiệm, sự hiểu biết về bộ máy nhà nước hay có thể mang lại những "bí kíp" làm việc hay mối quan hệ sẵn có trong hệ thống vốn nhằng nhịt trên dưới, trái phải…
Trở lại câu chuyện công chức sao giàu. Như trên đã nói, chúng ta đã hoàn thành việc xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp tuyệt đỉnh với những công chức đi lên từ cử nhân (tại chức) với mức lương khởi điểm 1,86 ngày xưa và 2,34 bây giờ. Hầu như không có sự chen ngang. Không có chuyện làm ở khối tư nhân rồi thành Bộ trưởng Ngoại giao như Rex Tillerson, nguyên sếp trưởng của Exxon Mobil.
Và như thế, nếu có một công chức giàu lên bất thường hoặc đơn giản giàu hơn các đồng liêu, dư luận và nhân dân có quyền đặt câu hỏi. Và câu trả lời sẽ là: làm đến thối móng tay, chạy xem ôm thâu đêm, vượt rừng buôn chổi đót…
Nhưng, không gì phản cảm hơn một cán bộ đeo đồng hồ PP, cầm Vertu vàng (được cho là có giá tiền tỷ) đi dẹp hàng rong. Một giám đốc Sở vùng rừng, nơi vừa nhận gạo cứu đói của Chính phủ với mức lương chỉ nhập nhèm 10 củ lại có một ngôi nhà tráng lệ nằm trên vùng đất rộng bao la. Một nữ trưởng phòng của một tỉnh mà nghề xuất khẩu lao động chính là "tay bị tay gậy" mà có nhà mặt tiền phố trên Hà Nội, xe ô tô xịn sánh ngang nhiều đại gia Hà Thành…
Liệu có nên học các nước tư bản phương Tây, đưa tỷ phú vào làm sếp các cơ quan. Có thể, ở ta, năm ngoái, năm kia, một số Bộ ngành tổ chức thi tuyển lãnh đạo với mục đích được cho là "tìm được nhân tài". Trong đó, tại Đại học Luật có ông luật sư trúng tuyển Hiệu trưởng (ông này thực ra cũng từng là công chức, thư ký Bộ trưởng). Sự việc ì xèo rồi bị "tạm dừng" vô thời hạn.
Đến nay thì Bộ Nội vụ đã có hướng dẫn, chỉ cán bộ công chức đã có quy hoạch được thi tuyển lãnh đạo. Cũng chỉ được thi vượt 2 cấp (Phó phòng được thi Vụ Phó). Xin chia buồn anh luật sư. Anh không còn cơ hội làm "soái ca" ở trường Luật nữa rồi.
Và nền công vụ của chúng ta vẫn giữ vững sự chuyên nghiệp 100% với các công chức sáng cưỡi xe đi làm, chiều uống bia, rượu vang chém gió về CMCN 4.0. Lương họ rất thấp nhưng thu nhập rất cao. Trách nhiệm rất nhỏ nhưng nhà rất to. Tư duy rất hạn hẹp nhưng con đi du học rất xa.
Và cuối năm, như lệ thường, bản kiểm điểm công chức luôn có đoạn "giữ gìn đạo đức, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư". Bản khai tài sản chỉ có 1 Honda Dream đăng ký lần đầu năm 1995, mua đời chủ thứ n và không có khoản nợ nào trên 50 triệu.
Có lẽ, trong 24h của một ngày thì công chức, nói đúng hơn là một số quan chức chỉ nghĩ cách giải trình số tài sản của mình khi bị phát giác. Sau nghề "làm chổi đót" thì nghề gì sẽ lên ngôi. Không thể biết được.
Chỉ biết rằng sự giàu lên của một số quan chức tỷ lệ nghịch với mức tăng trưởng kinh tế của địa phương ông quản lý. Tóm lại, là càng nhiều ông quan giàu lên thì ĐẤT NƯỚC càng nghèo đi.
Nghèo một cách "đúng quy trình"!.