Người say rượu ở Tây Bắc không kể đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ. Trên những đôi chân họ là những đôi dép tổ ong màu trắng đã ngả sang nâu vàng do bùn đất bụi bám. Đàn ông say thì nằm ở vệ đường, xe máy vứt chỏng chơ bên cạnh. Đàn bà say thì cũng nằm nhưng từ tốn hơn hoặc nếu ngồi thì họ thường úp mặt vào gối, có người còn khóc tu tu.
Ở đây say rượu như là một tội “tổ tông truyền”. Nghiện rượu như cái nghiệp của người dân tộc thiểu số nơi đây vậy.
Họ cho tôi (một người Kinh sinh trưởng ở miền núi nhưng đang sống ở đô thị) cảm giác đều say và thích được say. Liệu say có quên đi được cái nghèo, xua đi được cái khổ đau?
... Những khổ đau ấy nào đâu riêng nơi đây có? Đó là số kiếp của mọi chủng loài nhưng với con người nó đau đớn hơn do nhiều biểu hiện diễn đạt. Khi tách ra khỏi phần con, phần động vật trong chữ con người, chúng ta liệu có hết khổ đau? Nỗi đau có từ khi nào? Phải chăng từ cảm thức về cái tôi của chính mình và đem ánh mắt ấy cảm nhận về những thân phận chúng sinh?
Khi tách khỏi khổ đau, chúng ta sẽ hạnh phúc như bậc tiên thánh hay chúng ta sẽ chìm đắm trong những ảo vọng khác của phần người kia?